Dân tộc Chăm đã sáng tạo nên nhiều kiệt tác điêu khắc và kiến trúc tháp cổ còn lưu lại trên dải đất miền Trung. Hiện nay người Chămvẫn còn bảo lưu nhiều lễ hội truyền thống như Katê, Ramưwan...
Múa đội nước và thi đội nước. Ảnh: T.VỊNH Nét đặc sắc trong lễ hội Chăm là âm nhạc, múa dân gian trang phục truyền thống. Những giá trị của di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Chăm như nghệ thuật diễn xướng dân gian, ẩm thực, nghề dệt và trang phục đã được khai thác có hiệu quả trong các chương trình Festival Di sản Quảng Nam, đặc biệt là xây dựng thành những tiết mục nghệ thuật đặc sắc phục vụ khách tham quan du lịch tại khu đền tháp Mỹ Sơn.
Điểm nhấn
Các nghệ nhân dân gian, diễn viên dân tộc Chăm ở Ninh Thuận nhiều lần được mời đến Mỹ Sơn tham gia chương trình nghệ thuật, tái hiện trích đoạn lễ hội Katê hay thực hành các nghi lễ truyền thống dân tộc Chăm. Hồi còn sống, nghệ nhân Trượng Tốn đã đến biểu diễn và truyền dạy âm nhạc, múa Chăm cho các diễn viên quần chúng ở huyện Duy Xuyên và các nghệ nhân trẻ dân tộc Chăm. Với tình yêu nghệ thuật, nam nữ diễn viên trẻ nơi đây luôn miệt mài tập luyện và họ đều biểu diễn thành thục, điêu luyện các điệu múa Apsara, múa quạt, múa dâng lễ… cũng như các làn điệu dân ca, nhạc cụ saranai của dân tộc Chăm. Thiên Thành Vũ và Phú Ngọc Huyện thực sự là những “truyền nhân” của nghệ nhân Trượng Tốn với điệu kèn linh thiêng lay động lòng người.
Gần đây, Ban quản lý Di tích Mỹ Sơn đã mời nhà nghiên cứu Hải Liên dàn dựng chương trình biểu diễn nghệ thuật mới tích hợp các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Chăm ở Ninh Thuận như hát khấn, tụng ca các vị thần linh, múa nghi lễ, nhạc lễ thường được diễn ra tại đền tháp trong các lễ hội lớn. Nghệ thuật biểu diễn cùng với ẩm thực, trang phục và trang sức làm nên sắc màu ấn tượng phục vụ cho khách tham quan khi muốn khám phá văn hóa dân tộc Chăm.
Với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của du khách, nhất là khách du lịch nước ngoài và các tiết mục trình diễn được dàn dựng bài bản, Đội văn nghệ dân gian Chăm Mỹ Sơn đã mang lại cho khách tham quan những xúc cảm nghệ thuật khi đến khám phá những ngôi tháp cổ. Tại nhà biểu diễn và nhóm tháp G hầu như ngày nào cũng có các tiết mục biểu diễn. Có thể kể đến những tiết mục như: vũ điệu dâng lễ, múa đội nước, múa Apsara, múa cắn lửa, thổi kèn saranai…
Độc đáo những vũ điệu
Như tên gọi, vũ điệu dâng lễ chính là điệu múa thiêng hướng vọng thần linh ở các ngôi đền tháp. Vũ nữ Chăm thường đội trên đầu cây nến, nước, hoa trái, trầu cau… để dâng mừng. Vật để đội là chiếc thor hala 3 tầng, gọi là cổ bồng trầu, vì vật dâng lễ chủ yếu bằng lá trầu được tạo hình cân đối như một tác phẩm nghệ thuật. Đây chính là biểu tượng của nữ thần Po Bar Gina của người Chăm. Khi đội trên đầu, nó tạo thành vật trang sức làm tăng nét duyên dáng, đoan trang cho người phụ nữ Chăm, nhất là khi họ trình diễn các điệu múa nơi đền tháp.
