Hơn mười năm trước, Đội Văn nghệ dân gian Chăm Mỹ
Sơn ra đời với một mục đích rất khiêm tốn là tạo ra các màu sắc mới trong buổi
tham quan Khu di tích Mỹ Sơn cho du khách, đồng thời qua đó giới thiệu một mảng
nhỏ đời sống văn hoá, ca nhạc trong kho tàng văn hoá phi vật thể của dân tộc
Chăm.
Xác lập một nhu cầu:
Từ những ngày đầu với sân khấu là nền gạch, đạo cụ, âm thanh còn thô sơ,
tiếng kèn, điệu múa đã từng bước đi vào lòng khách. Những năm trước, cái khó
của Đội văn nghệ dân gian Chăm Mỹ Sơn nằm trong cái khó chung của Khu di tích,
thông tin liên lạc chập chờn, lúc có lúc không, Internet còn là cái gì rất xa
xỉ nên nếu có một sự cố nào đó khiến buổi diễn không thể thực hiện được, người
ta có thể thấy sự thất vọng trên khuôn mặt du khách và sự hụt hẫng của người
hướng dẫn viên đưa khách đến.
Khách đã đến Mỹ Sơn khi quay lại họ hỏi: “Ông cụ thổi kèn hôm nay có
không?”,“Hôm nay có múa Apsara chứ?”. Tiếng kèn, điệu múa dần dần đã trở thành
mặc định, là câu chuyện đường xa của du khách trên đường từ Mỹ Sơn về khách sạn
và là sự háo hức của du khách trên đường đến với Mỹ Sơn.
Âm thanh của tiếng trống Ghì
Nằng, tiếng kèn Saranai, hình ảnh của vũ khúc Apsara không còn ở trong phạm vi
một thung lũng, nó đã theo những chiếc máy quay phim, máy ảnh của du khách đi
khắp các chân trời.
Khách đã nói với nhau về Mỹ Sơn, về Đội văn nghệ, về diễn viên của Đội văn
nghệ ở Mỹ Sơn, khách muốn xem họ trình diễn trong lần họ tham quan Mỹ Sơn.
Sau mười năm Đội văn nghệ dân
gian Chăm Mỹ Sơn đã xác lập được một nhu cầu cho du khách. Họ cần có biểu diễn
văn nghệ khi họ đến Mỹ Sơn.
Mười năm, thời gian đủ dài để nhìn lại một chu kì hoạt động. Từ chương
trình ban đầu với những mục đích giới thiệu một phần đời sống văn hoá phi vật
thể của dân tộc Chăm mà kho tàng này rất là phong phú. Ý nghĩ thử nghiệm một
chương trình dày hơn, sâu hơn hình thành từ những bước tiến đầu tiên.
Một thể nghiệm mới:
Để bổ khuyết các mảng trống cần hoàn thiện để nhằm giới thiệu nhiều hơn về
văn hoá phi vật thể của dân tộc Chăm, được sự chỉ đạo và dàn dựng của nhà
nghiên cứu văn hoá, nghệ sĩ Hải Liên và biên đạo múa Đàng Năng Đức đến từ Đoàn
nghệ thuật Ninh Thuận, Đội văn nghệ dân gian Chăm Mỹ Sơn đã tiến hành tập luyện
và dàn dựng lại chương trình mới: Văn hoá âm nhạc trong các lễ hội truyền thống
của dân tộc Chăm. Chương trình này giúp người xem hiểu được một số nghi thức
trong đời sống văn hoá tâm linh qua diễn xướng có sự kết hợp với dân ca, dân
nhạc và lễ nhạc. Chương trình kết hợp yếu tố nguyên gốc của lễ nghi và phần
sáng tác của nghệ sĩ nên không tạo cho người xem cảm giác nặng nề. Sân
khấu trở nên sống động hơn với các điệu múa hội. Người nghệ sĩ muốn qua chương
trình này vừa giới thiệu văn hoá tâm linh vừa giới thiệu với du khách các điệu
múa, điệu dân ca Chăm được trình diễn trong các kì lễ hay các ngày hội làng.
“Chương trình bắt đầu luyện
tập từ tháng 2/2015 và dự kiến sẽ công diễn vào đầu tháng 6/2015. Hi vọng đây
sẽ là một chương trình đáp ứng được yêu cầu đa dạng của du khách, làm phong phú
hơn trong việc giới thiệu văn hoá phi vật thể của dân tộc Chăm”. Nghệ sĩ Hải
Liên cho biết.
Chương trình được chia thành hai trích đoạn. Trích đoạn thứ nhất, người
trình diễn sẽ đưa du khách về với một ngôi làng Chăm, ở đó có một gia đình đang
tiến hành lễ Pa YAk-Lễ cúng tạ ơn thần linh. Sau một năm làm ăn thông suốt, mọi
người đều khoẻ mạnh, con cái học hành thành đạt, họ có lễ vật dâng cúng vị
Vương thần mà họ kính ngưỡng. Nghi lễ này vừa tạ ơn vừa cầu xin cho năm sau với
những vụ mùa bội thu và mọi điều thuận lợi. Đây là lễ cúng riêng của các gia
đình, dòng tộc, được tiến hành sau lễ Ri Yà Nư Cành. Cùng với phần nghi lễ là
các điệu múa, các điệu nhạc lễ giúp người nghe có cảm giác thanh thoát, nhẹ
nhàng để mặc tâm thức trôi mênh mang theo dòng nhạc trong sự nhập vai đến vượt
ngưỡng của người tiến hành nghi thức.
Chương trình thứ hai đưa người xem đến một buổi lễ tôn giáo trong giới chức
sắc Bà la môn của cộng đồng người Chăm Bà la môn. Lễ phong chức Phó Cả Sư của
hàng giáo sĩ. Từ hình ảnh mỗi một vùng văn hoá lúa nước đều có một dòng sông
thiêng, dòng sông thiêng là dòng sông mà con người quần tụ dọc theo hai bên bờ
của nó, nó là mạch nguồn của sự sống, là khởi thuỷ của các yếu tố văn hoá, là
nơi con người soi lại mình, làm cho mình thanh sạch hơn. Qua con sông thiêng,
người giáo sĩ vốn đã giữ mình thanh sạch lại được thanh sạch hơn, qua con sông
thiêng giáo sĩ được về gần với khu đền tháp, ở đó thần linh đang ngự trị. Điệu
múa tượng tháp Siva với nền âm nạc dìu dặt làm cho buổi lễ vùa hiện thực vừa hư
ảo, người xem như lạc vào một không gian huyền bí mà hình ảnh của nó lại rất
quen thuộc mà hình như họ mới vừa ở đó ra đi.
Cuối buổi diễn có thể khách sẽ đứng dậy quay lại nhìn khu đền tháp Mỹ Sơn
lần nữa trước khi nói lời tạm biệt hay cố giữ một không gian thinh lặng để nghe
chính bước chân mình đang đi về phía tháp đền.
Lê Xuân Tiến