Được sự nhất trí cao của trung ương, của các ngành,
các cấp, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng lấy nguyên
mẫu mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ tại xã Điện Thắng Trung, huyện Điện
Bàn, tỉnh Quảng Nam làm biểu tượng cho gần 50 ngàn bà mẹ Việt Nam anh hùng của
cả nước. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, mẹ Thứ có chín
người con ruột, một cháu ngoại, một con rể đã cầm súng chiến đấu hy sinh cho
độc lập tự do của Tổ quốc.
Bản phối cảnh tổng
thể tượng đài Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng)
Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng làm bằng chất liệu
đá sa thạch, được Hội đồng Nghệ thuật chọn từ phác thảo của họa
sĩ Đinh Gia Thắng và kiến trúc sư Nguyễn Luận. Quần thể tượng
đài tọa lạc trên đỉnh núi Cấm, thôn Phú Thạch, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ,
tỉnh Quảng Nam, với tổng diện tích 150.000m².
Từ ý tưởng: “Mẹ là suối nguồn bao la vô tận, Mẹ là linh hồn của
Đất nước. Mẹ sinh ra từ mảnh đất anh hùng, sinh ra những người con anh hùng và
sẽ lại hoá thân vào đất, vào non nước Việt Nam. Mẹ sẽ sống mãi ngàn đời với các
thế hệ con cháu hôm nay và mai sau. Mẹ vẫn tiếp thêm nguồn sức sống mạnh mẽ cho
các thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam vững chắc,
giàu mạnh" tác giả
Đinh Gia Thắng đã xây dựng Tượng đài về Mẹ là trung tâm của quần thể ở vị trí
có cao độ là 15.0m (so với mực nước biển) với chiều cao của tượng là: 18.37m,
chiều rộng: theo đường thẳng: 84.7m, đường cong: 117m, bề dày khối tượng chỗ
lớn nhất là 24.3m, chỗ mỏng nhất ở 2 đầu vách đá là 8.0m.
Tám trụ biểu như là
Khối tượng đài chính gắn kết với một hồ nước lớn:
Khoảng 981m2 (có hình dáng hồ bán nguyệt). Toàn khối tượng đài có hình
dáng của một ngọn núi nhô cao ở giữa và thoải dần ở hai bên. Hai bên khối tượng
mẹ là hai vách đá được tạo hình giống như những khối đá tự nhiên kết nối liên
tục với nhau, nhưng được cách điệu khéo léo bằng những hình khối đa dạng, đa
chiều theo một nhịp điệu uyển chuyển nhưng khúc triết mạch lạc, với các cung
bậc của tiết tấu và giai điệu từ thấp đến cao, như một bản giao hưởng hùng
tráng, được biểu đạt bằng ngôn ngữ điêu khắc đá. Hai bên vách đá thể hiện gương
mặt những người con thấp thoáng theo phương pháp nghệ thuật gợi tả, chấm phá để
làm tôn vinh thêm hình tượng bà mẹ và gợi mở cho người xem nhiều suy tưởng sâu
sắc, đẹp đẽ về mẹ, về đất nước, về con người Việt Nam cả trong quá khứ, hiện
tại, tương lai. Hình tượng này cũng gợi cho ta hình ảnh hoành tráng về một đất
nước hoà bình thống nhất, các con cháu mọi miền Bắc- Trung- Nam sum vầy quanh
mẹ hiền Tổ quốc, luôn hướng về mẹ với tình cảm trìu mến, thương yêu nhất.
Sự kết hợp giữa tượng đài chính với hồ nước lớn, tạo
nên một hình ảnh hoà quyện của Sơn- Thủy. Những làn nước trong vắt chảy lặng lẽ
từ các vách đá xung quanh thân mẹ xuống các tầng hồ thể hiện sự hiến dâng âm
thầm của mẹ hiền đối với các con, đối với Tổ quốc. Tình cảm đó như bát nước đầy
không bao giờ vơi cạn.
Hai bên tượng đài là hai thảm hoa lớn với diện tích
600m2 được trang trí với nhiều hoạ tiết, với sắc thái của 54 dân tộc Việt
Nam, tượng trưng cho những cánh hoa của các con thuộc 54 dân tộc Việt Nam dâng
lên Mẹ.
Bên trong tượng đài là Bảo tàng Mẹ Việt Nam Anh hùng,
có tổng diện tích 950m2. Đây là nơi ghi danh gần 50 ngàn bà mẹ Việt Nam anh
hùng của cả nước và lưu giữ những ảnh tư liệu về những bà mẹ Việt Nam anh hùng,
hình ảnh về những người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu qua 2 cuộc kháng chiến chống
Pháp và chống Mỹ. Bên cạnh những hình ảnh tư liệu đó là hiện vật gắn liền với
đời sống, gắn liền với những câu chuyện, kỳ tích của những bà mẹ và những người
phụ nữ Việt Nam anh hùng. Hình ảnh của những người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu
cho 54 dân tộc Việt Nam được thể hiện qua các tác phẩm hội hoạ, phù điêu, ảnh
nghệ thuật.
Hệ thống không gian công viên tượng đài được tổ chức
theo hình thức không gian nghi lễ truyền thống: Có quảng trường - cổng - đường
dẫn chính - sân hành lễ - đài và hậu đài. Hai bên là các vườn, đường dẫn chính
có các bậc cấp cao dần từ cổng đến đài theo trình tự như sau:
-Tiếp cận công viên tượng đài " Mẹ Việt Nam anh
hùng " là một quảng trường tiền môn. Đây là nơi đón tiếp du khách trong
dịp lễ hội hay thường nhật đến thăm quan tìm hiểu về Mẹ anh hùng, có 30 ô thảm
cỏ tượng trưng cho 30 năm kháng chiến trường kỳ giành lại độc lập, tự do cho Tổ
quốc của nhân dân ta.
