Bãi thải quá tải, rác chất thành núi, ruồi nhặng sinh sôi gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, thế nhưng, chính quyền xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam “loay hoay” không tìm ra hướng giải quyết bởi số tiền địa phương thiếu nợ đơn vị xử lý rác lên đến hơn 100 triệu đồng chưa có khả năng thanh toán.
Bãi rác thải của xã Duy Hải cạnh công trình xây dựng khu nghỉ dưỡng
Vài tháng nay, người dân xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam phải sống chung với ô nhiễm trầm trọng do hàng trăm tấn rác đang bị tồn ứ tại bãi thải mà không được đưa đi xử lý. Bãi thải quá tải, rác chất thành núi, ruồi nhặng và cả giòi sinh sôi nảy nở gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng. Mùi hôi theo hướng gió phát tán tứ phía, bay vào khu dân cư khiến người dân chịu không nổi.
Điều đáng nói, bãi rác nằm sát một công trình xây dựngcủa Dự án Nam Hội An, bên cạnh lại có quán cơm, hàng ngày hàng trăm công nhân vào ăn cơm, uống nước tại đây, gây mất vệ sinh trầm trọng.
Ông Nguyễn Văn Thống- Chủ tịch xã Duy Hải cho hay, hiện xã Duy Hải có hơn 5 thôn với khoảng 8.000 nhân khẩu, cộng với lượng công nhân xây dựng các nơi đến làm việc khoảng trên 2.000 người nữa là trên 10.000 người, lượng rác thải ra rất lớn. Ngoài rác thải sinh hoạt của các hộ dân, các loại bao xi măng, rác thải tăng thêm đề đổ dồn về bãi thải chung của xã. Hiện nay xã đang nợ Công ty hơn 100 triệu đồng tiền thu gom rác nên phải chịu cảnh rác thải bủa vây, ô nhiễm môi trường.
Bãi rác hiện tồn hàng trăm tấn rác thải
“Qua kiểm tra đến tháng 9/2018, xã nợ trên 100 triệu tiền phí xử lý rác thải của Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam. Nguyên nhân là do hàng trăm hộ dân thiếu nợ tiền rác hàng tháng. Với một hộ dân một tháng tiền rác thải chỉ 20 ngàn đồng, hộ kinh doanh 50 ngàn đồng nhưng số hộ nợ rất lớn dẫn đến xã thiếu nợ Công ty CP môi trường đô thị Quảng Nam. Vừa rồi, đã họp 3 thôn còn 2 thôn để vận động các hộ thực hiện trách nhiệm xã hội nộp phí môi trường.”- ông Nguyễn Văn Thống cho biết.
Cũng theo ông Thống, người dân cho rằng việc thu gom, xử lý rác hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân vì một tuần xã mới chỉ tiến hành thu gom một lần. Thế nhưng, ông Thống lý giải xã vừa đi thu gom rác, vừa đi thu phí trả công cho người đi thu gom rác và người đi thu phí… nên gặp nhiều khó khăn. Hiện chính quyền xã đã có kiến nghị hỗ trợ lên chính quyền huyện và đề nghị Công ty CP môi trường đô thị Quảng Nam xử lý và giải quyết từ từ.
Theo ông Nguyễn Hữu Danh- Đội phó Đội môi trường Duy Xuyên, hiện bãi thải rác của xã Duy Hải còn tồn từ 25-30 xe rác, mỗi xe khoảng 25 tấn thì số lượng bãi rác này còn tồn hàng trăm tấn rác chưa được vận chuyển đến nơi quy định để xử lý.
Về nguyên nhân bãi rác tồn tại lâu ngày, ông Danh cho biết do UBND xã Duy Hải còn nợ lớn từ tháng 4/2018 đến nay. Nếu xã có hướng trả nợ thì đơn vị sẽ cố gắng xử lý càng sớm càng tốt.
Riêng Duy Hải là xã nợ quá lâu, từ tháng 4/2018 đến nay và số nợ lên đến 103 triệu, đơn vị đã nhiều lần gởi văn bản đối chiếu công nợ nhưng xã không chịu trả và độ hợp tác không tốt nên đơn vị phải tạm dừng (thu góm rác thải) vì không còn kinh phí để hoạt động. Bởi theo hợp đồng kinh tế giữa công ty và xã ký kết với nhau, sau thời gian không hợp tác chi trả theo thỏa thuận hợp đồng, công ty tạm dừng (thu gom rác) đến khi nào đơn vị thanh toán đơn vị sẽ thực hiện lại bình thường.
“Kinh phí gồm nhân công, vận chuyển và xử lý; nên để tồn tại chúng tôi phải chấm dứt những chỗ như vậy, cho dù trong thâm tâm chúng tôi muốn lấy rác để cho các xã ven biển được sạch sẽ nhưng do điều kiện như thế nên chúng tôi phải tạm dừng”- ông Đoàn Kim Thịnh cho biết.
Lãnh đạo Công ty CP Môi trường Đô thị Quảng Nam cũng cho biết, hiện các địa phương nợ tiền thu gom, xử lý rác thải lên đến 10 tỉ đồng, nên việc hoạt động của công ty hiện rất khó khăn. Nếu như xã, huyện nào cũng như Duy Hải thì sẽ phá sản vì không có phí hoạt động vì công ty tự cân đối thu chi chứ không như trước đây là sử dụng ngân sách nhà nước. Hiện nay, công ty đang tập trung hướng dẫn, tuyên truyền người dân phân loại rác thải tại nguồn để cơ bản giải quyết phần nào kinh phí thu gom rác thải tại các địa phương.
“Chúng tôi muốn lấy ít đi chứ không phải muốn lấy nhiều. Chúng tôi hướng dẫn phân loại rác tại nguồn, thứ nhất dùng phân bón cho cây xanh, thứ hai giảm đi khối lượng, xe, nhân công ít đi thì sẽ giảm chi phí chi trả cho việc thu gom, xử lý. Thứ hai, chúng tôi cũng đề nghị địa phương nào khó khăn, thì công ty sẽ bố trí nhân viên cùng thôn trưởng, hội phụ nữ vận động, giải thích cho người dân. Theo chúng tôi được biết, hiện nay sự phối hợp giữa lãnh đạo UBND với thôn trưởng, thôn phó còn bất cập nên thu phí chưa sát, chưa đúng. Nếu chúng ta thu đúng với quyết định của UBND tỉnh thì việc này sẽ cơ bản giải quyết được”- ông Đoàn Kim Thịnh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Môi trường Đô thị Quảng Nam cho biết.
Lan Anh