Bất kể lúc nắng hay mưa, sớm tinh mơ, Nguyễn Thị Hiền Trinh (1987,
thôn Xuyên Đông 2, thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên) đã ra khỏi nhà, chập
chững bước đi với cái mũ bảo hiểm trên đầu, đến quán cà-phê Đá
Vàng gần đấy để vẽ những bức tranh tượng hình giấc mơ của mình.
Bố
Trinh, ông Nguyễn Quang Ánh (60 tuổi) là thợ vẽ truyền thần, nhưng ông
nói: "Tôi chả bày nó vẽ gì đâu, là nó tự vẽ thôi"... Ở
góc quán, Trinh ngồi vào bàn cắm cúi bày ra giấy A4, hộp bút kim
tuyến, bút sáp, bút chì, và một cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 đã
nhàu nát, long tróc bìa. Trinh vẽ bằng bút chì, sau lấy bút màu tô
lại. Này là bức tranh cô gái ngồi bên bờ suối, hồn nhiên cười giữa
hoa cỏ mùa xuân; này, bức tranh sum vầy gia đình, có ba có mẹ ôm ấp
hai con thơ; này, bức tranh học sinh xúm xít quanh cô giáo vào ngày
20-11... Nhìn Trinh vẽ rất căng thẳng bởi tay Trinh run run, thân hình
cũng run run, có thể ngã sấp bất cứ lúc nào...
Trinh trên bản vẽ
Lúc sinh ra, Trinh phát triển bình thường như những đứa trẻ khác,
nhưng tới lớp 1, Trinh bỗng mắc chứng động kinh. Bố mẹ bán nhà lấy
tiền chữa, vẫn không khỏi. Gắng tới lớp 3 thì Trinh nghỉ học. Bệnh
động kinh khiến đầu óc Trinh lờ mờ, chừng 20 phút, lại ngã bổ,
miệng sùi bọt; nên, Trinh phải luôn đội mũ bảo hiểm, ngay cả trong
lúc ngủ. "Thương lắm. Chỉ những bức tranh mới đem lại cho nó
niềm vui" -ông Ánh nói. Nhưng, bệnh động kinh cũng khiến tâm hồn
của cô gái 28 tuổi mãi hồn nhiên như đứa trẻ. Tranh của Trinh
thuộc "trường phái bút màu - trẻ con". Lúc đầu, Trinh sao
nguyên những bức hình trong sách giáo khoa Tiếng Việt, sau tưởng tượng
ra. Này, những đóa cúc dại chúm chím khoe màu trong gió xuân; này
đàn lợn con xúm xít nhụi đầu vào lòng lợn mẹ; này, ba bạn nhỏ tung
tăng bước trên thảm cỏ xanh um...
Mười mấy năm nay, ngày nào Trinh cũng lủi thủi, một mình, đi đi,
về về, bạn thân chỉ là những tờ giấy A4, cùng những hộp bút vẽ,
bút màu. Nhưng tranh Trinh lúc nào cũng là hình ảnh của sum vầy,
đoàn tụ, của yêu thương... Tranh Trinh vẽ mỗi ngày, cái nào thấy không
ưng ý thì bỏ, tranh nào thấy đẹp thì được anh Nguyễn Đăng Tiên (chủ
quán Đá Vàng) đóng khung, bày trong quán. Trinh khoe, mới đây, được
các cô chú ở Đà Nẵng "lạ huơ lạ hoắc" về thăm, mua cho 3
bức tranh. Bố Trinh bị bệnh khớp, không lao động được, mẹ thì bán rau
ngoài chợ, gia đình túng quẫn, nên anh Trần Phước Ninh (1972), hàng
xóm của Trinh, lâu lâu mua cho Trinh thêm giấy bút. Trinh bập bẹ rằng,
"em mong tranh em được bán để cha mẹ em đỡ tiền mua giấy, bút
màu...".
Và cứ như thế, hình ảnh cô gái đầu đội mũ bảo hiểm, lững thững
đi đi về về với tập giấy, hộp bút trên tay đã quá quen thuộc với
người dân con xóm nhỏ bên bờ sông Thu. Một ngày, bạn ghé thăm Trinh,
nhìn Trinh vẽ những bức tranh như khám phá thiên nhiên, khám phá chính
mình, chút ngây thơ ấy, đôi khi, cũng là một chút thi vị trong cuộc
sống bề bộn này.
Mai Thành Dũng( Báo Công an TP Đà
Nẵng)