Năm 2023, Ban Quản lý Di sản Văn hoá Mỹ Sơn đẩy mạnh công tác quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ, khai trương quầy đặc sản địa phương và sản phẩm OCOP; tăng cường các bảng biểu hướng dẫn, xây dựng các không gian hồ sen nhằm tăng trải nghiệm cho du khách cùng các điểm checkin mới; xây dựng và đưa vào biểu diễn tiết mục múa “Đội Ciet” phục vụ du khách đến tham quan Khu di sản tạo sự đa dạng về văn hóa phi vật thể dân gian Chăm, góp phần bảo tồn các giá trị truyền thống dân tộc. Dàn dựng biểu diễn các chương trình nghệ thuật “mùa hạ về bên tháp cổ”, “xuân về tháp cổ”. Khai trương sản phẩm du lịch chuyển đổi số thuyết minh đa ngôn ngữ với 6 ngôn ngữ Việt, Anh, Pháp, Nhật, Hàn, Trung, cùng với sản phẩm thực tế ảo đã tạo sự đa dạng về sản phẩm chuyển đổi số tại khu di sản; tiếp tục gìn giữ, tập luyện, giới thiệu sản phẩm “Đêm Mỹ Sơn huyền thoại” đến các công ty doanh nghiệp tàu biển, đặt tour. Ban Quản lý Di sản Văn hoá Mỹ Sơn thực hiện việc bán vé hóa đơn điện tử tạo điều kiện trong thanh quyết toán cho doanh nghiệp, soát vé qua mã vạch, bán vé qua hình thức online cho các đại lý kinh doanh.
Ban Quản lý Di sản Văn hoá Mỹ Sơn họp mặt doanh nghiệp
Nhờ vậy, nên năm 2023, lượng khách đến Mỹ Sơn tăng cao. Cùng với các thị trường khách truyền thống như: Trung Quốc, Nhật Bản, Bắc Mỹ, Tây Âu, những thị trường khách mới như Ấn Độ, Malaisia, Singapo, Thái Lan có nguồn khách tăng đáng kể. Đặc biệt, nguồn khách Hàn Quốc, Đài Lan có sự tăng trưởng đột biến, góp phần đưa tổng lượt khách tham quan cả năm đạt 380.000 lượt, đạt 344% so với cùng kỳ, trong đó khách nước ngoài đạt 335.000 lượt, đạt 500% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu đạt 60,3 tỉ đồng, so với cùng kỳ đạt 360%.
Năm 2024, Ban Quản lý Di sản Văn hoá Mỹ Sơn tiếp tục tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu, chủ động liên kết với các công ty, doanh nghiệp du lịch, hãng lữ hành đưa khách đến tham quan Mỹ Sơn. Phát huy các tiềm năng xây dựng các sản phẩm mới, đặc biệt các sản phẩm dựa vào cảnh quan tự nhiên tại khu di sản, cải tạo hạ tầng bên ngoài Khe Thẻ để phát triển các loại hình du lịch giải trí, loại hình du lịch gắn với đập Thạch Bàn cùng với việc hợp tác, hỗ trợ cộng đồng, liên kết phát triển sản phẩm làng nghề, kết nối các tuyến điểm vùng phụ cận. Song song đó là nhiệm vụ bảo tồn di tích: Phối hợp Viện Bảo tồn xây dựng hồ sơ, quy hoạch tổng thể Mỹ Sơn giai đoạn đến năm 2030, định hướng 2050. Thực hiện các đề án về du lịch, chương trình du lịch xanh, công tác phát triển rừng bền vững, du lịch cộng đồng vùng di sản. Hợp tác với Ấn Độ trùng tu nhóm tháp E,F. Hợp tác chặt chẽ với chuyên gia Italia khảo cổ khai quật, trùng tu khu tháp L kết hợp với trưng bày hiện vật ngoài trời. Hợp tác với Viện Khảo cổ tiếp tục việc khai quật, nghiên cứu, phát huy giá trị con đường hoàng đạo từ khu tháp K đi khu tháp E,F.
Hoàng Thơ