Trước những tác động bất lợi của thời tiết, huyện Duy Xuyên đã sớm xây dựng các phương án cụ thể để ứng phó với mùa mưa bão năm nay một cách hiệu quả.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) huyện Duy Xuyên, năm 2017, địa phương chịu ảnh hưởng của 12 cơn bão và 4 đợt áp thấp nhiệt đới, gây ra nhiều trận lũ lớn làm thiệt hại hơn 500ha lúa và hoa màu, 4.500 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi, gần 41km kênh mương bị sạt lở nặng, 5 trạm bơm điện hư hỏng, 40 trụ điện thủy lợi hóa đất màu ngã đổ, hàng loạt tuyến đường giao thông nông thôn bị xói lở... Ước tính tổng giá trị thiệt hại lên đến 174,9 tỷ đồng. Toàn huyện có 19 người bị thương, 1 người chết vì bão lũ. Ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT kiêm Phó Trưởng ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Duy Xuyên cho biết, theo dự báo, năm nay số cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông ở mức xấp xỉ hoặc nhiều hơn mọi năm. Riêng từ tháng 9 đến tháng 12, khả năng Quảng Nam nói chung, Duy Xuyên nói riêng, chịu ảnh hưởng 1 - 2 cơn bão và có khả năng xuất hiện 3 - 5 đợt lũ ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm.
Vì vậy, ngoài việc phối hợp tổ chức các đợt diễn tập phòng chống thiên tai ở những địa bàn trọng yếu, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Duy Xuyên còn rà soát các điểm xung yếu, sẵn sàng huy động lực lượng hỗ trợ di dời hơn 1.500 hộ dân ở các xã Duy Thu, Duy Châu, Duy Trinh, Duy Phước, Duy Vinh… đang sinh sống ở những vùng ven sông, nơi có nguy cơ cao sạt lở đất đá đến các cơ quan, trường học, trạm y tế, nhà dân kiên cố. Các hồ chứa như Thạch Bàn, Phú Lộc, Vĩnh Trinh… đã bố trí lực lượng xung kích gồm 20 người và tập kết vật tư, phương tiện để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra. UBND huyện và Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện cũng đã yêu cầu các địa phương, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong nhân dân về việc chủ động phòng chống bão lũ, thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trên tinh thần chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó lấy phòng tránh là chính.
Ngoài ra, khi dự báo bão đổ bộ trực tiếp vào địa bàn hoặc vùng lân cận, các ngành liên quan chủ động đôn đốc, hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, di dời các hộ dân có nhà tạm di dời đến nhà kiên cố để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản. “Ban Chỉ huy PCTT-TKCN cũng thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến mực nước lũ trên các sông để tuyên truyền, thông tin rộng rãi đến các ngành, địa phương và nhân dân trong huyện. Kiểm tra việc dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men, nước uống để kịp thời hỗ trợ cho nhân dân đi sơ tán. Cạnh đó, bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn trên các tuyến đường giao thông bị ngập sâu, nước chảy xiết, nhất là tại Duy Trinh, Duy Sơn, Duy Châu để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc…” - ông Văn Bá Năm nói thêm.
MAI LINH - PHI THÀNH