Chương trình “Âm vang Mỹ Sơn” do phòng Văn hóa Nghệ thuật Dân gian Chăm Mỹ Sơn thuộc Ban Quản lý Di sản Văn hoá Mỹ Sơn thực hiện là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, mở đầu cho các hoạt động chương trình nghệ thuật của năm 2024, nhằm quảng bá hình ảnh văn hóa, con người, kích cầu du lịch và lan tỏa của nền nghệ thuật Chăm, mang đến không khí vui tươi, hạnh phúc cho du khách trong mùa xuân năm mới. Chương trình diễn ra vào sáng ngày 1 tháng 1 năm 2024 lúc 9h15 phút tại chân khu đền tháp C.
Chương trình nghệ thuật “Âm vang Mỹ Sơn” gồm 3 chương: Chương 1 “Dòng chảy thời gian”. Chương 2 “Dân ca Chăm Po-Nai” Chương 3 “Trẩy hội”.
Mở màn “Dòng chảy thời gian”du khách sẽ được hòa mình vào không gian văn hóa của miền đất tháp Mỹ Sơn đậm đặc sắc màu văn hóa với những điệu múa dân gian của các cô gái đội trên đầu những chiếc lu. Thể hiện qua các động tác múa du khách sẽ được xem một một điệu múa dân gian bắt nguồn từ sinh hoạt và lao động của người phụ nữ Chăm. Nước từ những dòng suối vô cùng quý báu đối với người Chăm, họ vỗ về dòng suối như những người thân trong gia đình.
Chương 2: Dân ca Chăm Ponai là sự góp mặt của loại hình hát dân ca Chăm mang đậm bản sắc dân tộc, nữ thần *Ponai* được người Chăm Bàni và người Chăm Bà-la-môn thờ cúng như biểu tượng của sự hòa hợp, tương truyền bà là một công chúa lên núi tu hành một lòng giúp người dân tránh mọi tai ương, ngọn núi Chà Bang hướng ra biển xa cùng những câu ca như kể mãi về truyền thuyết nữ thần Ponai. Dân ca Chăm Ponai với những câu từ thể hiện mong ước được nhiều thuận lợi cho nhân dân được no đủ, mong một mùa vụ với nơi hạn hán, thiếu mưa thừa nắng. Cũng như nhiều dân tộc thiểu số khác, lễ hội Kate là hình thức lễ hội đặc sắc nhất đồng bào Chăm, cuốn hút tất cả mọi thành viên trong thôn làng, ở cả mọi lứa tuổi, không ai có thể bỏ qua, mọi người tham gia với khả năng của mình vào các hoạt động của cộng đồng. Đây là lễ hội thiêng liêng đặc sắc, và rất quan trọng. Tưởng nhớ đến những người đã khuất, tưởng nhớ đến các vị anh hùng dân tộc. Người dân tập trung tại các đền tháp cổ kính, thưởng thức các điệu múa nhạc dân gian trong kho tàng âm nhạc người Chăm. Trong những ngày này, tại các thôn, làng người Chăm nhộn nhịp hẳn lên bởi tiếng trống Ghi-năng, tiếng kèn sa-ra-nai báo hiệu một mùa Kate rộn ràng lại đến. Những cô thiếu nữ Chăm với chiếc áo dài xinh xắn, những điệu múa quạt truyền thống làm say đắm bao chàng trai. Lễ hội Kate được chia làm 2 phần là phần lễ và phần hội. Múa Trẩy hội thể hiện một nét văn hóa tâm linh và sinh hoạt cộng đồng của người Chăm, cầu mong cho mùa màng tốt tươi, dòng tộc sinh sôi, hạnh phúc ......
Chương trình nghệ thuật “Âm vang Mỹ Sơn” đã đem đến cho du khách khi đến với Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn một không khí vui tươi, phấn khởi trong tiết trời giao mùa đón chào năm mới. Qua đó, chương trình tái hiện bằng nghệ thuật hình ảnh mảnh đất với các khu đền tháp cổ kính.
Nhiều du khách hào hứng livestream và chụp hình chương trình nghệ thuật.