Tổng thể khu vực di tích Triền Tranh được khai quật.
Thêm nhiều phát hiện
Theo nghiên cứu sơ bộ của các nhà khảo cổ, di tích Triền Tranh có niên đại khoảng từ thế kỷ IX đến thế kỷ XII và có liên quan mật thiết với nhóm di tích Chămpa tại Duy Xuyên. Cụm quần thể di tích Chăm, trong đó, từ Thánh địa Mỹ Sơn đến Khu di tích Chiêm Sơn Tây, Kinh đô Simhapura (Trà Kiệu) tạo nên một nền văn minh Chămpa cổ. Tại Khu di tích Chiêm Sơn Tây, Triền Tranh có vị trí trung tâm. Cụm quần thể di tích Chăm tại Mỹ Sơn với trục liên kết từ dòng sông Thu Bồn nối đến cửa Đại Chiêm, là một trong những vùng đất nổi tiếng của vương quốc Chămpa xưa. PGS. Nguyễn Giang Hải - Viện trưởng Viện Khảo cổ Việt Nam nhận định: “Di tích Triền Tranh có thể từng làm nơi tập giảng, hàng năm, từ kinh đô Trà Kiệu, vua tụ tập giới tăng lữ về Triền Tranh để tập giảng kinh sách, luyện kinh thờ cúng và nghi lễ, trai giới trước khi đến làm lễ ở Thánh địa Mỹ Sơn và các khu đền tháp khác trong vùng...”.
Năm 2010, khi khảo sát để làm đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cơ quan chức năng đã phân định mốc di tích cách đường cao tốc hơn 70m để bảo vệ. Tuy nhiên, đến năm 2014, khi triển khai thi công, đơn vị thi công phát hiện còn nhiều phần của di tích nằm sâu dưới lòng đất, phía trên là mặt đường đi qua. Viện Khảo cổ học đã khai quật 2.000m2, còn 1.000m2 chưa khai quật nhưng đang tạm dừng. Theo quan sát tại hiện trường, thực tế khu di tích mới phát hiện này nằm cách 2 miệng hầm đường cao tốc khoảng 100m. Ở hai đầu di tích, các đơn vị thi công đã san lấp mặt bằng và tiến hành đào 2 đường hầm xuyên núi. Trong khu vực khoanh vùng khai quật, nhiều ô vuông được phát lộ, hiện vật thu được phần lớn là gạch, ngói. Tiến sĩ Lê Đình Phụng, Trưởng phòng Nghiên cứu khảo cổ học lịch sử (Viện Khảo cổ học), người giữ vai trò trưởng ban cố vấn khoa học trong quá trình khai quật di tích Triền Tranh, cho biết trong 2.000m2 vừa khai quật, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều thành phần kiến trúc gồm: một hệ thống tường bao phía sau dài khoảng 60m cùng ngói, gạch, thanh đá bậc cửa, đồ đất nung Chăm, gốm sứ Đại Việt thời Trần, gốm sứ nước ngoài (Trung Quốc, Islam). Đặc biệt, sự xuất lộ của kiến trúc chia ô nhỏ ở phía sau đền thờ chính, giúp hình dung về những ngôi nhà lợp ngói đã sụp đổ…
Ưu tiên công trình dân sinh?
Ông Hồ Xuân Tịnh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, phần lớn các di tích Chăm tại Quảng Nam nằm ở dạng phế tích, do đó, việc bảo tồn, trùng tu theo trường phái “trùng tu khảo cổ học”, chủ yếu bảo tồn nguyên trạng và gia cố chống sụt lở, tái định vị các thành phần bị dịch chuyển và phục hồi từng phần. Đối với di tích Triền Tranh nằm trong Khu di tích Chiêm Sơn Tây được phát lộ trong quá trình thi công đường cao tốc, trong quá trình chờ ý kiến từ Bộ VH-TT&DL, các nhà quản lý, khoa học đã đưa ra chủ trương bảo tồn bằng công nghệ 3D. Ông Hồ Xuân Tịnh cho rằng, nên ưu tiên cho công trình dân sinh, vì đường cao tốc là một công trình lớn của quốc gia, phục vụ nhu cầu của đông đảo người dân, nên khả năng di dời toàn bộ hiện vật của di tích thành một khu để bảo tồn. “Nơi nào đường cao tốc đi qua sẽ dùng phương pháp bảo tồn 3D. Dạng thức kết cấu và hệ thống chi tiết sẽ được các chuyên gia quay chụp lại theo không gian 3 chiều và được đưa vào máy lưu trữ. Trên thế giới nhiều nơi đã làm như vậy. Từng chi tiết cụ thể, từng kết cấu cụ thể sẽ được chụp hình, quay phim lại. Nơi nào đường cao tốc không đi qua thì sẽ bảo tồn tại chỗ” - ông Phan Văn Cẩm, Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam nói. Được biết, tùy vào mức độ quan trọng của di tích, các nhà khoa học sẽ đề xuất với nhà quản lý về phương án bảo tồn tối ưu. Trước đó, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh trả lời với báo chí, cho biết do di tích nằm sát với miệng hầm đường cao tốc, nếu nắn đường sẽ gây nguy hiểm cho giao thông nên tỉnh đề xuất với Bộ VH-TT&DL theo hướng di dời hiện vật di tích.
Ngày 27.4, Viện Khảo cổ, Sở VH-TT&DL, UBND huyện Duy Xuyên và Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã thống nhất một số phương án xử lý, khảo cổ di tích Triền Tranh để sớm trả lại mặt bằng thi công. Theo đó, VEC đồng ý để Viện Khảo cổ tiếp tục khai quật để bổ sung, củng cố hồ sơ, đồng thời dựng phim 3D về di tích này. Ngoài ra, sẽ cho làm nhà bao che phục vụ công tác trưng bày tại Bảo tàng Duy Xuyên. VEC đồng ý chi khoảng 9 tỷ đồng để phục vụ cho việc khai quật và di dời một phần hiện vật di tích vào bảo tàng. Viện Khảo cổ phải tăng cường nhân lực để đẩy nhanh tiến độ khai quật và bàn giao mặt bằng sớm. Các bên đi đến thống nhất phương án di dời hiện vật tại khu phế tích này. Theo đó, dự kiến công tác khai quật hoàn thành trước tháng 9.2015, sau đó sẽ phục dựng hình ảnh 3D và xây dựng nhà bao che phục vụ trưng bày tại Bảo tàng Duy Xuyên. Dự kiến tổng kinh phí cho công tác khai quật, bảo tồn khoảng 9 đến 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay Sở VH-TT&DL cho biết vẫn phải chờ quyết định từ Bộ VH-TT&DL.
SONG ANH