Đi dọc miền Trung, du khách có thể dừng chân ngắm
nhìn bức tượng vũ nữ Chăm khắc trên đá ngàn năm rêu phong bên tháp cổ. Pho
tượng lặng im, nhưng vẫn “thức giấc” và bước ra thế giới đương đại, hóa thân
vào những vũ nữ Chăm mềm mại nhịp bước theo tiếng kèn Saranai.
Ở các ngôi làng của người Chăm, đến ngày lễ Bơn Ka tê, Ramưwan các thiếu nữ
lại uyển chuyển với những điệu múa lúc mượt mà dịu dàng, lúc rộn ràng tươi vui.
Thông qua các làn điệu múa, các cô gái thầm gởi lời ước nguyện của dân làng đến
trời, đất, thần Po Inư Nagar để cầu mong dân làng có cuộc sống no đủ, mùa màng
tốt tươi, được sống yên ổn và thờ phụng tổ tiên.
Điệu múa Chăm phổ biến nhất là múa quạt, múa đội lu, múa khăn, múa roi, múa
dao, múa đạp lửa. Khi múa đội lu, các thiếu nữ khoác chiếc áo màu vàng đậm và
uyển chuyển theo làn điệu nhưng vẫn giữ thăng bằng cho chiếc lu định vị trên
đầu. Đó là hình ảnh mô phỏng cô gái Chăm lấy nước bên bờ suối hay dâng nước lên
tháp. Còn người nhạc công biểu diễn những tư thế xoay người kèm theo tiếng kèn
réo rắt như tiếng nhạc rừng khắc khoải khi chiều tắt nắng vàng trên đỉnh núi có
các vị thần linh thiêng.
Giờ đây, không còn phải chờ đến ngày lễ của đồng bào Chăm, du khách có thể
được xem các điệu múa Chăm được biểu diễn hàng ngày tại Khu đền tháp Mỹ Sơn.
Sân khấu được dựng ngay bên cạnh con đường dẫn vào thung lũng đền tháp huyền bí
nên tạo ra những hiệu ứng khác biệt.
Dân tộc Chăm có 80 điệu múa ứng với 80 vị thần. Điệu múa Chăm phảng phất
bóng dáng của thần được chạm khắc trên đá. Thần sáng tạo ra muôn loài và vũ trụ
Brahma; Thần bảo dưỡng Vishnu; Thần hủy diệt Shiva; Thần chiến tranh Skanda,
thần hạnh phúc Ganesa…
Múa dân gian của đồng bào Chăm có các điệu múa tiêu biểu như: Chèo thuyền,
múa theo dáng chim, trĩ, trong đó múa âm dương là điệu múa đã thất truyền nhiều
phần. Tất cả tạo nên di sản văn hóa Chăm độc đáo.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, vũ điệu múa Chăm thường bắt nguồn từ những
động tác lao động, sinh hoạt thường ngày. Ban đầu, các điệu múa có làn điệu đơn
giản, chưa mang tính nghệ thuật cao. Về sau này, các thầy cúng muốn thông qua
các vũ điệu này để gửi lời nguyện cầu, ước vọng của người dân nơi trần thế đến
các vị thần linh và được gọi là múa tín ngưỡng dân gian. Các làn điệu về sau
càng được nâng lên và phát triển rực rỡ, trở thành di sản văn hóa quý báu không
thể thiếu trong cuộc sống của đồng bào dân tộc Chăm.
Trống Paranưng là nhạc cụ quan trọng của đồng bào Chăm. Trống được làm bằng
gỗ lim và dùng da của con dê đực già để bịt mặt trống. Da dê phải chọn loại dê
đã đẻ từ 7 lứa trở nên. Còn làm ra chiếc trống Ghi năng thì cũng khá công phu.
Phải tìm cho ra miếng da được xẻo từ vai con mang đực có lông màu đen. Hiện nay
các nghệ nhân người Chăm đã thay bằng da trâu.
Trên các đền đài cổ của đồng bào Chăm luôn có hình tượng người vũ nữ với
bầu ngực để trần, uốn người trong vũ điệumềm mại, đầu đội mũ kiểu kirata, khuôn
mặt thanh thoát và huyền bí. Đó là vũ nữ Ápsara. Bức tượng vũ nữ thần bí đó giờ
đây vẫn bước ra cuộc sống đời thường bằng điệu múa Ápsara. Trong các dịp tổ
chức lễ hội văn hóa của đồng bào dân tộc Chăm không thể thiếu điệu múa Ápsara.
Để thể hiện thành công điệu múa này, các vũ nữ phải có dáng người thon, ngón
tay dài và mềm mại. Nhưng đẹp nhất vẫn là ánh mắt. Ánh mắt hút người xem lạc về
thế giới của những đền tháp, pho tượng rêu phong, cùng với lời của bài hát:
“Ngàn năm trong kiếp đá Apsara, bàn tay người vũ nữ nét
thiên thần, trên môi cười điệu nghệ, hồn mở ra vóc dáng hình hài, phiêu lãng
đường trần mãi trông chờ...”.
Theo LÊ VĂN CHƯƠNG (báo Quảng Ngãi Online)