Theo báo cáo của Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn, “đền tháp Mỹ Sơn ngày càng thấp và nhỏ lại do sự tác động, bào mòn của tự nhiên, sự xâm hại có ý thức và vô ý thức của con người”. Trong đó đáng lo ngại là nhiều nhóm đền tháp có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.
Nguy cơ sụp đổ
Tháp B3 ngày càng nghiêng lún.
Báo cáo hiện trạng hàng năm của Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn cho biết, trong số khoảng 50 đền tháp, phế tích hiện còn tại Mỹ Sơn phần lớn đã bị xuống cấp, hư hại. Ngoài các đền tháp tương đối ổn định về nền móng và tường gạch hoặc ít chịu sự tác động từ khách tham quan như B1, B9, C1, C4, C5, C6, D1, D2, D3, D5, D6, A8, A11, K… thì một số đền tháp còn lại luôn đối diện với nguy cơ sụp đổ, hư hại cao. Có thể liệt kê các tháp như B3, B4, B5, B6, C2, C3, C7, D4, E3, E6, E8, F1 và F2. Tuy nhiên, nghiêm trọng nhất phải kể đến 2 tháp B3 và F1, đây là những tháp có thể sụp đổ bất cứ lúc nào do tác động của thời gian và ảnh hưởng của nền địa chất yếu.
Tại tháp F1, qua hơn 10 năm được khai quật khảo cổ, từ một kiến trúc to lớn, đẹp đẽ thì hiện trạng còn lại không khác gì một đống gạch đổ hỗn độn được chằng chống, níu kéo bởi những trụ sắt kiên cố. Đáng lo ngại là hầu hết gạch của tháp đã bị bạc màu và rạn đứt mạch liên kết. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, một trong những điều kiện đảm bảo các đền tháp Chăm đứng vững với thời gian là sự cân bằng độ ẩm trong mọi điều kiện tự nhiên hay đúng hơn là yếu tố âm dương ở tháp phải được giữ quân bình, nhưng việc sử dụng mái che trong thời gian dài đã phá vỡ nguyên lý tự nhiên trên, dẫn đến độ ẩm mất cân đối do không thoát được hơi nước, cộng thêm mái che bằng tôn đã làm tăng độ nóng lên tháp, thúc đẩy quá trình chuyển hóa màu gạch cũng như làm bong tróc mạch kết nối các lớp tường gạch nhanh hơn.
Ông Huỳnh Tấn Lập – Phó Trưởng ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn cho rằng, việc tách rời giữa 2 quá trình khai quật khảo cổ và trùng tu F1 là một sai lầm cần được rút kinh nghiệm để tránh lặp lại trong tương lai. “Thay vì sau khi hoàn thành khảo cổ xong phải tiến hành trùng tu luôn nhưng với F1 thì điều này đã không xảy ra và hậu quả như thế nào thì bây giờ chúng ta đã thấy” - ông Lập nói. |
Không “mục ruỗng” như F1 nhưng tháp B3 lại đang tiềm ẩn nguy cơ sụp đổ khi mà độ nghiêng lún của thân tháp mỗi ngày càng nghiêm trọng. Qua kiểm tra cho thấy, hiện tại tháp đã nghiêng hơn 8 độ về phía tây nam. Ngoài ra, các vết rạn nứt trên tường cũng xuất hiện nhiều hơn, nhất là bên trong lòng kiến trúc. Cá biệt, có vết nứt kéo dài gần 6m và rộng 8 - 12cm, vài viên gạch tại vết nứt đã bị bong rơi rất nguy hiểm. Theo ông Nguyễn Công Khiết – Phó Trưởng ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn, ngoài những ảnh hưởng bởi bom đạn thời chiến tranh (mà hậu quả còn lại là hố sâu cách tháp khoảng 5m) thì nguyên nhân rạn nứt và nghiêng lún tháp B3 chủ yếu là ảnh hưởng của nền đất yếu và sự xâm thực từ dòng suối khe Thẻ tác động vào. Hiện tại, dòng suối đã ăn sâu vào gần đến chân tháp, có nơi chỉ còn cách tường bao khoảng 7m, gây nên hiện tượng ngấm nước làm ẩm mục chân tháp, nhất là vào mùa mưa lũ. “Việc nghiêng lún của tháp B3 dù rất chậm nhưng vẫn âm thầm xảy ra, nếu không có giải pháp kè chống, định vị cấp thiết về lâu dài sẽ khó đoán được điều gì” - ông Khiết cảnh báo.
