Tổng kết quá trình 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, trên cơ sở đánh giá sâu sắc những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 đã nhấn mạnh cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ hơn, phát triển với tốc độ nhanh hơn và bền vững hơn nhằm sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo nền tảng để đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại. Để thực hiện mục tiêu trên, bên cạnh các chính sách phát triển kinh tế-xã hội, Đại hội đã khẳng định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, trong đó nhấn mạnh phải “đẩy mạnh công tác văn hoá-thông tin đối ngoại, góp phần tăng cường sự hợp tác, tình hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước”, làm cho bạn bè thế giới hiểu rõ hơn về công cuộc đổi mới, về đất nước và con người Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển.
Thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ 11, trong 5 năm qua, đất nước ta đã vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu to lớn. Chính trị xã hội ổn định. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc. Tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hàng năm đạt gần 7%; an sinh xã hội, đời sống nhân dân được bảo đảm. Quan hệ đối ngoại được mở rộng, vị thế quốc tế của đất nước được nâng cao.
Trong những thành tựu đó, có phần đóng góp quan trọng của công tác thông tin đối ngoại. Thông tin đối ngoại đã góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh Việt Nam, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên thế giới, củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế, bảo vệ chủ quyền biên giới lãnh thổ, biển và hải đảo, khuyến khích, động viên đồng bào ta ở nước ngoài gắn bó với quê hương.
Trong những năm qua, công tác thông tin đối ngoại đã có những bước phát triển vượt bậc. Nhận thức về tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại ngày càng được nâng cao. Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương và biện pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả của thông tin đối ngoại. Ban Bí thư đã ra Chỉ thị 26 về “Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới”, theo đó, xác định thông tin đối ngoại là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, với phương châm “chính xác, kịp thời, sinh động, phù hợp với từng đối tượng”. Cơ chế trao đổi thông tin, phối hợp hành động giữa Bộ Ngoại giao với Ban Tuyên giáo Trung ương và các bộ, ban ngành đã từng bước được cải tiến, phát huy hiệu quả trong việc cung cấp và định hướng thông tin, nhất là trước các sự việc phức tạp nảy sinh. Công tác thông tin đối ngoại được triển khai tích cực, đồng bộ và toàn diện, với nhiều hình thức đa dạng, nội dung ngày càng phong phú.
Trên cơ sở đó, công tác thông tin đối ngoại đã phát huy hiệu quả, đóng góp vào thành công của các hoạt động đối ngoại quan trọngThông tin đối ngoại đã phản ánh kịp thời chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, những thành tựu phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam, giúp dư luận bên ngoài hiểu rõ hơn, đúng hơn về Việt Nam, thu hút sự quan tâm và gây ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế về Việt Nam. Hình ảnh đất nước Việt Nam hoà bình, ổn định, đổi mới, đang phát triển năng động, là điểm đến an toàn và tin cậy của đầu tư, du lịch, con người, lịch sử và nền văn hoá lâu đời hết sức phong phú và giàu bản sắc dân tộc của Việt Nam đã được nhân dân thế giới và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài biết tới thông qua nhiều kênh và bằng nhiều hình thức khác nhau.
Cùng với việc tăng cường quảng bá thông tin về đất nước, con người và sự phát triển của Việt Nam, chúng ta đã đấu tranh chủ động và hiệu quả hơn với những luận điệu xuyên tạc về Việt Nam, nhất là trong những vấn đề như dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, biên giới lãnh thổ. Chúng ta đã tăng cường cung cấp thông tin chính thống, có định hướng về chính sách và những nỗ lực của Việt Nam trong việc phát huy dân chủ, bảo đảm quyền con người, quyền tự do tôn giáo, những thành tựu của đất nước ta trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Việc Việt Nam bảo vệ thành công Báo cáo Kiểm điểm định kỳ phổ cập trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã góp phần thay đổi cách nhìn nhận và đánh giá của nhiều nước về Việt Nam theo hướng khách quan và toàn diện hơn. Việc xuất bản Sách trắng Quốc phòng đã đáp ứng các yêu cầu ở trong nước và quốc tế tìm hiểu về chính sách quốc phòng của ta. Tuyên truyền về kết quả phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền cùng với việc ký và đưa vào thực hiện ba văn kiện pháp lý giữa Việt Nam - Trung Quốc, tiến trình phân giới cắm mốc với Lào và Cămpuchia, bảo vệ chủ quyền biển đảo đã được triển khai tích cực với tư liệu phù hợp đến nhiều đối tượng, góp phần tăng thêm nhận thức đúng đắn về chủ quyền biên giới lãnh thổ của đất nước, tạo được sự đồng thuận trong xã hội và sự tin tưởng của nhân dân đối với chính sách của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời cơ bản giải tỏa được một số băn khoăn, hoài nghi trong dư luận.
Hoàng Thơ biên soạn