Nếu có dịp đến thị trấn Nam Phước, Huyện Duy Xuyên, hãy thử hỏi phố bò ở đâu, không ngần ngại người ta sẽ chỉ
ngay đến một con phố, mà ở đó có những ngôi nhà hai tầng, đổ trụ
bằng cốt thép vững chắc, có cầu thang dẫn lên trên được dùng để
cho... bò ở!
Nằm bên kia cầu Câu Lâu là phố Bình An.
Đây là vùng được xem như "rốn lũ" của người dân thị trấn Nam
Phước và cũng chính là điểm cung cấp thịt bò cho hầu hết các vùng
lân cận trên địa bàn Quảng Nam. Tận dụng địa thế thuận lợi về môi
trường tự nhiên như đất rộng, có dòng sông Thu Bồn chảy qua, nhiều
cồn bãi nằm cách phố không xa, nên nhiều hộ dân Bình An lấy nghề nuôi
bò làm nghề chủ lực. Nhiều hộ cũng "phất" lên nhờ nghề
này. Toàn "phố" có khoảng hơn 50 hộ chăn nuôi bò, với tổng
số bò lên đến 200 con. Nhờ bò mà họ trang trải nợ nần, nuôi con ăn
học và mở rộng cơ nghiệp. Nhưng "phố" Bình An là
trung tâm của rốn bão, lũ, nên việc chăn nuôi ở đây gặp không ít khó
khăn. Chính vì vậy, việc xây dựng nhà cửa, mà đặc biệt xây những ngôi
nhà hai tầng cho bò ở, là một quyết định "sáng suốt" của
những hộ dân nuôi bò nơi đây. Hộ ông Ngô Văn Song (42 tuổi) nuôi hơn mười
con trâu lẫn bò nên mỗi mùa mưa bão đến là mỗi mùa cả gia đình mất
ngủ. Mỗi năm, đàn bò giúp gia đình ông Song
thu nhập từ 50- 100 triệu đồng. Nên vậy, mỗi mùa mưa lũ ngồi nhìn
xác trâu bò chết từ thượng nguồn trôi về, ông và các hộ dân khác
không thể không nghĩ đến đàn trâu, đàn bò của mình. "Con trâu là
đầu cơ nghiệp, mưa bão đến người còn chạy đi tìm chỗ trú được, còn
trâu bò thì làm răng mà chạy. Chúng đứng đó và chịu chết thôi. Vì
vậy, chúng tôi phải xây nhà lầu cho bò ở. Dù không đủ tiền cũng
phải đi vay đi mượn, chứ không thể nhìn cảnh trâu bò chết. Bao nhiêu
công sức, và tài sản của chúng tôi đều đổ vào đó hết", ông Song
lý giải và cho hay, ở Bình An, chuyện nhờ trâu, bò mà con cái các
gia đình vào đại học, đỗ thạc sỹ, tiến sỹ và chuyện "nhà"
ở của trâu bò to và kiên cố hơn nhà dành cho người ở... không hiếm.
Hàng xóm ông Song là Nguyễn Quang Ái tâm
sự: "Trước đây, mỗi mùa mưa bão đến nhìn đàn bò bị ngập nước,
run rẩy, bệnh tật, lòng tôi như lửa đốt nên nghĩ bằng mọi giá, tôi
cũng quyết xây nhà lầu cho bò ở". Ngôi nhà kiên cố của ông được
xây hai tầng, tầng dưới dùng để cho bò ở mùa nắng, tầng trên cho bò
ở mùa mưa, tránh bão, lụt và sưởi ấm.
Đa số những hộ dân ở Bình An đều xây
nhà cho bò ở nhờ vào "của để dành" từ những lần bán bò
trước, số khác thì đi vay, đi mượn. Nhưng dù là nguồn vốn nào, khi
xây xong nhà cho bò thì họ đều cảm thấy yên tâm hơn mỗi mùa mưa lũ
về, họ có thể "thoải mái gác tay lên trán ngủ" như lời ông Song
nói.