- Tiếp theo quảng trường là 8 trụ biểu chia làm hai
bên, mỗi trụ có chiều cao 9m, đường kính 1.65m, con số 8 ở đây theo quan niệm
của người phương Đông là con số biểu tượng cho sự phồn vinh, sự sung túc, sự
đoàn tụ tốt đẹp. Các trụ biểu này khắc chạm các huyền thoại về Mẹ anh
hùng, những hình ảnh về các bà mẹ Bắc Bộ, bà mẹ Trung Bộ, bà mẹ Nam Bộ, bà mẹ
Tây Nguyên. Huyền thoại về những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường
Trường Sơn. Đan xen với những biểu tượng đó là những chạm khắc huyền thoại về
suối nguồn, huyền thoại về lời ru của mẹ phảng phất câu dân ca Bắc bộ, điệu hò
Trung bộ, điệu lý Nam bộ cùng với những nét văn hoá đặc trưng của vùng miền.
-Phía sau Tám trụ biểu là hai hồ
lớn tượng trưng bằng hai thảm hoa với màu sắc đan xen tạo cảm giác nước chảy.
Hai hồ nước là nơi hội tụ của " suối nguồn " như muốn nói lên ý nghĩa
sâu nặng từ trong câu ca dao Việt Nam: "Cha mẹ thương con biển hồ
lai láng" .
- Tiếp theo là đường dẫn chính dài 200m, được phân
thành 4 đợt cấp với các bậc thang: Gồm 5+5+8+ 9 bậc, tạo sự tôn vinh khối Tượng
mẹ. Hai bên đường dẫn chính là 2 suối nước, cũng tượng trưng bằng thảm
hoa, được trồng đan xen màu sắc và cách điệu như nước chảy: Dài 150m, rộng
3.6m. Dòng nước trong xanh chảy mãi như " suối nguồn vô tận " . Dọc
theo suối nước hai bên đường dẫn chính là 30 ngọn đèn bằng đá, tượng trưng cho
30 năm mẹ đợi ngày đất nước hoà bình, thống nhất, 30 năm mẹ đón chờ các con
cháu Bắc - Trung - Nam về sum họp một nhà. Ở cao độ + 12,150m hai bên có hai
thác nước cao từ 2,4m đến 3m đổ xuống, tượng trưng bằng thảm hoa
đan xen màu sắc, tạo cảm giác như thác nước, khởi nguồn cho dòng nước động như
sức sống mãnh liệt của đất nước, của thế hệ con cháu luôn được mẹ tiếp thêm
nguồn sức mạnh vô biên.
- Hai bên đường dẫn chính là hai khu vườn truyền thống
và hiện đại :Thể hiện sự giao hoà giữa bản sắc văn hoá dân tộc với xu thế hiện
đại trong tương lai. Là sự hoà nhập tình cảm giữa thế hệ đi trước với thế hệ
trẻ hôm nay và mai sau. Ở các vườn hiện đại, chủ yếu là các thảm cỏ rộng, điểm
xuyết các cây trồng địa phương.
-Trên các thảm cỏ có các phiến đá trắng nổi lên, trên
các phiến đá có khắc các vần thơ hay về mẹ. Trước khi đến với tượng đài ta bắt gặp câu thơ " Con ơi
lòng mẹ như sông cả, chảy mãi nào ai lấp được nguồn" . Chắc sẽ cho ta cảm nhận sâu sắc hơn cái lớn lao vô hạn của tình mẫu
tử. Ngôn ngữ giúp tình cảm đi sâu hơn, trực tiếp hơn và lắng đọng hơn. Ngôn ngữ
giúp cho hình tượng tạo hình đến với lòng người sâu sắc hơn.
- Ở vườn truyền thống là
các dòng suối nhỏ, cây cảnh, cầu đá, bờ ao, các chòi nghỉ và các trường
lang. Các chòi nghỉ và trường lang vừa để che nắng, vừa để khuôn định
hình thức vuông, tròn của không gian vườn trong không gian tự nhiên và thoáng
mở. Một mai, khi có điều kiện, các trường lang sẽ là nơi trưng bày các tác phẩm
hội hoạ và phù điêu về Mẹ, như một ước định nữa về cái đẹp của Mẹ.
- Cuối đường dẫn chính là
quảng trường nghi lễ, nơi có thể tổ chức các lễ, các hội để tưởng nhớ và tôn
vinh Mẹ.
30 ngọn đèn bằng
đá, tượng trưng cho 30 năm mẹ đợi ngày đất nước hoà bình, thống nhất
- Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng
là trung tâm của tổ hợp không gian.
- Phía sau tượng đài là một vườn
đá. Những tảng đá lớn có khắc những bài thơ về mẹ như một vần kết về khúc tráng ca
Mẹ anh hùng. Hình tượng tạo hình, hình thức không gian kiến trúc và hình ảnh
cảnh quan được khép lại với ngôn ngữ thơ ca làm cho ta ngập trong một tổng hoà
nghệ thuật ngợi ca về Mẹ Việt Nam anh hùng. Lòng ai không
lắng đọng, buâng khuâng và da diết với một tình yêu Mẹ khi đã đến đây.
Thanh Bình