Khu di tích Mỹ Sơn là một trong những thánh đô quan trọng bậc nhất của vương quốc Chăm Pa.
Kết thúc giai đoạn 1 trùng tu tháp K
Vào thế kỷ thứ IV được vị vua Bhadravarman khởi công xây dựng ngôi đền bằng gỗ, kế tiếp các vị vua sau đó tiếp tục cúng dâng Đền- Tháp ở đây đến cuối thế kỷ XIII khu thánh đô này trở thành một tổng thể kiến trúc đồ sộ có hơn 70 ngôi đền- tháp lớn nhỏ hội đủ các phong cách nghệ thuật điêu khắc đặc sắc Chăm Pa. Tuy nhiên với những biến động của lịch sử vương quốc Chăm Pa suy yếu dần những công trình kiến trúc không được xây dựng thêm nữa. Rồi sau đó là một thời gian dài quên lãng bị cây rừng bao phủ.
Đến năm 1898 được một người Pháp tên là Paris phát hiện tiếp theo là nhiều nhà khoa học của trường Viễn Đông Bác Cổ, trong đó nổi bật nhất là ông Luis Finot nghiên cứu về văn tự và ông Henri Parmentier-kiến trúc sư kiêm nhà khảo cổ học đã tiến hành khai quật, nghiên cứu và trùng tu nhiều đền-tháp. Theo thống kê của các chuyên gia Pháp có hơn 68 công trình kiến trúc và nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử, kiến trúc, phong cách nghệ thuật và nội dung một số văn bia được dịch ra công bố vào thời điểm này.
Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, Khu di tích Mỹ Sơn đã bị tàn phá nghiêm trọng. Một trận bom của quân đội Mỹ vào năm 1969 đã tiêu hủy hoàn toàn đền thờ chính A1 và A10 cùng nhiều kiến trúc khác.
Từ năm 1982 trong một ký kết hợp tác văn hóa giữa Việt Nam - Ba Lan. Các chuyên gia đến từ liên hiệp các xí nghiệp trùng tu di tích Ba lan đứng đầu là cố Kiến trúc sư người Ba Lan Kazik, phối hợp cùng các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Thiết kế và Tu bổ di tích thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tiến hành nghiên cứu, phục hồi và tu bổ quần thể các đền đài thuộc nhóm A, B, C và D. Nhìn chung, các hoạt động tại khu di tích Mỹ Sơn có thể được tóm lược như sau:
Phát quang và ổn định lại mặt bằng nền của các đền - tháp thuộc Nhóm A, B, C và D. Dọn dẹp và thu nhặt hàng chục nghìn viên gạch cổ được tìm thấy ở các đống đổ nát, sau đó phân loại gạch để có thể tái sử dụng sau này. Dọn dẹp và thu thập các chi tiết trang trí bằng đất nung hoặc đá, xác định vị trí nguyên gốc của chúng phục vụ cho công tác tái định vị sau này. Những chi tiết không xác định được vị trí gốc thì được giữ lại và trưng bày tại khu vực di tích. Khảo sát khảo cổ học tiến hành đồng thời với việc thu dọn và gia cường ổn định mặt nền. Lập các báo cáo về tình trạng của các nhóm đền – tháp. Gia cố khẩn cấp các tháp và những phế tích kiến trúc có nguy cơ đổ nát khác, sử dụng các giải pháp công nghệ hiện đại.
Tái dựng phần đế của các kiến trúc đã bị san phẳng, từ những gì còn sót lại để duy trì dấu tích hiện diện trong tổng thể kiến trúc các Nhóm B, C, D. Công việc tái dựng tận dụng những viên gạch cũ thu nhặt được, sử dụng vữa xi măng nhằm làm bộc lộ rõ phần được trùng tu, tránh nhầm lẫn với các cấu trúc nguyên gốc. Các chi tiết trang trí được tái định vị về vị trí ban đầu khi có thể xác định được.
Giai đoạn này đã phục hồi và cứu vãn số lượng lớn thành phần kiến trúc có nguy cơ đổ vỡ, tạo lại một phần dáng dấp khu di tích trên sự hoang tàn đổ nát sau nhiều năm chiến tranh.
