Qua hơn một năm triển khai, Làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn vẫn vắng
khách, cuộc sống người dân vùng di sản vẫn chưa được hưởng lợi so với kỳ vọng
ban đầu.
Ngày 14.3.2013, Làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn, Duy Phú chính thức
được khai trương đón khách, mở ra hy vọng mới về sự thay đổi cuộc sống những hộ
dân xung quanh vùng di sản Mỹ Sơn. Thời gian đầu, dù lượng khách đến không
nhiều nhưng thông qua việc sử dụng các dịch vụ tại chỗ như ăn uống, thuê xe,
tham quan… bước đầu tạo luồng sinh khí mới cho làng. Báo cáo từ Ban quản lý du
lịch cộng đồng Mỹ Sơn cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2014 chỉ có 23 khách đến
làng tham quan và trở về trong ngày, chủ yếu do Công ty CP du lịch Trà Kiệu (Đà
Nẵng) đưa đến, doanh thu khoảng 3 triệu đồng. “Ít khách quá nên bà con cũng không còn háo hức như trước nữa ” -
ông Võ Văn Xoa - Trưởng Ban quản lý Du lịch Cộng đồng Mỹ Sơn cho biết.
Thời gian qua, tổ hợp tác vẫn luôn duy trì các nhóm dịch vụ sẵn
sàng phục vụ khi có khách, nhưng do còn quá mới mẻ, nên lượng khách không
nhiều. Điều này khiến người dân không dám mở rộng đầu tư vì sợ khó thu hồi vốn,
dẫn đến sản phẩm du lịch nghèo nàn. Ngoài ra, do cách nhìn nhận không đúng của
cộng đồng về dự án nên sinh ra tư tưởng ỷ lại, ảnh hưởng đến việc lập kế hoạch,
xây dựng chất lượng dịch vụ... “Đơn cử
như nhà đón tiếp khách luôn gặp trở ngại vì phụ thuộc vào hội trường của tổ
đoàn kết thôn, trong khi mọi thông tin sơ đồ về làng đều nằm ở đây” - ông
Xoa dẫn chứng.
Để tạo nơi đón khách, ông Xoa phải bỏ ra hơn 50 triệu đồng để dựng
căn nhà tranh tre phía đầu làng vừa làm nơi buôn bán, vừa là chỗ đón tiếp khi
khách đến tham quan. Ngoài ra, công tác quảng bá yếu kém, chưa có website riêng
cũng như phụ thuộc hoàn toàn vào Công ty Cổ phần du lịch Trà Kiệu cũng là hạn
chế. Đặc biệt, do chưa có giấy phép nên hoạt động của làng cũng gặp khó khăn
khi đối tác cần quan hệ vì không đủ cơ sở pháp lý để giao dịch.
Ông Trần Trà - Giám đốc Công ty CP du lịch Trà Kiệu khẳng định,
việc đưa khách đến Làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn luôn gặp khó khăn do khách kén
chọn mô hình du lịch này; các dịch vụ tại chỗ chưa đủ sức hấp dẫn để giữ khách
lưu trú dài ngày. “Người dân cứ tưởng làm du lịch là có đông khách đến, nhưng
đâu biết để khách chấp nhận mô hình du lịch cộng đồng là một quá trình dài” -
ông Trà nói. Tuy nhiên, theo ông Xoa, Làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn muốn thành
công ngoài các yêu tố chuyên môn, dịch vụ cần có sự phối hợp hỗ trợ của nhiều
cấp ngành, địa phương trong việc đầu tư hạ tầng, xây dựng sản phẩm mới như mua
sắm xe đạp, xích lô, thành lập làng nghề làm gốm Chăm…
Những năm gần đây, thông qua sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như
ILO, UNESCO… mô hình du lịch cộng đồng trở thành hướng đi ưu tiên của nhiều địa
phương trên địa bản tỉnh nhằm tạo sự đa dạng điểm đến, cải thiện sinh kế người
dân. Tuy nhiên, đã đến lúc ngành du lịch cần có quy hoạch, định hướng để phát
triển mô hình du lịch cộng đồng hợp lý, tránh trình trạng phát triển ồ ạt mà
không tính tới hiệu quả thực tế cũng như đối tượng và thị trường khách sẽ sử
dụng dịch vụ này.
THÂN VĨNH LỘC