Quy định mới về chế độ tài
sản của vợ chồng; tiêu chuẩn xét tặng "Nghệ nhân nhân dân", Nghệ nhân
ưu tú" nghề thủ công mỹ nghệ; quy định mới về quản lý tiền thu được từ sắp
xếp lại nhà, đất;...là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2.2015.
Nghị định 126/2014/NĐ-CP
quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình.
Trong đó, về chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định, Nghị định quy định tài
sản riêng khác của vợ, chồng theo quy định của pháp luật gồm: 1. Quyền tài sản
đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ; 2.
Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa
án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác; 3. Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được
nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền
tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.
Thu nhập hợp pháp khác của
vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân gồm: 1. Khoản tiền thưởng, tiền trúng thưởng
xổ số, tiền trợ cấp (trừ khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy
định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác
gắn liền với nhân thân của vợ, chồng); 2. Tài sản mà vợ, chồng được xác lập
quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự đối với vật vô chủ, vật bị chôn
giấu, bị chìm đắm, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc,
vật nuôi dưới nước; 3. Thu nhập hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Nghị
định có hiệu lực từ ngày 15.2.2015.
Tiêu
chuẩn xét tặng "Nghệ nhân nhân dân", Nghệ nhân ưu tú" nghề thủ
công mỹ nghệ
Nghị định quy định về xét
tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ
công mỹ nghệ có hiệu lực từ 15.2.2015, trong đó quy định tiêu chuẩn xét tặng 2
danh hiệu này.
Cụ thể, danh hiệu “Nghệ
nhân nhân dân” được xét tặng cho cá nhân đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu
“Nghệ nhân ưu tú” và đạt các tiêu chuẩn:
1. Trung thành với Tổ quốc
Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và
pháp luật của Nhà nước; nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa
phương. 2. Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống, tâm huyết, tận
tụy với nghề, được đồng nghiệp và quần chúng mến mộ, kính trọng. 3. Có tri
thức, kỹ năng đặc biệt xuất sắc, có công lớn trong việc bảo vệ và phát huy giá
trị nghề thủ công mỹ nghệ của cả nước, cụ thể: - Nắm giữ kỹ năng, bí quyết;
truyền nghề, dạy nghề cho từ 150 cá nhân trở lên, trừ trường hợp nghề đặc thù
hoặc đã đào tạo 1 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu
tú". Sau khi đã được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu
tú", Nghệ nhân phải trực tiếp thiết kế, chế tác được 2 sản phẩm, tác phẩm
mới có giá trị kinh tế, kỹ thuật và mỹ thuật, đạt giải thưởng hoặc được tổ chức
nhà nước, tổ chức kinh tế, xã hội - nghề nghiệp cấp chứng nhận đạt thành tích
tại các cuộc thi, hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế được Thủ tướng Chính
phủ cho phép tổ chức. 4. Có thời gian hoạt động trong nghề từ 20 năm trở lên.
Sắp
xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp
Nghị định về sắp xếp, đổi
mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp có
hiệu lực từ 1.2.2015. Cụ thể, theo phương án sắp xếp, đổi mới công ty nông
nghiệp, Nhà nước sẽ duy trì, củng cố, phát triển và tái cơ cấu công ty nông
nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ gồm các công ty nông nghiệp tại các
địa bàn chiến lược, vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa gắn với nhiệm vụ quốc
phòng, an ninh.
Cùng với đó là chuyển công
ty nông nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, Nhà
nước nắm giữ cổ phần chi phối đối với công ty nông nghiệp có ngành nghề kinh
doanh chính là trồng, chế biến cao su tại các địa bàn chiến lược, vùng sâu,
vùng xa gắn với quốc phòng, an ninh.
Xử
lý kịp thời cán bộ sách nhiễu dân
Theo Nghị định
04/2015/NĐ-CP về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà
nước và đơn vị sự nghiệp công lập, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải kịp thời
có những biện pháp xử lý thích hợp theo quy định của pháp luật đối với những
cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, thiếu tinh thần trách
nhiệm, sách nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng trong việc giải quyết công việc của
công dân, tổ chức.
Nghị định có hiệu lực từ
ngày 25.2.2015.
Dạy
và học bằng tiếng nước ngoài trong nhà trường
Theo Quyết định quy định
việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở
giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học (cơ
sở giáo dục), chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam có thể được dạy và
học một phần hoặc hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài, ưu tiên đối với các lĩnh vực
toán, khoa học tự nhiên, công nghệ và tin học.
Quyết định có hiệu lực từ
20.2.2015.
Ngoài ra, nghị định về bỏ
quy định giáo viên mầm non người nước ngoài phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm;
quy định mới về quản lý tiền thu được từ sắp xếp lại nhà, đất; Cấm chuyển giao
30 công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam; 36 phế liệu được phép nhập khẩu làm
nguyên liệu sản xuất; Quy định mới về bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ
chức tín dụng… cũng có hiệu lực trong tháng 2.
BẢO NGUYÊN (theo chinhphu.vn)