Từ năm 1999 Hợp tác với tổ chức Lerici Foundation thông qua tổ chức unesco thực hiện chương trình thông tin địa lý cho khu di sản Mỹ Sơn, tiếp nối thành công đó, dự án hợp tác ba bên Unesco-Việt Nam-Italia về “Thuyết trình và đào tạo các tiêu chuẩn quốc tế về bảo tồn nhóm tháp G Mỹ Sơn” đã trải qua 10 năm trùng tu, tôn tạo từ năm 2003 đến năm 2013 với tổng kinh phí hơn 1,6 triệu USD. Dự án đã góp phần quan trọng vào việc gia cố chống xuống cấp và từng bước định hình lại nguyên trạng nhóm tháp G đồng thời đã tìm ra chất kết dính và vật liệu thay thế cho việc trùng tu các tháp Chăm nói chung, đó là đã nghiên cứu, áp dụng thành công dầu rái làm vữa liên kết các viên gạch và sản xuất thành công gạch phục chế có tính năng tương đương với gạch Chăm cổ. Song song với việc hợp tác với chuyên gia Ý, sở Văn hóa thể thao du lịch tỉnh Quảng Nam phối hợp với Viện bảo tồn di tích cũng đã tiến hành khởi tùng tu tháp E7 từ tháng 6/2011 và hoàn thành vào đầu năm 2015.
Ngày 28/10/2014 Chính phủ Việt Nam và Ấn Độ ký kết "Bản ghi nhớ về bảo tồn Di sản Văn hóa Thế giới Khu di tích Mỹ Sơn". Mục tiêu của dự án là bảo tồn ba nhóm tháp A, H và K trong thời gian 5 năm với kinh phí 160 triệu Rupee (tương đương 53 tỷ VNĐ) từ phía Ấn Độ tài trợ. Cơ quan Khảo sát Khảo cổ học Ấn Độ (gọi tắc là ASI) cử chuyên gia kỷ thuật trực tiếp tham gia dự án. Năm 2016 đoàn đã đến Mỹ Sơn khảo sát và từ cuối tháng 2 đến 30/5/2017 tiến hành khai quật, trùng tu tháp K và H.Phối hợp công tác này phía Ban quản lý Mỹ Sơn có cử nhóm chuyên viên có nghiệp vụ bảo tồn cùng tham gia, cùng với gần trăm công nhân có kinh nghiệm.
Hiện trạng nhóm tháp H, K trước khi dự án tiến hành khai quật và trùng tu: Nhóm tháp H gồm 4 tháp tọa lạc trên một ngọn đồi, hầu hết các ngôi tháp đã bị tác động của thời gian và chiến tranh làm hư sập trở thành phế tích chỉ còn cao chừng 1m, riêng tháp H1 mảng tường phía Tây cao gần 7m còn lộ rõ những đường gờ dọc và các giật cấp ngang sắc sảo, bề mặt gạch tương đối rắn tường khá phẳng không có điêu khắc hoa văn. Có dấu vết người Pháp đã dọn dẹp và khai quật ở đây từ những thế kỷ trước, chưa có sự can thiệp bảo tồn sau 1975. Thông tin trong tư liệu thì chỉ đề cập rất ít "xếp nhóm tháp này thuộc phong cách Bình Định có niên đại muộn thế kỷ XII-XIII nghệ thuật kiến trúc cũng trên đà suy thoái mai một dần, cùng giai đoạn vương quốc Chăm pa suy yếu".
Tháp K tình trạng cũng tương tự như nhóm tháp H hư sập nhiều chỉ còn hai bức tường cao khoảng 4m. Trên các mảng tường này còn khá rõ các chi tiết gờ trụ, cửa giả, riêng phần chân đế bị vùi lấp bởi gạch đỗ. Thông tin về ngôi tháp này ít và hầu như chưa có dấu vết can thiệp nào của công tác bảo tồn qua các giai đoạn trùng tu ở Mỹ Sơn.
Với cách nhìn cảm quan trong dân gian thường gọi tháp H là tháp Cột Cờ (vì đây là tháp cao nhất trên đỉnh một ngọn đồi tròn gần như trung tâm của thung lũng), tháp K là tháp Cổng (vì ngôi tháp này ở vị trí ngoài cùng vừa vào thung lũng đã gặp).
