Những giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử cách mạng, các làng nghề truyền thống cùng hình ảnh làng quê yên bình, trù phú… đã được thể hiện một cách sinh động, phong phú, đầy sắc màu qua hội thi làm phim tài liệu “Tự hào là người con Duy Xuyên” do Phòng GD-ĐT huyện Duy Xuyên vừa tổ chức.
|
Thầy và trò Trường THCS Kim Đồng (xã Duy Phước) thực hiện cảnh quay tại Tượng đài Chiến thắng Cồn Sóc. Ảnh: T.N |
Ý nghĩa một hội thi
Ngay giữa lòng thị trấn Nam Phước vẫn tồn tại một không gian điển hình của làng quê Việt Nam với cây đa, bến nước, sân đình. Đó là làng Mỹ Xuyên Đông. Ngôi làng này cũng đang lưu giữ 32 sắc phong của các triều vua cùng Di tích lịch sử cấp tỉnh Lăng mộ Hùng Long hầu Lê Quý Công. Xuất phát từ niềm tự hào đó, thầy và trò Trường THCS Chu Văn An (Nam Phước) làm bộ phim với tựa đề “Bí ẩn làng cổ Mỹ Xuyên”. Thầy giáo Nguyễn Văn Tùng - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để hoàn thành tác phẩm này, trường đã huy động 30 giáo viên, học sinh cùng tham gia thực hiện từ khâu viết kịch bản, dàn dựng, quay phim, xử lý hậu kỳ đến kỹ năng thuyết trình, dẫn chuyện bằng tiếng Anh. Ông Tùng chia sẻ: “Hội thi là dịp để các em học sinh hiểu sâu hơn những di tích lịch sử trên quê hương mình. Chúng ta luôn trân trọng công lao của cha ông ngày trước trong công cuộc dựng xây và phát triển vùng đất này, nhất là đối với thế hệ trẻ”.
Còn thầy giáo Trương Nguyên - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phan Châu Trinh (xã Duy Châu) cho hay, nhắc đến lịch sử đấu tranh cách mạng ở Duy Châu, không ai quên vụ thảm sát Vĩnh Trinh. Để tưởng nhớ các vị anh hùng liệt sĩ, chính quyền địa phương đã xây dựng khu tưởng niệm và nơi đây được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Vì vậy, Trường THCS Phan Châu Trinh chọn chủ đề này làm phim dự thi. “Trong quá trình thực hiện, nhà trường cũng gặp khá nhiều khó khăn. Song, thành quả lớn nhất chính là giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, giúp các em học sinh hiểu được giá trị của cuộc sống hôm nay và có thái độ trân trọng, gìn giữ di tích” - thầy Nguyên chia sẻ.
Nằm trên địa bàn có Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn nên thầy trò Trường THCS Nguyễn Chí Thanh (xã Duy Phú) thực hiện bộ phim giới thiệu về khu đền tháp, nhất là những giá trị nổi bật và công tác trùng tu, tôn tạo suốt 15 năm qua. Mặc dù không có nghiệp vụ chuyên môn nhưng thầy và trò nhà trường đã thực hiện được nhiều cảnh quay tương đối đạt chuẩn, qua đó phần nào chuyển tải những nét độc đáo của Mỹ Sơn đến với người xem. Tương tự, các trường khác trên địa bàn huyện cũng đã lựa chọn nhiều đề tài hay để thực hiện phim tài liệu dự thi như “Tự hào là người con quê lụa” của Trường THCS Phù Đổng (xã Duy Trinh), Trường THCS Ngô Quyền với “Cây dương thần - Niềm tự hào của người dân Duy Hải”, “Truyền thuyết bên dòng sông Thu” của Trường THCS Lê Quý Đôn (xã Duy Tân)…
Hiệu quả
Ông Phùng Hoàng - Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Duy Xuyên cho biết, hội thi lần đầu tiên tổ chức nhưng hiệu quả mang lại rất lớn trong công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Đây cũng là dịp giáo dục kỹ năng tuyên truyền, giới thiệu về di sản, di tích của quê hương cho học sinh. Đồng thời qua đó, góp phần để mọi người biết, hiểu và cùng nhau tham gia gìn giữ, phát huy giá trị di tích, di sản. Đặc biệt, đây là dịp để ngành giáo dục huyện đánh giá hiệu quả công tác giảng dạy bộ môn tiếng Anh trong nhà trường, giúp các em học sinh phát huy được năng khiếu cá nhân, khả năng diễn thuyết bằng tiếng Anh.
Theo đánh giá của Ban giám khảo, hầu hết phim tài liệu tham gia dự thi được dàn dựng công phu, bố cục hợp lý, nội dung phong phú. Mặc dù nhiều trường sử dụng phương tiện sẵn có dẫn đến chất lượng hình ảnh chưa tốt nhưng nhờ xử lý hậu kỳ sáng tạo, linh hoạt, chặt chẽ nên các phim dự thi đạt được yêu cầu đề ra. Ông Lê Trung Thiêng - Phó Trưởng phòng GD-ĐT kiêm Phó Trưởng ban tổ chức hội thi nhận xét: “Ngoài một vài đề tài không rõ ràng, bố cục thiếu cân đối, lời bình thiếu tính văn học, lặp hình ảnh; đa số các đơn vị thực hiện cảnh quay đẹp, khâu lồng tiếng, lồng nhạc êm dịu lôi cuốn người xem. Nhiều hình ảnh tư liệu quý đã được sử dụng để minh chứng thêm cho chủ đề, góp phần nâng cao chất lượng bộ phim. Đặc biệt, có đơn vị thực hiện phỏng vấn trực tiếp du khách nước ngoài càng làm tăng thêm tính hấp dẫn, thuyết phục”.
Em Lê Đại Nghĩa (học sinh Trường THCS Quang Trung, xã Duy Thành) - một trong 3 cá nhân dẫn chuyện xuất sắc nhất được khen thưởng tại hội thi chia sẻ: “Qua hội thi lần này, em hiểu thêm về giá trị di tích lịch sử, văn hóa ở địa phương để rồi càng trân trọng, gìn giữ và phát huy. Đặc biệt, theo yêu cầu của Ban tổ chức, việc đọc lời bình bằng tiếng Anh cho phim tài liệu khiến em vô cùng thích thú. Đây cũng chính là cơ hội tốt để em và các bạn trau dồi vốn ngoại ngữ của mình”.
Thành Linh.