A+ A A-

Điểm tựa của người lao động

           Những năm qua, tổ chức công đoàn từ huyện đến cơ sở ở huyện Duy Xuyên tích cực chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công nhân viên chức, người lao động gắn với thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước.

          Công nhân của Công ty Hi-Teach Apparel (xã Duy Trung) được khám sức khỏe định kỳ. Ảnh: N.T

 

          Đảm bảo quyền lợi chính đáng

          Trong 5 năm qua, cùng với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tổ chức công đoàn trên địa bàn Duy Xuyên không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng.

          Đến cuối năm 2022, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện quản lý 15.034 công nhân viên chức và người lao động, tăng 18,7% so với năm 2017. Đáng ghi nhận, lực lượng lao động trẻ qua đào tạo nghề, chuyên môn kỹ thuật, tay nghề cao ngày càng tăng; việc tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất - kinh doanh, tác phong công nghiệp và tính kỷ luật có nhiều chuyển biến tích cực.

          Hiện nay, lương bình quân của người lao động trong các loại hình doanh nghiệp ở Duy Xuyên khoảng 5,5 - 6 triệu đồng/người/tháng, tăng 1,5 triệu đồng so với cách đây 5 năm.

          Chị Hồ Thị Thu Ly – công nhân Công ty Hi-Teach Apparel chia sẻ: “Tôi vào làm việc ở công ty đã hơn 3 năm, mọi quyền lợi của người lao động luôn được đảm bảo. Công ty đóng đầy đủ các loại hình bảo hiểm.

Đồng thời môi trường lao động được cải thiện, pháp luật lao động được thực hiện nghiêm túc, tạo được sự yên tâm cho người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Đặc biệt, khi tôi có thai thì được bố trí thời gian, công việc làm phù hợp hơn”.

          Theo ông Trần Phước Phương - Chủ tịch LĐLĐ huyện Duy Xuyên, thời gian qua các cấp công đoàn luôn chủ động đề xuất và tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp; nắm bắt kịp thời tình hình công nhân viên chức, lao động.

          Cạnh đó, thực hiện chương trình “Nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập thể giai đoạn 2018 - 2023”, LĐLĐ huyện xây dựng tiêu chí đánh giá, phân loại chất lượng; thông báo danh sách các bản thỏa ước lao động tập thể hết hạn, sắp hết hạn để hướng dẫn, chỉ đạo công đoàn cơ sở xây dựng nội dung, thương lượng và ký kết lại với những điều khoản có lợi hơn cho người lao động. Hiện toàn huyện có 16/18 công đoàn cơ sở doanh nghiệp ký thỏa ước lao động tập thể, đạt tỷ lệ 88,8% (tăng 4,6% so với năm 2017).

          “5 năm qua, LĐLĐ huyện Duy Xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng tư vấn, giải đáp hàng trăm lượt ý kiến của đoàn viên và người lao động về pháp luật lao động, tiền lương, tiền thưởng, kỷ luật lao động, chế độ thai sản, thời gian làm việc, tai nạn lao động.

          Ngoài ra, tham gia xây dựng thang, bảng lương và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, ngừng việc tập thể; đẩy mạnh việc tổ chức gặp mặt đối thoại với doanh nghiệp và người lao động về pháp luật lao động với nhiều hình thức như hòm thư góp ý, lấy ý kiến của người lao động về chế độ chính sách qua ca trưởng, chuyền trưởng, tổ trưởng công đoàn. Nhờ vậy, tình hình thực hiện pháp luật lao động trong các doanh nghiệp được cải thiện đáng kể” - ông Phương nhìn nhận.

          Tích cực chăm lo đời sống

          Cách đây 2 năm, chị Nguyễn Thị Hòa (thôn A Đông, xã Duy Hòa) được Công đoàn Công ty TNHH MTV Sedo Vinako hỗ trợ 40 triệu đồng và kêu gọi một số doanh nghiệp tài trợ gạch, cát, sạn, xi măng... để xây dựng ngôi nhà mới.

          “Nhiều năm liền, 3 mẹ con tôi sống trong căn nhà cũ kỹ, mưa dột gió lùa. Được sự tiếp sức từ phía công đoàn các cấp, nay tôi không còn lo lắng về chỗ ở, yên tâm lao động sản xuất” - chị Hòa chia sẻ.

          5 năm gần đây, LĐLĐ huyện Duy Xuyên hỗ trợ xây dựng 22 nhà “Mái ấm công đoàn” cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Ngoài ra, trong những dịp lễ tết, các cấp công đoàn đều đến thăm, động viên và tặng quà gia đình chính sách công đoàn, bà mẹ Việt Nam anh hùng nhận phụng dưỡng, tặng quà cho các em học sinh nhận đỡ đầu, hỗ trợ giúp đỡ hộ nghèo để vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ đoàn viên đau ốm, khó khăn, hoạn nạn.

          Ông Trần Phước Phương cho biết, từ năm 2018 đến nay, đơn vị hỗ trợ đoàn viên 13.380 suất quà, 5 tấn gạo, 56 chiếc xe đạp với tổng trị giá 4,5 tỷ đồng. Cạnh đó, hàng năm thông qua chương trình Tết sum vầy, LĐLĐ huyện trao tặng gần 700 suất quà, mỗi suất trị giá từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng.

Đặc biệt, dịch bệnh COVID-19 đã khiến đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn. Từ thực tế đó, nhiều công đoàn trong khối doanh nghiệp hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhân dịp lễ tết với số tiền khoảng 5 tỷ đồng.

          “Các cấp công đoàn trong huyện thường xuyên quan tâm đến đời sống tinh thần của công nhân viên chức, người lao động bằng việc tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao hấp dẫn như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, ngày hội Team Buiding, ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân.

              Trong đó, dấu ấn là Công đoàn Công ty TNHH MTV Sedo Vinako xây dựng một thư viện sách, mang đến một kho tàng tri thức, một người bạn đồng hành thân thiết, gần gũi với công nhân...” - ông Phương nói.

 MAI NHI – PHI THÀNH

 

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

18666250
Hôm nay
Hôm qua
3932
2944