Những công việc đã thực hiện ở tháp K (từ 28/2-30/5): Phát lộ1000m2, khai quật 500m2 khi khai quật bóc chuyển lớp đất sâu từ 60 đến 80cm thì phát hiện tháp K có hai cửa một cửa xoay về hướng Đông, một xoay về hướng Tây, hai cửa đều có những bậc cấp bằng gạch. Nối dài cửa phía Đông là hai tường thấp cách nhau 8m,song song kéo dài về hướng Đông (hướng vào khu E, F) khoảng giữa hai đoạn tường này không có dấu vết lát gạch, đá mà chỉ là lớp đất, sỏi được đầm chặc mỗi tường cao gần một mét, bề mặt rộng 60cm, cửa hướng Tây phát hiện hai tượng hình sư tử đứng khuôn mặt hung dữ, tư thế đứng vững chải cùng với hơn 80 hiện vật là những thành phần kiến trúc, trang trí và nhiều mảnh gốm không tráng men, không tráng men, đồng thời cũng đa dạng kiểu dáng, màu sắc...
Hình 1: sơ đồ tổng thể khu di tích Mỹ Sơn
Công tác trùng tu: Đề cao việc bảo tồn lưu giữ yếu tố gốc lên trên hết, mặt tường kiến trúc K thay thế những viên gạch đã bị hỏng bằng những viên gạch cũ, trùng tu bậc cấp cửa Đông và hai đoạn tường đường dẫn hai bên (mỗi bên dài 28m x 0,6m x 0,8m). Chất vữa sử dụng các lớp trên bề mặt keo dầu rái và bột gạch, lớp dưới và lõi tường dùng vôi, cát và bột gạch.Gạch xây sử dụng gạch cũ kết hợp với gạch mới phù hợp từng vị trí.Những góc, mảng tường độ kết cấu yếu nghiêng lệch chưa kịp trùng tu được dùng gỗ chống đở gia cường tạm thời, tạo mặt bằng làm rãnh thoát nước.Sắp xếp trưng bày tại chỗ một một số hiện vật là thành phần kiến trúc, làm các bậc bằng gỗ và tạo lối đi phục vụ thăm quan.
Khu H: Khu H phát lộ 800m2, khai quật 500m2, khai quật sâu từ 60cm đến 80cm làm lộ toàn bộ khung tường bao, 81 hiện vật chất liệu bằng đá và đất nung ở đây chủ yếu là thành phần kiến trúc, trang trí góc, chóp tháp... Bố cục của khu H khác biệt với bố cục truyền thống (Tháp chính- tháp cổng- tháp tịnh tâm), khu tháp này cũng được xây trên ngọn đồi có độ cao hơn hẳn các các khu tháp khác trong thánh địa Mỹ Sơn. Cửa khu tháp nhìn về hướng Đông (bao quát các khu tháp còn lại). Công tác trùng tu, gia cố chưa được tiến hành.Được chằng chống bằng gỗ tạm thời vào những điểm kết cấu yếu của kiến trúc chờ trùng tu vào năm sau.
Những nhận định ban đầu của nhóm chuyên gia Ấn Độ: Trong quá trình khai quật quan sát dấu vết từng lớp văn hóa khảo cổ các chuyên gia đã nhận định: "Tháp H chịu tác động của thiên nhiên qua hàng trăm năm nên bị bồi lấp đất, cát gần cả 1m, là tháp cổng đi vào thánh địa Mỹ sơn, hai đoạn tường song song còn có thể kéo dài hàng trăm mét về hướng Đông gần đến khu E,F. Đồng thời hai tượng sư tử tư thế đứng vị trí khai quật từ cửa Tây. Hoàng gia Chăm Pa từ kinh đô Simhapura Trà Kiệu men theo các chân núi qua cửa tháp K để vào thánh địa Mỹ Sơn, lối này dọc theo suối Khe Thẻ(suối thiêng) có góc nhìn thoáng và đẹp nhất thấy ngọn núi thiêng Mahaparvata trên quảng đường dài, vòng từ trái qua phải đều đi vào phía trước cửa các nhóm tháp tất cả các yếu tố đó càng củng cố nhận định tháp K là tháp Cổng là có cơ sở Trước khi có tháp K có lẽ người Chăm đã xây dựng ở đây những công trình bằng các vật liệu nhẹ, qua nhiều giai đoạn tu sửa, công trình kiến trúc hiện tồn có niên đại muộn thuộc khoảng thế kỷ XII, XIII". "Khu tháp H với vị trí, bố cục khác lạ nhóm tháp duy nhất ở Mỹ Sơn có Mandapa giữa tháp cổng và tháp chính và hướng nhìn bao quát toàn bộ các nhóm tháp khác nhất định giữ vai trò tương tác rất quan trọng với các nhóm tháp khác trong khu thánh địa".
