Không như nhiều làng nghề đá truyền thống có tiếng ở Việt Nam như làng đá mỹ nghệ Non Nước, làng đá xanh xứ Thanh Hóa… Ở vùng đất gắn với di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn có một làng nghề chế tác đá mỹ nghệ tồn tại hàng chục năm nay, được du khách biết đến, đó là làng đá mỹ nghệ Mỹ Sơn.
Làng nằm trên con đường vào Khu di tích Mỹ Sơn, nhưng không tập trung mà phân tán thành những cơ sở, hộ gia đình. Làng không nổi tiếng và ít được nhắc đến bởi sản phẩm đá tạo ra đa phần được xuất khẩu và tiêu thụ ở trên thị trường mà ít được trưng bày, giới thiệu. Đối với nhiều người trong làng cũng vậy, họ thấy còn thiếu một cái gì đó để làng nghề tồn tại và phát triển. Làng có 3 cơ sở sản xuất đá và vài cơ sở nhỏ chế tác đá. Nhưng đã hình thành làng, bởi ở đây nghề làm đá đã thu hút một lượng lớn lao động trong làng, đá chế tác được khai thác từ ngay chính trên vùng đất này. Nhiều sản phẩm làm ra từ làng nghề đã có chổ đứng trên thị trường đá mỹ nghệ và được biết với cái tên đá mỹ nghệ Mỹ Sơn. Và đặc biệt, đối với nhiều du khách trong chuyến hình trình tham quan Mỹ Sơn, làng đá Mỹ Sơn đã trở nên là điểm đến thú vị và hấp dẫn.
Đá dùng trong chế tác là loại đá sa thạch (hay còn gọi là đá cát kết) được khai thác từ làng. Tại Khu di tích Mỹ Sơn, đá sa thạch được dùng rất nhiều trong kiến trúc điêu khắc. Trong kết cấu tháp như lanh tô, trụ áp tường, và được dùng chủ yếu trong phù điêu tạc tượng. Đặc biệt do tính năng mềm, dễ gọt đẽo, có những đặc tính như phù hợp với tạo hình, có màu sắc riêng, độ nét… nên nhiều kiến trúc đền tháp Mỹ Sơn đã dùng đá sa thạch trong trang trí như dùng trang trí tai lữa, chóp tháp, bia ký…
Trong đó, kiến trúc B1 Mỹ Sơn được xây dựng chủ yếu bằng loại đá này. Theo các nhà nghiên cứu Chămpa, người Chăm đã khai thác đá từ các vùng lân cận phục vụ cho việc xây dựng tại Mỹ Sơn. Đá lấy từ dưới lòng đất, có lẽ vì thế có được độ mềm, nên khâu chế tác thuận lợi. Nhiều cơ sở như cơ sở sản xuất đá Chín Nguyện, Thăng Hoa… chế tác đá chủ yếu phục vụ cho thi trường xây dựng nên đá được cắt mỏng thành sản phẩm dùng trong trang trí nhà cửa, sân vườn. Trong khi đó nhiều nơi trong làng, các cơ sở nhỏ lại chọn cách làm ra thành sản phẩm mỹ nghệ với những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Theo thời gian, thị hiếu thẩm mỹ từ thị trường ngày càng cao, đá Mỹ Sơn đã không còn dành cho xây dựng, nhiều cơ sở đã nâng thành cơ sở đá mỹ nghệ như cơ sở điêu khắc đá Chămpa, cơ sở sản xuất của anh Phạm Ngọc Xuân... Sản phẩm làm ra được người làng đem ký gởi ở các điểm du lịch và trưng bày tại chổ hay bán cho du khách tham quan. Dạo quanh các cơ sở đá như cơ sở điêu khắc đá Chămpa (cạnh khu di tích Mỹ Sơn) các sản phẩm đa phần được tạo hình theo nghệ thuật Chămpa. Đó là những vũ nữ Apsara, những phù điêu, linh vật, tượng thờ… Hay trại đá của anh Phạm Ngọc Xuân nằm bên đường vào Khu di tích Mỹ Sơn. Một người con của làng, dù bị câm điếc bẩm sinh nhưng chính từ tình yêu và sự đam mê nghệ thuật Chămpa (Mỹ Sơn) đã cho anh những cảm nhận để qua đôi tay tài hoa đã cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Một ngày, được sống giữa làng nghề, để cảm nhận hơn về làng, và để nghe trong âm vang tiếng vọng của đá, còn đó những ước mơ của người làng về một làng nghề đang trên đường tìm thương hiệu cho mình./.
Văn Khoa