Hơn nửa thế
kỷ qua, lời phát động “Tết trồng cây” của Bác Hồ vẫn còn nguyên giá trị và đi
vào nếp sống thường nhật của nhân dân, trở thành một phong trào quần chúng sâu
rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam. Chuyên mục Bảo vệ môi
trường tuần này của Đài Truyền thanh- Truyền hình Duy Xuyên có bài đề cập vấn
đề này.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến mọi mặt của đời sống xã
hội. Người cũng rất quan tâm đến môi trường và hiểu được ý nghĩa thiết thực của
môi trường sống. Bác đã động viên toàn thể quần chúng nhân dân tích cực trồng
cây làm cho đất nước thêm xanh, sạch, đẹp. Ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí
Minh viết bài “Tết trồng cây”, đăng trên báo Nhân dân với bút danh Trần Lực,
kêu gọi mọi người, mọi nhà, mọi đoàn thể, địa phương cùng tích cực thi đua
trồng, chăm sóc cây xanh và đề nghị tổ chức một ngày “Tết trồng cây” trong cả
nước, trở thành một phong tục đẹp, thành một hoạt động văn hóa giàu ý nghĩa mỗi
dịp Tết đến, Xuân về.
Còn nhớ, mùa xuân năm Canh Tý 1960, Bác Hồ tay cầm xẻng, tay cầm
bình tưới, cùng người dân Thủ đô mở đầu “Tết trồng cây” tại công viên Thống
Nhất. Rồi từ đó, xuân nào cũng vậy cho đến cuối đời, Bác đều cùng vài cán
bộ đi về vùng nông thôn trồng cây với bà con nông dân. Những cây
non, nhỏ mảnh, yếu ớt được Bác trồng khắp nơi, sau đó, bà con địa phương chăm
bón, bảo vệ, nay đều đã trở thành cổ thụ. Rất nhiều những loài cây Bác trồng,
nay đã đi vào lịch sử. Từ cây vú sữa của đồng bào miền Nam biếu Bác, nay toả
bóng trong khu nhà Bác, đến cây đa Bác trồng ở vườn hoa Thống Nhất, cây đa bên
thành Cổ Loa… đến cây đa cuối cùng Bác trồng ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì trong
ngày mồng 1 Tết Kỷ Dậu 1969. Màu xanh của những cây Bác trồng như một lời nhắc
nhở chúng ta, hãy ra sức trồng cây, trồng rừng vì màu xanh đất nước.
Hơn nửa thế kỷ qua, lời phát động “Tết trồng cây” của Bác Hồ vẫn còn
nguyên giá trị và đi vào nếp sống thường nhật của nhân dân, trở thành một phong
trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam. Việc
trồng cây thực sự đã trở thành ngày hội náo nức, một việc làm có ý nghĩa để góp
phần bảo vệ môi trường. Hàng năm, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, người người, nhà
nhà, các cơ quan, đơn vị lại cùng nhau tham gia phong trào trồng cây, gây rừng,
thực hiện lời Bác dạy.
Ngày nay, trước tác động của biến khí hậu toàn cầu đe dọa cuộc sống của chúng
ta, bảo vệ môi trường để phát triển kinh tế bền vững đã trở thành yêu cầu sống
còn đối với mọi quốc gia. “Tết trồng cây” lại càng có ý nghĩa to lớn trong
tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mỗi công dân về tầm quan trọng của việc
trồng cây, bảo vệ môi trường sống; trồng cây phủ xanh đồi núi trọc hay những
vùng ven biển đang bị cát lấn có tác dụng ngăn được bão lũ, chống xói mòn, giảm
bớt những hậu quả do thiên tai; trồng cây tại các khu đô thị, khu công nghiệp,
trong thôn xóm, dọc đường giao thông nông thôn, ở các trường học, công viên…
tạo môi trường “xanh- sạch- đẹp”; đồng thời, nâng cao ý thức bảo vệ rừng, ngăn
chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái pháp luật, cải thiện
chất lượng rừng và môi trường sinh thái, nâng cao độ che phủ của
rừng. Và như vậy, sau mỗi “Tết trồng cây”, lại có thêm hàng ngàn, hàng vạn cây
xanh được trồng. Việc làm đó đã và đang mang lại lợi ích nhiều mặt cho địa
phương, đơn vị và hộ gia đình.
Không chỉ vậy, qua
thêm một năm thực hiện “Tết trồng cây”, mỗi người lại cảm nhận sâu sắc thêm
về mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người
với thiên nhiên, tạo nên một nếp sống thân thiện và thủy chung với thiên nhiên;
để cho con người hoàn thiện mình hơn trong môi trường sống của chính mình. Lời
kêu gọi “Tết trồng cây” của Bác Hồ cũng chính là để nêu cao một nếp
sống đạo đức: Vì mọi người, vì cộng đồng.
Và “Tết trồng cây” thực sự có ý nghĩa như mong muốn của Bác, điều
quan trọng không chỉ là trồng được nhiều cây, mà còn là trồng cây nào sống cây
đó, tránh để tình trạng trồng cây cho có phong trào rồi… "sống chết mặc
bay". Như vậy, cũng là một cách thiết thực làm theo tấm gương đạo đức của
Bác Hồ. Nhớ lời Bác dạy, chúng ta hãy giữ vững và phát huy nét đẹp ấy trở thành
một mỹ tục để “Tết trồng cây” thực sự là ngày hội lớn “Làm cho đất nước càng
ngày càng Xuân”.