Tu bổ: chờ lâu!
Có thể thấy, dù việc gia cố tu bổ các tháp B3, F1 là cấp thiết nhưng với vai trò, chức năng của Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn thì cũng chỉ giới hạn trong việc kiểm tra, khảo sát, theo dõi hiện trạng định kỳ hàng tháng hàng quý báo cáo, đề xuất với cơ quan chuyên môn cấp trên để nắm bắt, có giải pháp ưu tiên tu bổ chứ không thể đứng ra lập hồ sơ dự án hoặc tìm nguồn kinh phí trùng tu được. Điều này cũng đã được Chính phủ quy định rõ trong việc phân cấp công tác trùng tu di tích Mỹ Sơn cho Sở VH-TT&DL, còn huyện Duy Xuyên chỉ chịu trách nhiệm về xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ… Theo ông Nguyễn Công Khiết, trong khi chờ lập dự án trình Bộ VH-TT&DL phê duyệt triển khai, trước mắt cần tiến hành chống đỡ cấp thiết di tích, sau đó sẽ tiến hành xử lý nền địa tầng mới có thể hạn chế nghiêng lún tháp.
Thực tế, từ năm 1992 cố kiến trúc sư Kazik (Ba Lan) đã từng cho xây tường gia cố ở hướng tây bằng xi măng và kiềng tường tháp để cứu vãn B3 nhưng vẫn không ngăn được tháp nghiêng lún. Tiếp đó, năm 2006 các chuyên gia Nhật Bản cũng đã tiến hành khoan tầng địa chất tại khu vực tháp và phát hiện mạch nước ngầm từ suối khe Thẻ (nhánh phía tây) gây thấm và ảnh hưởng đến chân tháp B3. Đặc biệt, tháng 9.2013, Viện Khoa học công nghệ (Bộ Xây dựng) cũng tổ chức đào thám sát nghiên cứu tại cửa tháp B3, khoan thăm dò khảo sát tại các điểm B3, B5 và khe suối… để tìm phương án chống đỡ. Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Cẩm - Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam, đến nay vẫn chưa thấy thông tin phản hồi từ Viện Khoa học công nghệ. Ngoài ra, năm 2013, Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam cũng có văn bản tham mưu UBND tỉnh trình Bộ VH-TT&DL báo cáo hiện trạng B3 nhưng chưa thấy trả lời. “Năm 2015 coi như khó có thể làm được gì vì nguồn kinh phí tu bổ cấp thiết di tích đã được Bộ VH-TT&DL phân bổ xong nên phải chờ những năm tiếp theo” - ông Cẩm cho biết.
Ông Hồ Xuân Tịnh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, vấn đề hiện nay của B3 là chưa có hồ sơ và giải pháp khả thi. Nếu có hồ sơ phê duyệt thì Chính phủ phải đầu tư cấp thiết vì các công trình Mỹ Sơn đều nằm trong quy hoạch tổng thể của Chính phủ, trường hợp không có kinh phí thì tỉnh phải kiếm nguồn. “Trong giai đoạn trung hạn 2016 - 2020, sở đã đưa các nhóm tháp B, C, D vào danh mục những di tích cần bảo tồn cấp thiết. Riêng với B3, tôi nghĩ vấn đề cốt yếu là phải xử lý nền móng và tìm kiếm nguyên nhân chính của việc nghiêng lún, sau đó mới có giải pháp bảo tồn hiệu quả được” - ông Tịnh khẳng định.
Riêng với tháp F1, đến thời điểm này dự án trùng tu vẫn chưa thể thực hiện dù hồ sơ đã được trình Bộ VH-TT&DL từ năm 2012. Ngoài vướng do không có nguồn kinh phí thì việc triển khai hạ giải mái che, bóc dỡ các lớp gạch cũng không dễ dàng vì mạch liên kết của tháp quá yếu. Điều này cũng đồng nghĩa F1 sẽ phải tiếp tục chờ kinh phí và giải pháp mặc cho nguy cơ sụp đổ luôn hiện hữu hiện nay và trong những năm đến.
THÂN VĨNH LỘC