Theo quyết định về việc thăm dò, khai quật khảo cổ của Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch cho phép Ban Quản lý Di sản Văn hoá Mỹ Sơn phối hợp với Viện Khảo cổ học thăm dò và khai quật khảo cổ phía Đông tháp K, di tích Mỹ Sơn, xã Duy Phú, Duy Xuyên với diện tích 220m2 trong tháng 3 và 4 năm 2024.
Tháp K, ảnh chụp từ đầu thế kỷ 20, nguồn EFEO
Tháp K được các chuyên gia Pháp (EFEO) khai quật và tư liệu hoá từ những thập niên đầu của thế kỷ 20. Qua khảo tả, các học giả Pháp đã nhận diện công trình này như một cái cổng cửa mở theo hướng Đông-Tây và có tường gạch, phù điêu là tượng ba đầu, hai tay, có tượng sư tử, kiến trúc có hai đầu hồi, không tìm thấy văn bia… So sánh ảnh và bản vẽ từ đầu thế kỷ 20, tháp K bị sập phần đỉnh tường trong thời gian quên lãng trong rừng sâu. Đến năm 2016 và 2017, các chuyên gia Ấn Độ đã tiến hành thăm dò, khai quật khảo cổ và trùng tu khu vực tháp K, quá trình này đã làm lộ rõ hơn 2 tường bao gần 20m của đường dẫn nằm phía Đông tháp K, tuy nhiên các chuyên gia Ấn Độ không tiếp tục khai quật thêm. Hai tường gạch này bắt đầu từ tháp cổng K chạy về hướng Đông, hướng các nhóm đền tháp chính trong lòng thung lũng Mỹ Sơn, đồng thời phát hiện nhiều hiện vật gốm và thành phần kiến trúc. Để tiếp tục khai quật, bảo tồn và phát huy giá trị khu vực tháp cổng K, trong năm 2023, Ban Quản lý Di sản Văn hoá Mỹ Sơn phối hợp với Viện Khảo cổ học thăm dò mặt Tây và Đông của tháp K, với kết quả cho thấy, 2 tường gạch của đường dẫn từ tháp K vẫn còn tiếp tục chạy theo hướng Đông. Đợt khai quật trong năm 2024 này được tiếp tục dựa trên kết quả khai quật thăm dò trước đó nhằm bảo tồn và phát huy tháp K, đồng thời làm rõ thêm vai trò, chức năng của kiến trúc nằm biệt lập này, cũng như cũng cố thêm các nhận định về con đường hành hương vào các khu đền tháp Mỹ Sơn xưa kia.
Văn Thọ