Những ngày vừa qua, rắn
lục đuôi đỏ liên tục xuất hiện ở các địa phương trong tỉnh và tấn công người
dân. Các bác sĩ khuyến cáo, rắn lục đuôi đỏ có nọc độc mạnh, gây nguy hiểm đến
tính mạng nên người dân cần cẩn trọng với loại sinh vật này.
Xuất hiện tràn lan
Tính đến ngày 23.11, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã
tiếp nhận gần 10 trường hợp cấp cứu vì bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Bác sĩ Phạm Ngọc
Ẩn - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Gần đây, rất nhiều người phải
nhập viện điều trị vì bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Trong số đó, có nhiều ca độc chất
phán tán nhanh, phù nề, bị nhiễm độc nặng do người dân chậm đưa đến bệnh viện”.
Rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ở nhiều huyện như Điện Bàn, Thăng Bình, Tiên Phước,
Phước Sơn... với số lượng tăng đột biến.
Ông Võ Văn Toán (46 tuổi, trú tổ 10, thị trấn Hà
Lam, Thăng Bình) là một trong số 8 người phải nhập viện điều trị do bị rắn lục
đuôi đỏ cắn vào chân trái. Ông Toán kể lại, tối 13.11, ông đang đứng trước cửa
nhà thì bị rắn lục đuôi đỏ tấn công. Mặc dù được đưa đến Trung tâm Y tế huyện
Thăng Bình cấp cứu kịp thời nhưng do chất độc phát tán nhanh, gây phù nề. Sau 2
ngày ông Toán được người nhà chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, được các
bác sĩ truyền máu kịp thời nên qua cơn nguy kịch. Ba ngày sau đó, ông Nguyễn
Bảy (52 tuổi) ở gần nhà ông Toán cũng bị rắn lục đuôi đỏ cắn, phải chuyển đến
bệnh viện để chữa trị.
Mương nước trước nhà, nơi ông Bảy (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình)
bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào ngày 16.11.
Chúng tôi trở lại thị trấn Hà Lam, nơi ông Toán
và ông Bảy bị rắn lục đuôi đỏ cắn phải đưa đi cấp cứu. Ông Nguyễn Bảy, người
vừa xuất viện ngày 19.11 sau khi được đưa đi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa
tỉnh do rắn lục đuôi đỏ cắn vẫn chưa hết lo sợ. “Tôi vừa rọi đèn pin để trở vô
nhà thì rắn lao tới cắn vào ngón chân cái. Đập chết con rắn xong mới phát hiện
là rắn lục đuôi đỏ, tôi vội vàng nhờ người đưa đi cấp cứu. Xuất viện trưa 19.11
thì tối đó tôi phát hiện và đập tiếp một con rắn nữa, ngay trước hiên nhà” -
ông Bảy cho biết. Anh Võ Công Danh, con trai ông Toán cho biết thêm, sau khi
ông Toán bị rắn cắn, thanh niên trong xóm đã tổ chức phát quang mương nước
trước nhà, phát hiện và đập chết 7 con rắn lục đuôi đỏ.
Tại huyện miền núi Phước Sơn, người dân thị trấn Khâm Đức cũng phát hiện rắn
lục đuôi đỏ xuất hiện rải rác. Theo dõi thông tin trên báo đài, người dân cũng
bắt đầu thận trọng, cảnh giác trước sự xuất hiện tràn lan của loài rắn độc này.
Đề cao cảnh giác
Trước tình trạng rắn lục đuôi đỏ xuất hiện
nhiều, người dân ở các khu dân cư đã tổ chức phát quang bụi rậm, truy lùng và
tiêu diệt. Tại thị trấn Hà Lam, các kênh mương, bụi rậm được phát quang, đồng
thời người dân cũng đã bắt đầu cảnh giác với loài rắn độc này. Thông tin về rắn
lục đuôi đỏ xuất hiện ở hai tỉnh lân cận là Quảng Ngãi và Đà Nẵng cũng làm
nhiều người lo ngại.
