A+ A A-

Công điện triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống, khống chế dịch bệnh ở lợn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

       Để ứng phó kịp thời khi phát sinh ổ dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, khống chế tình trạng bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên đàn gia súc đang dây dưa, kéo dài hiện nay; Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công điện số 02/CĐ-UBND ngày 06/3/2019 yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành, đơn vị liên quan thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện tất cả các biện pháp phòng, chống, khống chế bệnh DTLCP theo quy định của pháp luật về Thú y, Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh DTLCP, các văn bản chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT (Công điện khẩn số 1237/CĐ-BNN-TY ngày 22/02/2019 về việc tăng cường kiểm soát buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn và sản phẩm lợn để phòng, chống bệnh DTLCP), Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với bệnh DTLCP xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh Quảng Nam ban hành kèm theo Quyết định số 2923/QĐ-UBND ngày 28/9/2018 của UBND tỉnh. Trong đó, tập trung một số nhiệm vụ chính sau:

        1. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố:

       a) Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn quản lý, đặc biệt là bệnh DTLCP. Trực tiếp chỉ đạo tập trung các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh thêm ổ dịch mới. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn trái phép; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm và không thực hiện các biện pháp chống dịch dẫn đến lây lan.

       b) Khi phát hiện có bệnh DTLCP: Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã nơi xảy ra dịch trực tiếp chỉ đạo tập trung các nguồn lực của địa phương, áp dụng đồng bộ, quyết liệt các biện pháp xử lý triệt để, kịp thời theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT:

      - Khoanh vùng ổ dịch, tiêu hủy ngay toàn bộ số lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết, tuyệt đối không để các hộ nuôi tự ý bán chạy lợn làm dịch lây lan; tổng vệ sinh phun thuốc khử trùng, tiêu độc (bằng vôi bột, hóa chất,…) liên tục khu vực hộ có dịch, đường ra vào ổ dịch và khu vực có nguy cơ cao phát sinh dịch; thành lập chốt kiểm dịch, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn vùng có dịch; tổng rà soát tình hình các đàn lợn trên địa bàn. Đồng thời, thực hiện đúng hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chuyên môn về quá trình xử lý, dập dịch, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm bệnh tại các hộ, gia trại, trang trại nuôi chung quanh nơi có dịch và xử lý theo quy định.

       - Thực hiện công bố dịch và áp dụng đồng bộ các biện pháp chống dịch  theo quy định của pháp luật về Thú y.

         c) Chấn chỉnh ngay những tồn tại, bất cập trong công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương. Thực hiện báo cáo đầy đủ, chi tiết và kịp thời về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch theo quy định của pháp luật về Thú y và chỉ đạo của UBND tỉnh. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân hành nghề chữa trị bệnh cho động vật không chấp hành quy định của pháp luật về Thú y trong hành nghề.

       d) Thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật và các đoàn kiểm tra, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên để tổ chức tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Xem xét thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời để tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ đối với lợn, sản phẩm lợn ra vào địa bàn cấp huyện (khi cần thiết). Thành phần gồm các lực lượng: Thú y, quản lý thị trường, công an và lực lượng liên quan.

        e) Chủ động sử dụng nguồn kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật của địa phương tuyên truyền, tổ chức hội nghị, tập huấn về phòng, chống bệnh DTLCP; chi hỗ trợ phù hợp cho những người tham gia triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật ở địa phương; chi hỗ trợ những người trực tiếp tham gia tiêm vắc xin phòng các bệnh bắt buộc và tiêm phòng khẩn cấp, bao vây khi có ổ dịch xảy ra của chủ vật nuôi ở thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III; chi hỗ trợ kinh phí mua thuốc chống phản ứng, tiền công phục vụ chống phản ứng, vật tư tiêm phòng, công cụ hỗ trợ tiêm phòng theo đúng quy định và phù hợp với phong tục, tập quán của địa phương.

       Trường hợp kinh phí phục vụ phòng, chống dịch bệnh động vật của địa phương thiếu, các địa phương có văn bản đề nghị gửi Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh xem xét hỗ trợ theo quy định.

       f) Đối với địa phương đang có dịch LMLM ở lợn xảy ra (có kết quả xét nghiệm của cơ quan có thẩm quyền đối với xã có dịch): Chủ trì, phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh căn cứ vào kết quả lưu hành vi rút, rà soát tổng đàn lợn trên địa bàn trong diện tiêm phòng, tổ chức tiêm phòng triệt để vắc xin LMLM cho đàn lợn thịt (có quy mô đàn từ 50 con trở xuống) và đàn lợn giống của hộ chăn nuôi theo quy định. Chịu trách nhiệm về việc quản lý, sử dụng số lượng vắc xin đăng ký tiêm phòng.

       g) Thực hiện rà soát lại tất cả các vị trí xây dựng cơ sở giết mổ (CSGM) tập trung chưa xây dựng nhưng không còn phù hợp với Quyết định số 1967/QĐ-UBND ngày 11/6/2007 của UBND tỉnh về việc phê duyệt dự án Quy hoạch CSGM gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2008-2015 và tầm nhìn đến năm 2020; lập phương án trình UBND tỉnh xem xét điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

        h) Xem xét hỗ trợ cho các thành phần tham gia tổ tuần tra công tác kiểm soát giết mổ tại các CSGM tập trung trên địa bàn.

