Năm 2016, Việt Nam đối mặt với sự biến đổi khí hậu một cách khốc liệt nhất trong nhiều năm qua, hiện tượng El Nino bước vào thời kỳ đỉnh điểm đã tác động đến tình hình sản xuất kinh tế, đời sống người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Biến đổi khí hậu đang thực sự là mối đe dọa không chỉ tác động đến lĩnh vực đời sống kinh tế mà ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực. Trong đó, bảo tồn di tích thời gian qua đang được các chuyên gia lên tiếng cảnh báo. Các hiện tượng như nắng nóng khắc nghiệt, bão lũ cục bộ, nhiệt độ tăng cao… đang tác động tiêu cực đến các công tình kiến trúc, các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Hiện tượng thảm thực vật bị cháy xém tại cánh rừng Mỹ Sơn do nắng nóng từng diễn ra vào năm 2012.
Khu di tích Mỹ Sơn, đa phần các công trình kiến trúc ngoài trời. Có thời gian hàng ngàn năm, được hình thành từ các vật liệu có kết cấu mà theo thời gian dù bền chặt đến đâu cũng có nguy cơ tan rã, mục nhũn. Quần thể công tình kiến trúc này nằm trong một môi trường địa lý có sự khác biệt so với bên ngoài, khí hậu ẩm thấp trong mùa mưa, nhưng nóng khắt nghiệt trong mùa nắng. Sự bất thường của hiện tượng biến đổi khí hậu thời gian qua đã gia tăng tác động lên di tích ngày một rõ nét. Những trận lũ cục bộ giai đoạn mùa mưa các năm 2013, 2014 đã gây ngập úng lên nền đất các nhóm tháp thuộc khu B,C,D, gây xói lỡ một số đoạn suối nằm trong khu vực di tích. Nắng nóng năm 2012, đã làm cho các thảm thực vật tại Mỹ Sơn cháy xém, nước suối Khe Thẻ khô cạn.
Theo nguyên cứu và đánh giá thực trạng của Ban Quản lý Mỹ Sơn đối với sự tác động của biến đổi khí hậu lên di tích trong 3 năm trở lại đây thì sự thay đổi của khí hậu là môi trường gây ra sự phát triển của các sinh vật gây hại, mấm mốc. Chu kỳ sinh trưởng của chúng có sự thay đổi về quy luật. Riêng độ ẩm và nền nhiệt độ tăng cao làm cho bề mặt di tích có nguy cơ mục nhũn cao, dễ bong tróc ở những mảng tường có kết cấu yếu. Những kiến trúc như tháp B3, nhóm tháp khu E,F vốn nền yếu, nếu bị tác động lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến toàn khối tháp. Ngoài tác động trực tiếp lên di tích, sự biến đổi khí hậu còn ảnh hưởng đến môi trường rừng tự nhiên xung quanh. Do vậy, để di tích thích ứng với nguy cơ tác động của biến đổi khí hậu thì Ban Quản lý đang thực hiện các biện pháp giảm bớt những áp lực về môi trường lên di tích như loại bỏ sự xâm nhập của các sinh vật ngoại lai, tạo và mở rộng các vùng bảo vệ hiện có, thay đổi cách làm du lịch chú trọng các loại hình du lịch thân thiện, du lịch trách nhiệm, đồng thời tăng cường công tác điều tra, giám sát, phân tích mức độ nhạy cảm…
Xử lý cây cỏ trên thân tháp bằng công nghệ sinh học
Hiện nay, những biện pháp bảo tồn tại Mỹ Sơn phần nhiều được thực hiện bằng các phương pháp như can thiệp trùng tu, tôn tạo. Các công trình như khu G, tháp E7 khu E,F được thực hiện theo cách này. Ngoài ra, là các biện pháp cấp thiết được Ban Quản lý Mỹ Sơn thực hiện như giám sát hằng ngày, đánh giá báo cáo hiện trạng, can thiệp gia cố, gia cường cấp thiết, bảo tồn, bảo vệ từ xa, dùng công nghệ sinh học tiêu diệt cây cỏ trên di tích...
Các công trình như B3, A13, F1… còn nằm trong trình trạng chống đõ cấp thiết và đáng đứng trước nguy cơ biến đổi trong tương lai gần.
Vẫn biết việc can thiệp lên di tích cần phải được thực hiện một cách khoa học.
Những phương pháp có tính lâu dài cần nhiều sự vào cuộc của các ngành khoa học liên quan để bảo tồn bền vững. Tuy nhiên, trước những tác động khó lường và diễn biến ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu, di sản cần có những biện pháp ngăn chặn và khắc phục kịp thời.
Văn Khoa