Khu kỹ nghệ đặt ở miền Tây huyện Duy Xuyên (thuộc tổng An Hòa trước đây), bên phía hữu ngạn sông Thu Bồn.
Có vị trí phân bổ kéo dài trên các địa bàn xã Duy Thu, Duy Phú ngày nay. Trong đó vùng tiếp giáp kéo dài đến khu vực đập Thạch Bàn, giáp vùng đồi núi cánh cung di tích Mỹ Sơn. Phía Nam là một phần của huyện Nông Sơn bây giờ.
Một phần đường băng sân bay An Hòa còn lại ngày nay
Khi khảo sát xây dựng, các chuyên gia trong quá trình nghiên cứu đã nhận thấy nguồn tài nguyên phong phú cùng những điều kiện hợp lý cho việc hình thành và xây dựng một khu kỹ nghệ có tính chất phát triển lâu dài. Theo đồ án, khu kỹ nghệ có một nhà máy điện một vạn kw chạy bằng than anthracite Nông Sơn. Cùng các xưởng sản xuất có tính chất quy mô tập trung nhằm mục đích khai thác các tài nguyên thiên nhiên đa dạng của vùng đất phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ.
Khi tiến hành nghiên cứu, các chuyên gia của Mỹ lập báo cáo đánh giá những điều kiện thuận lợi của vùng đất như có khoáng sản cao lanh phục vụ công nghiệp sản xuất gạch, gói, xi măng, mỏ than Nông Sơn có trữ lượng lớn sản xuất điện và dùng vào mục đích phát triển các ngành công nghiệp nặng. Về giao thông có tuyến đường thủy sông Thu Bồn, về đường bộ có vị trí nối thông với Đà Nẵng qua đường 14B, hay với quốc lộ 1A, từ Nam Phước lên. Đặc biệt là tuyến đường sắt kết nối từ ga Trà Kiệu đến mỏ than Nông Sơn được bước đầu hình thành từ thời Pháp thuộc. Bên cạnh đó, di tích Mỹ Sơn, đập nước Thạch Bàn cùng hệ sinh thái rừng phong phú cũng góp phần phát triển các loại hình nghỉ dưỡng cùng các công trình khác như trường học, bệnh viện.
Việc khởi công khu kỹ nghệ bắt đầu vào năm 1960 do chuyên gia Mỹ, Đức thiết kế. Khoảng năm 1965, cơ sở hạ tầng đã hình thành theo đề án giai đoạn 1. Trong giai đoạn này, hệ thống hạ tầng được xây dựng bao gồm việc hình thành sân bay An Hòa và trùng tu tuyến đường sắt, các công trình khác như bệnh viện Tây Đức, trường học đi vào hoạt động. Năm 1965, chiến tranh diễn ra ác liệt, quận lị Đức Dục như một trung tâm đầu não phục vụ cho các mưu đồ tái chiếm cùng với việc huy động các lực lượng chống lại quân giải phóng ta ở khu vực chiến lược này. Địa bàn thuộc khu Kỹ nghệ An Hòa được Mỹ ngụy chú trọng phục vụ cho mục đích chiến tranh. Do vậy, việc xây dựng không còn như tính chất ban đầu.
Đến năm 1973, các thiết bị được dỡ chuyển đi, chỉ còn lại tường rào và nền móng một số nhà cửa.
Ngày nay, di tích khu kỹ nghệ An Hòa còn lại là những nền móng, hệ thống đường băng cất, hạ cánh của sân bay An Hòa. Bên bờ đập Thạch Bàn còn lưu lại dấu tích về một cơ sở của bệnh viện Tây Đức. Đường sắt nối giữa ga Trà Kiệu và Nông Sơn chỉ còn lại những tường đất với hàng chục km, minh chứng cho một thời xâm lược và khai thác kiểu mới trên vùng đất này.
Văn Khoa