Tuy nhiên các lòng tháp Kvà H và cả đoạn đường dẫn còn lại chưa kịp khai quật hết cần phải có thêm thời gian, tìm các cứ liệu liên quan mới có thể đưa ra nhận định xác đáng.
Nhận định tháp K là tháp Cổng làm thay đổi nhiều yếu tố, hướng đi hành hương vào thánh địa là Tây-Bắc, sẽ làm thay đổi một số giả thuyết trước đây đường hành hương có thể đi từ hướng Đông vì cho rằng phần lớn những ngôi đền ở thánh địa Mỹ Sơn quay về hướng Đông. Vậy có lẽ hoàng gia Chăm Pa từ kinh đô Simhapura (Trà Kiệu) đi dọc theo triền núi (bây giờ là bờ hồ Vĩnh Trinh đến Cùi Tay vào tháp K là đoạn đường khá dễ đi và ngắn hơn nhiều so với đi vòng lên cầu Khe Thẻ (con đường hiên tại đang phục vụ du lịch) hay đường đi từ hướng Đông vừa dốc cao vừa ghồ ghề).
Số lượng lớn mảnh gốm đa dạng về kiêủ thức, màu sắc... tại tháp K này có lẽ từng có các nghi lễ tín ngưỡng mà người Chăm xưa đã thực hiện ở đây trước khi vào trung tâm thánh địa (tương tự lễ cúng cửa rừng của người Việt)
Các loại gốm khác nhau thu được sau khai quật ở tháp K
Những ghi nhận từ Ban Quản lý Mỹ Sơn: Nhóm chuyên gia Ấn Độ tham gia công tác bảo tồn nhóm H và tháp K theo phương án vừa khai quật vừa tiến hành trùng tu. Nhóm chuyên gia Ấn Độ cũng đã có những bước khảo sát khảo cổ học và tìm ra các giải pháp phù hợp trước đó. Phương pháp trùng tu khảo cổ học đề cao bảo tồn yếu tố gốc, bảo tồn gia cố, gia cường để giữ những khối kiến trúc hiện tồn, không chủ trương khôi phục hoàn toàn, không làm mới khi không có cơ sở. Chọn các di tích có quy mô nhỏ, những khối kiến trúc đơn giản can thiệp trùng tu trước, trong tương lai gần là những đền - tháp có quy mô đồ sộ hơn cùng với những khối kiến trúc phức tạp, là bước đi cẩn thận cần thiết.
Vữa xây: Dùng vôi vỏ sò ngâm, lóng, ủ, lọc trộn với bột gạch cát sông tỷ lệ phù hợp để xử lý nền móng, lỏi tường. Dầu rái đun nóng làm vữa cho những lớp gạch bề mặt trên, bề mặt ngoài của khối xây đạt hiệu quả tạo được sự tương thích trong vật liệu. (vôi được ngâm lọc và ủ sau 15 ngày khi trộn với cát và bột gạch theo một tỷ lệ 1:1:1 tạo được vữa có độ kết dính cao)
* Nhóm chuyên gia đã thể hiện tinh thần trách nhiệm với Di sản, kế thừa và áp dụng giải pháp bảo tồn phù hợp, sử dung vật liệu,chất liệu hợp lý, tôn trọng yếu tố gốc, tính xác thực của di tích. Nhất định sẽ thành công trong nhiệm vụ bảo tồn các nhóm tháp A, H và tháp K trong 5 năm tới như kế hoạch đã đề ra.
Nguyễn Công Khiết-Lê Văn Minh-Lê Việt Thắng-Lê Văn Cường