Trong lễ hội Chăm, vũ điệu dâng lễ là nghi thức quan trọng và thiêng liêng. Các cô gái múa trước cửa tháp, trên đầu đội những lễ vật, hai tay cầm quạt xòe ra gập vào điệu nghệ hoặc hai tay nắm nhẹ hai đầu chiếc khăn được khoác qua đôi vai thể hiện các động tác múa một cách uyển chuyển. Vũ điệu dâng lễ trở thành tinh hoa văn hóa phi vật thể của dân tộc Chăm, nên các nhà biên đạo múa dàn dựng thành những tiết mục múa độc đáo tại khu đền tháp Mỹ Sơn mỗi dịp tổ chức Festival Di sản Quảng Nam hay trình diễn phục vụ du khách khi đến tham quan tại khu đền tháp.
Một điệu múa khá độc đáo nữa của người Chăm là múa đội nước. Các cô gái đội trên đầu bình gốm (pụ) hoặc một cái khay (ka ya) đựng bộ ấm chén bằng đất nung. Trong bình gốm hoặc ấm chén thường chứa nước lã hoặc nước chè xanh để dâng cúng thần linh hoặc mời khách quý. Điệu múa này trở thành nghi lễ đặc trưng của người Chăm trong việc tiếp đón khách quý. Các cô gái vừa nhún chân vừa nâng nhẹ đôi tay, miệng cười tươi chào các vị khách sau đó đỡ ấm xuống, rót nước ra từng cốc mời khách dùng. Không chỉ đội lễ vật trên đầu để đi lại, múa hát, người Chăm thường còn tổ chức thi thố về tài nghệ đội đồ vật. Trò chơi thi đội nước, đội bình gốm thường được tổ chức trong các lễ hội. Đây là hình thức vui chơi khá hấp dẫn, lôi cuốn mà các cô gái trẻ người Chăm mang đến cho du khách trong các dịp lễ hội.
Điệu múa Apsara là điệu múa dành cho sân khấu. Đây là vũ điệu uyển chuyển, mượt mà, ca ngợi vẻ đẹp, những đường cong tuyệt mỹ mà tạo hóa đã ban tặng cho các người đẹp. Một điệu múa dân gian độc đáo của người Chăm cũng được giới thiệu cho du khách, đó là điệu múa cắn lửa. Điệu múa này cũng thuộc điệu múa nghi lễ, được nghệ nhân dân gian Chăm trình diễn tại tháp Mỹ Sơn trong Festival Di sản Quảng Nam năm 2013 và sau đó được dàn dựng “sân khấu hóa”.
Nét đặc biệt của điệu múa này là phải có 3 cây nến lớn và 30 cây nến nhỏ đính vào các mâm lễ, khay lễ… Số nến này được làm bằng sáp ong dú, khối lượng khoảng 1kg được mua từ làng Chăm - Bỉnh Nghĩa. Diễn viên xinh đẹp Nguyễn Thị Thúy Vân của Đội văn nghệ Chăm Mỹ Sơn trong vai Bà bóng (Bajau) thể hiện điệu múa cắn lửa, trên tay trái cầm 3 cây nến dài gần 1m chụm lại với nhau trong lòng bàn tay, tay phải đo theo chiều dài của 3 cây nến. Đo xong chụm 3 tim của 3 cây nến lại với nhau, đưa vào ngọn lửa đang cháy của một cây nến khác trước mặt. Khi 3 cây nến đã cháy đỏ ngọn, tiếng nhạc chiêng và trống paranưng nổi lên. Bà bóng bắt đầu múa xoay quanh người với 3 cây nến đang cháy. Cuối cùng ngọn lửa của 3 cây nến được Bà bóng đưa vào miệng ngậm lại, nến tắt nên gọi là múa cắn lửa.
Ngoài các vũ điệu còn có các tiết mục trình tấu nhạc cụ Chăm như trống paranưng, kèn saranai, lục lạc, tù và, đàn nhị… Đặc biệt là các tiết mục hát khấn, tụng, ca ngợi các vị thần linh do các diễn viên cao tuổi thực hiện. Chương trình biểu diễn nghệ thuật Chăm làm tăng thêm sức hấp dẫn cho khu di tích Mỹ Sơn.
TẤN VỊNH