Sau 2 tháng tiến hành khảo sát, đo vẽ hiện trạng nhóm tháp E, F và A’ Mỹ Sơn, các chuyên gia đến từ Cơ quan Khảo sát khảo cổ Ấn Độ (ASI) đã cơ bản hoàn thành nhiều hạng mục công việc, sẵn sàng cho công tác trùng tu trong năm 2024.
Các chuyên gia Ấn Độ khảo sát tại Mỹ Sơn. Ảnh: M.S
Trước đó, cuối tháng 11/2023, các chuyên gia Ấn Độ đã tiến hành khảo sát thực tế hiện trạng các nhóm tháp E, F và A’ Mỹ Sơn (xã Duy Phú, Duy Xuyên) nhằm thu thập các dữ liệu cần thiết để lên kế hoạch bảo tồn, trùng tu 3 nhóm tháp này.
Sau 2 tháng triển khai, các chuyên gia đã thực hiện ghi chép, đo vẽ, chụp ảnh, quay flycam, chụp scan 3D… cũng như sử dụng một số phương tiện công nghệ mới, hiện đại nhằm giúp thu nhập thông tin, dữ liệu chính xác, đảm bảo hiệu quả cao nhất, làm cơ sở ban đầu phục vụ công việc trùng tu cho những năm tiếp theo.
Theo nhận định của các chuyên gia Ấn Độ, hầu hết công trình còn lại của 3 nhóm tháp E, F, A’ đều trong tình trạng phế tích, hư hại nhiều. Điển hình như tháp F1 (niên đại thế kỷ 8-9) bề mặt gạch đã chuyển sang màu vàng nhạt, mủn, nhiều nơi có dấu hiệu hoàn thổ. Các góc tháp đều đã tách rời khối kiến trúc, kết cấu gạch yếu, nhiều khe nứt dài và sâu xiên từ trong ra ngoài. Nhiều đoạn tường bao 2 nhóm tháp E, F bị gãy đứt, xô lệch nghiêm trọng.
Tháp F1 Mỹ Sơn xuống cấp nghiệm trọng. Ảnh: V.L
Đại diện Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết, dự kiến đầu quý II/2024 dự án trùng tu nhóm tháp E, F sẽ được triển khai. Phương pháp can thiệp chủ yếu dùng gạch mới có độ nung cao xây chèn, câu nối các khe nứt cũng như thay thế các viên đã bị mục mủn, xây bổ khuyết để bảo tồn các khối xây liền kề, tái định vị các thành phần kiến trúc, đài thờ… Đồng thời, cũng sẽ tiến hành phục hồi tường bao trong giới hạn để người xem nhận ra giới hạn của khuôn viên nhóm tháp (không chủ trương phục hồi hoàn toàn).
Ngoài ra, dự án cũng sẽ làm thoát nước bề mặt, dịch chuyển dòng chảy từ các đồi ra xa không để tràn vào di tích cũng như sắp xếp trưng bày hiện vật tại chỗ. Vật liệu can thiệp trong trùng tu chủ yếu nhựa dầu rái, vôi, bột gạch và gạch phục chế đạt các thông số kỹ thuật, chất lượng tương thích với gạch Chăm cổ. Áp dụng phương pháp trùng tu khảo cổ học, đề cao bảo tồn các yếu tố gốc.
Nhóm tháp A được hồi sinh từ sự hợp tác bảo tồn của các chuyên gia Ấn Độ. Ảnh: V.L
Theo ông Nguyễn Công Khiết – Phó Trưởng ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, với cách làm việc nghiêm túc, tiếp cận thận trọng, đánh giá hiện trạng từng công trình một cách chi tiết, đưa ra nhận định, giải pháp cụ thể của các chuyên gia Ấn Độ - những người đến từ một đất nước có những tín ngưỡng, tôn giáo tương đồng, hy vọng trong tương lai gần khu di tích Mỹ Sơn sẽ được hồi sinh dáng dấp kỳ vĩ như vốn có.
Theo Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Ấn Độ ký ngày 28/10/2014 về việc “Bảo tồn, tôn tạo Di sản văn hóa thế giới Khu đền tháp Mỹ Sơn”, năm 2017, dự án bảo tồn 3 nhóm tháp K, H, A bắt đầu được triển khai và kéo dài đến giữa năm 2022 thì chính thức kết thúc. Hầu hết công trình kiến trúc tại 3 nhóm tháp đã được gia cố, tu bổ vững chắc, hiện tất cả công trình trên đã mở cửa đón khách tham quan.
Cuối tháng 12/2022, tại lễ bàn giao dự án Bảo tồn, trùng tu các nhóm tháp A, H, K khu đền tháp Mỹ Sơn, đại diện Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam lúc bấy giờ cam kết, Chính phủ Ấn Độ sẽ tiếp tục thực hiện công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo khu đền tháp F và khu Phật viện Đồng Dương cũng như tháp Nhạn (Phú Yên).
VĨNH LỘC