Những năm cuối thập niên 70 thế kỷ trước, giữa thời điểm đang sục sôi chủ trương 'Thủy lợi là biện pháp hàng đầu', một dự án thủy lợi đã đe dọa nhấn chìm toàn bộ khu thánh địa Mỹ Sơn.
Sau năm 1975, đất nước phải đối mặt với vô vàn khó khăn, đặc biệt là về lương thực thì ở biên giới Tây Nam lại xảy ra chiến tranh. Với khẩu hiệu “Tất cả cho lương thực”, các chuyên gia về thủy lợi đã đưa ra nhiều ý tưởng, giải pháp để tận dụng nguồn nước tự nhiên phục vụ tưới tiêu đồng ruộng.
Nếu không ngăn chặn dự án đập Khe Thẻ thì Mỹ Sơn đã bị nước nhấn chìm
Theo tác giả Huỳnh Viết Tư, Hội viên Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng trong bài viết Hồ Nghinh - Một nhà lãnh đạo vì dân, vì nước (đăng trong cuốn sách Hồ Nghinh - Một đời vì nước vì dân, xuất bản năm 2017), tại Quảng Nam, cùng với hàng loạt công trình thủy lợi, dự án kè Khe Thẻ đã ra đời. “Dòng suối Khe Thẻ, trước khi đổ ra sông Thu Bồn, chảy quanh co trong thung lũng Mỹ Sơn xung quanh vây bọc bởi núi Chúa, Dương Chỉ, Dương Thông, Mỏ Cày… Chỉ cần đắp một con đập từ núi Mỏ Cày qua Dương Chỉ, Dương Thông ngăn suối là có một hồ chứa nước đủ tưới tiêu cho một vùng rộng lớn thuộc các xã phía tây H.Duy Xuyên” (trích bài viết).
Là người hiểu tường tận địa hình thung lũng Mỹ Sơn, anh hùng vũ trang Huỳnh Tiến Năm (trú xã Duy Tân, H.Duy Xuyên) cho biết, nếu suối Khe Thẻ bị ngăn lại thì khu đền tháp thánh địa của người Chăm sẽ mãi mãi chìm dưới lòng hồ. Thế nên, ngay từ khi ý tưởng được “thai nghén” đã có nhiều ý kiến trái chiều. Với nhiều người, mục tiêu hàng đầu là thủy lợi nên những đền tháp Mỹ Sơn không khác một đống gạch vụn là mấy. Bởi sau chiến tranh Mỹ Sơn cũng chìm trong đổ nát. “Trong khi đó, phần đông cán bộ lãnh đạo H.Duy Xuyên phản bác dự án vì không muốn xóa đi một chứng tích tội ác chiến tranh...” - tác giả Huỳnh Viết Tư viết - “Họ đưa ra lý do xác đáng là, người Pháp đã xây dựng hai con đập lớn là Vĩnh Trinh và Thạch Bàn để tưới tiêu cho vùng đất phía tây Duy Xuyên. Vì thế chỉ cần nâng cấp 2 đập nước này sẽ dư nước…”.
Tuy có nhiều ý kiến trái chiều nhưng những chuyên gia thủy lợi cùng những người ủng hộ làm đập Khe Thẻ vẫn không nhượng bộ. Tình hình trở nên căng thẳng hơn khi vào năm 1978, ngành chức năng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng triệu tập một cuộc họp để thông báo chủ trương sẽ đắp đập Khe Thẻ.
Cố Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng Hồ Nghinh
Quyết định bỏ dự án
Tại cuộc họp này, một số người phản đối dự án tiếp tục nêu ý kiến của mình. Ông Hồ Duy Diệm, nguyên Trưởng ban Quy hoạch tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, kể vì sớm biết về Mỹ Sơn với những giá trị lịch sử độc đáo nên khi có mặt tại cuộc họp, ông đã lên tiếng bác bỏ việc làm đập Khe Thẻ.
Ông Diệm kể, ngay sau hội nghị này, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng (giai đoạn 1963 - 1982) Hồ Nghinh đã cử một phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách xây dựng lên Mỹ Sơn để khảo sát. “Những thông tin liên quan đến khu di tích đã được báo cáo lại cho ông Hồ Nghinh. Ông Nghinh không đưa ra văn bản chỉ đạo nào. Nhưng sau đó, thông qua những tham mưu đầy đủ tính lịch sử, địa lý và thực tế, ông đã bác bỏ dự án. Đập Khe Thẻ bị loại khỏi quy hoạch nhờ quyết định của ông”, ông Diệm nói.
Tác giả Huỳnh Viết Tư cho biết thêm, ông Hồ Nghinh là người cất công thuyết phục lãnh đạo ngành thủy lợi và các quan chức kinh tế T.Ư cho xây dựng đập Phú Ninh. “Nhưng ông cũng chính là người quyết liệt trong việc bác bỏ làm đập Khe Thẻ. Bởi ông hiểu được giá trị văn hóa vô giá của Mỹ Sơn”, ông Tư cho biết.
Nhà lãnh đạo tâm huyết với văn hóa
Nhiều tài liệu ghi lại, khi còn là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng nếu không có ông Hồ Nghinh thì phố cổ Hội An đã bị đập phá nhiều di tích quan trọng vì cán bộ địa phương “quá tả” trong việc “bài trừ phong kiến”. Điển hình là việc ông Nghinh vào tận hiện trường ngăn chặn việc cổng tam quan Khổng Miếu bị đập phá. Ông Võ Công Trí, Phó bí thư Thành ủy Đà Nẵng, viết: Hồi còn chống gậy đi lại trên núi Hòn Tàu (Duy Xuyên), ông đã nói với Nguyễn Đình An, sau này thành nhà quản lý và nghiên cứu văn hóa của Quảng Nam - Đà Nẵng: “Khi giải phóng Đà Nẵng, phải có kế hoạch bảo vệ Museé Cham” (hiện là Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng).
Hoàng Sơn