       2. Giao Sở Nông nghiệp và PTNT

      - Chủ động tổ chức lấy mẫu xét nghiệm bệnh DTLCP đối với các loại lợn tại các vùng trọng điểm chăn nuôi lợn, các khu vực có nguy cơ cao; các loại lợn phát hiện bệnh, nghi mắc bệnh tại các hộ, cơ sở chăn nuôi, điểm, cơ sở giết mổ lợn hoặc trong quá trình vận chuyển lợn, sản phẩm lợn.

     - Tham mưu UBND tỉnh thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời để tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn ra vào địa bàn tỉnh (thành phần gồm các lực lượng: Thú y, quản lý thị trường, công an và lực lượng liên quan); quyết định công bố dịch bệnh động vật theo quy định.

        - Tham mưu kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh và phân công rõ trách nhiệm của từng thành viên Ban Chỉ đạo; thành lập các đoàn công tác tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại tuyến cơ sở.

         - Theo dõi chặt chẽ, tổng hợp diễn biến tình hình DTLCP để có giải pháp ứng phó khẩn cấp theo từng tình huống dịch xảy ra.

        - Để xử lý kịp thời tình hình dịch bệnh trong trường hợp cấp bách hiện nay (công bố dịch hoặc chưa đủ điều kiện công bố dịch), thống nhất chủ trương cho phép Sở Nông nghiệp và PTNT áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu mua vắc xin, hóa chất phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

       - Sử dụng kinh phí UBND tỉnh đã giao dự toán thu - chi ngân sách năm 2019 để mua vắc xin LMLM tiêm phòng cho đàn lợn thịt và đàn lợn giống nhằm phục vụ công tác chống dịch LMLM hiện nay. Kết thúc tiêm phòng, báo cáo quyết toán vắc xin sử dụng và tham mưu trình UBND tỉnh bổ sung kinh phí để mua đủ số lượng vắc xin LMLM phòng bệnh cho đàn gia súc trên địa bàn tỉnh trong năm 2019.

       - Chủ động tham mưu đề nghị các Bộ, ngành Trung ương sửa đổi, bổ sung một số văn bản cho phù hợp với tình hình dịch bệnh động vật và cơ chế, chính sách hỗ trợ.

     - Phối hợp Sở Tài chính tham mưu điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định.

       - Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh giải quyết cục bộ điều chỉnh, bổ sung CSGM động vật tập trung của từng địa phương vào mạng lưới CSGM tập trung của tỉnh.

       3. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh bổ sung kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, đặc biệt là bệnh DTLCP và kinh phí mua hóa chất, vắc xin đảm bảo đủ nguồn dự trữ để phục vụ công tác phòng chống dịch.

     4. Báo Quảng Nam, Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Nam thông tin, tuyên truyền rộng rãi để mọi người chăn nuôi, người tham gia buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn thực hiện nghiêm túc "5 không" theo đúng quy định của Luật Thú y; tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi về đặc điểm, tính chất của bệnh DTLCP không lây nhiễm và gây bệnh ở người để người chăn nuôi và người tiêu dùng không quay lưng với chăn nuôi lợn, yên tâm sử dụng các sản phẩm thịt lợn; tăng cường chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, tiêu độc khử trùng (bằng vôi, hóa chất), thực hành chăn nuôi tốt; các biện pháp xử lý khi có bệnh DTLCP xảy ra và mức hỗ trợ của Nhà nước đối với thiệt hại do dịch bệnh.

      5. Thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp quyết liệt để phòng, chống bệnh DTLCP đạt hiệu quả.

       6. Kinh phí thực hiện phòng, chống dịch bệnh DTTLCP và các bệnh khác ở lợn (tai xanh, LMLM):

       Thực hiện theo Quyết định số 1210/QĐ-UBND ngày 06/4/2018 của UBND tỉnh ban hành Quy định ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Riêng đối với kinh phí hỗ trợ cho người chăn nuôi trong trường hợp phát hiện lợn thịt mắc bệnh LMLM buộc phải tiêu hủy, yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm của cơ quan có thẩm quyền đối với xã có dịch trong thời điểm xảy ra dịch, chủ hộ chăn nuôi phải chấp hành tiêm phòng đầy đủ các bệnh ở lợn định kỳ theo quy định của UBND tỉnh.

     Trường hợp có sự điều chỉnh, bổ sung về cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương thì áp dụng theo văn bản mới.

      Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; thủ tưởng các Sở, ngành, đơn vị có liên quan và các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung nêu trên và thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và PTNT) để chỉ đạo kịp thời những vấn đề phát sinh./.

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19806109
Hôm nay
Hôm qua
1482
8748