Nằm trong chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu
lấy trẻ em làm trọng tâm do tổ chức Cứu trợ trẻ em tài trợ, Sáng ngày 6/5, tại
âu thuyền Hồng Triều, xã Duy Nghĩa, Hội
chữ thập đỏ huyện Duy Xuyên phối hợp với xã Duy Nghĩa tổ chức cuộc diễn tập
phòng chống thiên tai năm 2015, với sự tham gia của trên 200 người gồm các lực
lượng công an, quân sự, y tế, hội chữ thập đỏ, đội thanh niên xung kích và
người dân tổ đoàn kết số 10 thôn Hồng Triều xã Duy Nghĩa.
Tình huống giả định là có một đợt áp tháp nhiệt đới
đang đổ bộ vào địa bàn tỉnh Quảng Nam, do ảnh hưởng của
áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh nên trong các ngày 4 và
5/5/2015 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa rất to, lượng mưa đo được lên
đến 600mm. Theo Công điện khẩn của Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, từ 5
giờ sáng ngày 5/5/2015, hồ Phú Ninh sẽ xả lũ với lưu lượng 1500 m3/s,
trước tình hình trên, ngay sau khi
nhận được thông báo, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão xã Duy Nghĩa họp khẩn cấp,
triển khai phương án đối phó, tổ chức sơ tán, di dời hơn 100 hộ dân đang sinh
sống ở khu vực tổ 10 thôn Hồng Triều cạnh Âu Thuyền Hồng có nguy cơ bị ngập lụt
đến nơi tránh lũ an toàn là trường tiểu học số 1 Duy Nghĩa. Trong thời điểm sơ
tán dân, có 1 trường hợp nhà sập làm 1 người gãy cẳng chân, 1 người bị
chảy máu đầu và gãy tay. Nhận được tin báo, Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa huy
động các lực lượng cứu hộ, đưa nạn nhân ra khỏi khu vực nguy hiểm và sơ cấp cứu
ban đầu. Cùng lúc đó nhận được tin báo của người dân có 1 trường hợp trong khi
rời tàu đánh cá để đi sơ tán bị đuối nước, lực lượng cứu hộ đã nhanh chóng đưa
thuyền phao cứu hộ kịp thời tổ chức cứu đuối và đưa nạn nhân lên bờ cấp cứu, hô
hấp nhân tạo, cứu sống nạn nhân an toàn.
Đánh giá rút kinh nghiệm diễn tập, Ông Lê Văn Năm –
chủ tịch Hội chữ thập đỏ huyện Duy Xuyên đánh giá cao công tác tổ chức và tiến
hành các bước của xã Duy Nghĩa. Các tình huống giả định trong diễn tập đều mang
tính thực tế cao, lực lượng tham gia diễn tập nghiêm túc, bảo đảm an toàn tuyệt
đối trong suốt quá trình diễn tập. Qua đó rút kinh nghiệm kịp thời bổ sung,
điều chỉnh phương án ứng phó với bão lụt, thiên tai tìm kiếm cứu nạn, khắc phục
hậu quả thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với tình hình thực tế
của địa phương; đặc biệt chú ý các tình huống sơ cấp cứu người bị nạn đúng kỹ
thuật và đảm bảo an toàn tính mạng người bị nạn
./.
Tuyết Mai