Rắn lục đuôi đỏ có nhiều
nọc độc hơn rắn lục thường. Khi bị rắn cắn, vết thương chảy máu nhiều và sưng
rất nhanh. Nếu không xử trí kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Khi bị rắn
cắn, nạn nhân và những người xung quanh phải giữ bình tĩnh. Trước tiên cần giải
quyết vấn đề đau nhức, sưng nề, xuất huyết, tán huyết, hoại tử. Lưu ý trong
trường hợp này, không cần ga rô, rạch rộng, hút nọc độc vì ga rô sẽ làm bệnh
nhân dễ hoại tử hơn, rạch rộng sẽ làm chảy máu không cầm được. Chỉ cần băng ép,
tẩy nọc và chuyển nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Nếu nạn nhân còn
tỉnh táo, nên đưa đến bệnh viện lớn, nơi có sẵn huyết thanh kháng nọc rắn đặc
hiệu vì huyết thanh kháng nọc rắn nên dùng sớm, tốt nhất trong 4 giờ đầu. Tuy
nhiên, nếu bệnh nhân lơ mơ, hôn mê hay yếu liệt nên đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Hiện tại, trong số số 8 ca đã và đang điều trị
tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh do rắn cắn có 3 trường hợp bị nhiễm độc nặng. Bác sĩ
Đoàn Văn Sen - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình cho biết: “Hai
trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn và phải chuyển viện điều trị trên địa bàn
huyện Thăng Bình là hai ca đầu tiên do rắn lục đuôi đỏ cắn. Nọc độc của loại
rắn này gây rối loạn chức năng đông máu nên nếu không cấp cứu, điều trị kịp
thời thì rất nguy hiểm”. Bác sĩ Đoàn Văn Sen cho biết thêm, dấu hiệu khi bị rắn
lục đuôi đỏ cắn là xuất hiện vết tím bầm kéo dài, lan rộng. Kết quả xét nghiệm
cho thấy nọc độc loài rắn này khiến máu đông, máu chảy kéo dài, với biểu hiện
đau nhức, phù nề vùng cắn. “Người dân cũng được theo dõi, khuyến cáo trên các
phương tiện thông tin đại chúng trong những ngày gần đây, đưa đi điều trị kịp
thời nên rất may là chưa có trường hợp nào tử vong do rắn cắn” - bác sĩ Sen nói.
Một con rắn lục đuôi đỏ được người dân thị trấn Khâm Đức, Phước Sơn phát hiện.
(Ảnh người dân cung cấp)
Trái với các loài rắn lục thông thường, sống ở
trên cây, trong bụi cây cao, loài rắn lục đuôi đỏ được người dân phát hiện đa
số ở các mương nước, hoặc bụi cỏ dưới đất, rất hung dữ, sẵn sàng tấn công
người, nhất là vào ban đêm. Bác sĩ Phạm Ngọc Ẩn - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa
tỉnh khuyến cáo người dân nên sơ cứu tại chỗ khi bị rắn cắn, đồng thời sớm đưa
bệnh nhân vào viện cấp cứu, không được chủ quan, tự ý điều trị tại nhà có thể
gây nguy hiểm đến tính mạng. “Khi bị rắn lục cắn phải tuyệt đối tránh cử động
để giảm sự phát tán nọc độc trong cơ thể. Bà con cũng cần đề cao cảnh giác với
rắn độc trong mùa mưa lũ, mùa thu hoạch. Rắn thường xuất hiện và tấn công người
vào ban đêm nên cần cẩn trọng khi ra ngoài” - ông Ẩn cho biết.
Theo một tài liệu, rắn lục đuôi đỏ là loài cực
độc trong số các loài rắn lục, mình xanh và đuôi có màu nâu đỏ. Nọc độc của
loài rắn này gây rối loạn chức năng đông máu, nếu không xử lý kịp thời có thể
gây nguy hiểm đến tính mạng khi bị loài rắn này cắn. Để đề phòng bị rắn cắn,
người dân cần phát quang bụi rậm quanh nhà, giữ môi trường, nhà cửa sạch, không
nên cho trẻ ngủ dưới nền đất. Khi làm vườn nên mang ủng và bao tay, đi qua bụi
rậm cần dùng gậy khua trước. Khi bị rắn cắn, cần sơ cứu và đưa người bị rắn cắn
đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
PHƯƠNG GIANG