Trong hai ngày 27 và 28.9, tại Đà Nẵng,
Bảo tàng Điêu khắc Chăm phối hợp với Ban Quản lý Di tích và Du lịch Mỹ Sơn tổ
chức Hội nghị tổng kết giai đoạn I Dự án nghiên cứu trưng bày tại cộng đồng
“Viết tích văn hóa Chăm trong khu vực Quảng Nam, Đà Nẵng”.
Hội nghị đã tập trung làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến nét
văn hóa tín ngưỡng, phong tục, tập quán tại một số ngôi làng ở vùng đất dọc
sông Thu Bồn, Quảng Nam và một số ngôi làng tại Đà Nẵng. Vai trò ý nghĩa của
dòng sông Thu Bồn trong văn hóa vùng. Con đường giao thương buôn bán từ thời
xưa đến bây giờ. Những giá trị văn hóa phi vật thể được lưu giữ trong cộng đồng
địa phương gắn với Khu Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn...
Theo báo cáo đánh giá của Ban Quản lý Di tích và Du lịch Mỹ Sơn
thì đơn vị đã tiến hành thực hiện trên 10 cuộc điền dã đến các ngôi làng nằm
dọc lưu vực hai dòng sông Thu Bồn và Vu Gia cùng một số địa danh tại các huyện
Đại Lộc, Nông Sơn, Nam Giang thuộc tỉnh Quảng Nam; thu thập, sưu tầm nhiều hiện
vật, cùng nhiều câu chuyện kể, hò, vè, ca dao, hát lý… của 2 dân tộc Việt,
Cơtu. Một số hình ảnh về văn tế, sắc phong gắn liền với đời sống văn hóa tín
ngưỡng cộng đồng địa phương. Báo cáo cũng đề xuất một số kiến nghị cần thay đổi
trong thời gian tới. Kế hoạch công tác trong giai đoạn II dự án. Cũng như sự
phối hợp hiệu quả hơn giữa hai đơn vị, cơ quan.
Theo nội dung đề án, sẽ có nhiều kết quả mong đợi được mang lại từ
dự án như mang đến những thông điệp về văn hóa địa phương đến người dân qua
việc trưng bày tại cộng đồng nhằm góp phần nâng cao nhận thức trong bảo tồn văn
hóa truyền thống có nguy cơ bị mai mọt, củng cố xây dựng tư liệu phục vụ công
tác nghiên cứu văn hóa phi vật thể trong thời gian đến…
Dự án nghiên cứu trưng bày tại cộng đồng được tài trợ bởi tổ chức
Unesco cùng sự cố vấn của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, được thực hiện
trong 2 năm 2014 - 2015 tại một số Khu Di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam.
V.Khoa