Vào ngày 12/8/2016, tại Mỹ Sơn diễn ra Hội thảo “Nghiên cứu, đề xuất và xây dựng mô hình ứng dụng giải pháp sinh thái, thủy lợi nhằm bảo tồn gắn với phát triển bền vững Khu Di tích Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam” do Viện sinh thái và Bảo vệ công trình phối hợp với Ban Quản lý Di tích và Du lịch Mỹ Sơn tổ chức nhằm tìm hướng quy hoạch hệ sinh thái có giá trị tại Mỹ Sơn theo hướng lựa chọn những giải pháp mền, gắn với môi trường tự nhiên trong công tác bảo tồn.
Giáo dục di sản trong học đường là công tác quan trọng trong hoạt động bảo tồn hiện nay
Đối với công tác bảo tồn, việc cứng hóa di tích không phải là giải pháp lựa chọn, đặc biệt là các di sản được tạo nên giá trị bởi các yếu tố của tự nhiên như khu di tích Mỹ Sơn. Tại thung lũng Mỹ Sơn, ngoài giá trị của các công trình đền tháp, giá trị về lịch sử văn hóa của di tích này còn gắn với vùng cảnh quan rộng lớn thuộc địa hình vùng trung du tỉnh Quảng Nam. Cụ thể là những dãy núi ăn xuống về phía Đông của Trường Sơn với những giá trị độc đáo về địa chất, địa mạo. Các sự kiện lịch sử văn hóa gắn với cuộc sống chiến đấu, lao động, học tập của cư dân Chăm, Việt suốt chiều dài thăng trầm của lịch sử Champa-Đại Việt. Thung lũng Mỹ Sơn, sự đa dạng sinh thái được hình thành bởi các yếu tố như núi, bồn địa, khe suối, hồ đập. Riêng núi thì vòng cung khép kín thung lũng Mỹ Sơn được bao bọc bỡi các dãy núi như Hòn Gương, Sọ Khỉ, Bếp Dẽ kéo dài đến núi Hòn Tàu, vùng Trà Lý về phái Đông. Núi Mỏ Cày, Dương Thông về phía Tây Bắc. Núi Hòn Đền, Hòn Dung, Quảng Lai về phía Nam. Suối thì được hình thành bởi nhiều nhánh như nhánh chính từ Nà Thắng, Hòn Đền về thung lũng, nhánh từ Bếp Dẽ, Sọ Khỉ về Hố Khế, nhánh từ Mỏ Cày về. Trong các nhánh suối này thì nhánh chính từ Nà Thắng về đảm bảo nước suốt bốn mùa, và đây cũng là nhánh mang nước từ đầu ngồn về gây nên những trận lũ cục bộ vào mùa mưa, các nhánh còn lại vào mùa hè, đỉnh điểm của những thời điểm nắng nóng thì suối cạn dòng. Vùng bồn địa thung lũng Mỹ Sơn gồm những ngọn đồi nhỏ trong đó có đồi khu tháp G là ngọn đồi nhân tạo do Champa tạo lập từ thế kỷ XII. Cửa ngỏ Mỹ Sơn nơi dòng suối đổ ra và cũng là con đường di chuyển di nhất vào thung lũng là mặt hồ đập Thạch Bàn với diện tích mặt nước khoảng 400 mét khối có tác dụng góp phần điều hòa hệ sinh thái rừng đặc dụng khu di tích.
Về đa dạng sinh học, hiện nay chưa có thống kê về số lượng chủng loài, nhưng theo tìm hiểu thì tại khu vực rừng được bảo tồn này có các loại động thực vật có giá trị, một số nằm trong sách đỏ Việt Nam. Đây cũng là nơi trốn tránh của nhiều loại động vật từng tồn tại nhiều trong vùng như chào mào, chèo bẽo, gà rừng, heo rừng, vì diện tích rừng bên ngoài thu hẹp dần, các vườn cây trong dân thì không còn tồn tại bởi việc phát triển rừng trồng kinh tế gây nên tình trạng khan hiếm thức ăn. Điều đánh mừng là so với nhiều nơi, rừng Mỹ Sơn là loại rừng cây bản địa có sự đa dạng về chủng loại. Đó là thảm thực vật tự nhiên đầm lầy, thảm thực vật ven suối, thảm thực vật rừng già vùng núi cao. Chúng phân bố tùy vào từng địa hình cụ thể. Với sự đa dạng này là nơi sinh sống của khỉ vùng rừng già núi Hồn Đền, loại cá nước ngọt dưới dòng suối từ đập Thủy Điện đến đập Thạch Bàn, động vật heo rừng, mang, hưu, chồn. Đặc biệt, trong kiểu tự nhiên địa hình này rất nhiều chủng loại rắn tồn tại. Theo khảo sát để báo cáo đề tài khoa học “Đặc điểm tự nhiên, kinh tế xã hội và môi trường thánh địa Mỹ Sơn do Ban Quản lý thực hiện năm 2014 thì số lượng rắn ở Mỹ Sơn có đến trên 32 loại.
Chủng loại cây bản địa có các họ lim xanh, tràm thị, dẽ đỏ, chua, hiện nay nhiều loại cây đã trở nên khan hiếm cần được tích cực phục hồi. Trong đó, riêng khu vực rừng già Hồn Đền, khu vực Bếp Dẽ còn tồn tại nhiều loại cây thân gỗ lớn đến hai, ba người ôm. Ngoài ra còn có các loại lan quý cần đươc bảo tồn và nhân giống.
Để quản lý diện tích rừng được xếp vào loại đặc dụng này, trở ngại lớn nhất là địa hình tiếp giáp nhiều nơi, nhiều khu vực chưa được phân định rõ chồng lấn giữa đất rừng hộ dân và rừng bảo tồn, do đó việc lấn chiếm tại nhiều nơi, đặc biệt là vùng đệm di tích. Những năm lại đây, phía nam Hồn Đền vùng giáp ranh với huyện Nông Sơn xuất hiện những cánh rừng keo lá tràm ăn sâu vào rừng tự nhiên, một số khu vực hệ sinh thái đã biến đổi. Diện tích rừng thông do người Pháp trồng có nguy cơ teo lại do sự xuất hiện bên cạnh là các sườn keo. Với chu trình sinh trưởng nhanh, cây keo tồn tại được khoảng bốn năm là khai thác, điều này gây nên trình trạng những sườn núi sau khi khai thác đã trả lại những đồi trọc làm ảnh hưởng đến cảnh quan chung.
Nghiên cứu đa dạng sinh thái rừng đặc dụng Mỹ Sơn là công việc cấp thiết lúc này, việc thực hiện đề tài này sẽ giúp cho công tác bảo tồn hệ động thực vật Mỹ Sơn được tốt hơn trong tương lai. Biến nơi đây thành khu bảo tồn đa dạng sinh thái có giá trị như sự hằng mong ước của bao thế hệ lãnh đạo, người dân địa phương.
B.T