Liên hoan nghệ thuật tuồng - dân ca huyện Duy Xuyên năm 2020 vừa khép lại nhưng dư âm vẫn còn đọng mãi trong lòng mỗi người dân. Qua đây, tiếp tục khẳng định bộ môn nghệ thuật này luôn được bảo tồn, gìn giữ và phát huy trong đời sống cộng đồng.
Gìn giữ nghệ thuật truyền thống
Đến với liên hoan lần này, đơn vị xã Duy Phước trình diễn vở tuồng “Kim Liên tiễn mẹ” với sự tham gia diễn xuất của 4 diễn viên, trong đó có 3 thành viên trong gia đình nghệ nhân Lê Phú Hải.
Bà Hồ Thị Hoa - vợ ông Lê Phú Hải (thôn Hòa Bình, xã Duy Phước) chia sẻ: “Vợ chồng cùng đứa con gái là Lê Hồ Hoàng Yến tham gia diễn tuồng từ nhiều năm qua và trực tiếp mở các lớp truyền dạy bộ môn nghệ thuật này cho lớp trẻ có niềm đam mê. Chúng tôi mong muốn góp một phần nhỏ bé của mình vào việc gìn giữ, phát huy giá trị nghệ thuật hát tuồng. Và, tôi hy vọng, huyện Duy Xuyên tiếp tục duy trì việc tổ chức liên hoan cũng như tạo thêm sân chơi khác để góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho người dân”.
Còn đối với nghệ nhân Nguyễn Thanh Tùng (xã Duy Hải) - người được xem là “linh hồn” trong việc giữ “ngọn lửa” hát bả trạo cho hay, thời gian qua bản thân ông tự nghiên cứu sáng tác và biểu diễn nhiều làn điệu tuồng, chèo, bả trạo. Thông qua đó, mô phỏng quá trình sản xuất cam go trên biển, vật lộn với sóng gió giữa biển cả mênh mông để khai thác hải sản, góp phần khơi dậy tinh thần cần cù lao động, yêu biển, yêu cuộc sống.
“Đến với liên hoan lần này, tôi cùng 12 anh em trình diễn tác phẩm bả trạo “Liệt sĩ” thể hiện sự tri ân đối với những người đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương và góp phần khơi thêm “ngọn lửa” hát bả trạo, để loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này được lưu truyền cho các thế hệ mai sau” - ông Tùng nói.
Theo đánh giá của ban tổ chức, các vở diễn tham gia liên hoan đã thể hiện được tính trách nhiệm với xã hội thông qua nghệ thuật sân khấu đầy biểu cảm với chất liệu của thể loại tuồng và kịch dân ca. Ông Bùi Minh Diệu - Giám đốc Trung tâm VHTT-TTTH huyện Duy Xuyên cho biết, từng tiết mục biểu diễn đã thể hiện tính công phu, hoành tráng nên tạo sự hấp dẫn cho người xem. Các tiết mục thể hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng từ đề tài chính kịch, tâm lý xã hội, sinh hoạt đời thường đến anh hùng ca, bi kịch và hài kịch. Tất cả hình thức đó đều mang tính đổi mới, cách tân, tìm tòi, sáng tạo rõ rệt tạo ra nhiều vở, nhiều lớp, nhiều miếng trò, nhiều lớp sóng… gây ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Đồng thời cũng làm cho liên hoan năm nay mang sức sống hiện đại hơn và đậm đà bản sắc dân tộc.
“Nhiều đơn vị đầu tư dàn dựng công phu, tập luyện thuần thục, diễn xuất có hồn, toát lên tính cách nhân vật như tiết mục tuồng của đơn vị Duy Sơn với vở “Ngọn lửa Hồng Sơn”, trong đó diễn viên Cẩm Tiên trong vai Phương Cơ diễn xuất rất nhập vai, gây ấn tượng mạnh cho người xem hay diễn viên Hồ Hoàng Ánh toát lên tính cách Địch Mẫu… Nhiều đơn vị tham gia hát bài chòi có sự đầu tư hát diễn tốt, nâng tầm sân khấu hóa như Duy Tân” - ông Diệu nhìn nhận.
Ươm mầm tương lai
Anh Huỳnh Tấn Khánh - thành viên đội hát tuồng xã Duy Phước cho biết, năm nay bước sang tuổi 18 nhưng đã có hơn 3 năm tham gia biểu diễn loại hình nghệ thuật này. Lúc đầu, anh cảm thấy hát tuồng không dễ chút nào, nhất là trong từng động tác, cử chỉ, rồi hóa trang trên khuôn mặt. Nhưng để thể hiện được tính cách, tâm hồn của các nhân vật trên sân khấu, anh quyết tâm làm cho bằng được. “Càng tham gia, tôi càng cảm thấy yêu thích loại hình văn hóa này và tự hào là người trẻ tuổi được tham gia giữ gìn, lưu truyền nghệ thuật hát tuồng” - anh Khánh bày tỏ.
Còn đối với Lê Thị Như Hoài (18 tuổi, thôn Thu Bồn Tây, xã Duy Tân) - người hô cờ hiệu với chất giọng dân ca trong trẻo, mượt mà, đầy triển vọng cho hay, ngoài các giờ học trên lớp, bản thân luôn dành thời gian tập luyện ca hát và cảm thấy hạnh phúc khi được góp phần gìn giữ nghệ thuật truyền thống dân tộc.
Thật sự, những ai theo dõi tường tận liên hoan lần này đều có chung nhận xét là lực lượng diễn viên trẻ dự thi không những đông hơn các lần tổ chức trước đây mà chất lượng cũng nâng cao hơn hẳn. Rõ ràng, các địa phương tạo môi trường rèn luyện cho nghệ sĩ trẻ từ việc giao vai cho tới việc mời thầy giỏi về tập luyện, góp phần nâng cao trình độ để họ có thể tỏa sáng trên sân khấu.
Ông Bùi Minh Diệu - Giám đốc Trung tâm VHTT-TTTH huyện Duy Xuyên chia sẻ: “Để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật dân gian truyền thống vốn có của địa phương, ngành văn hóa cùng với các đơn vị liên quan luôn duy trì và tổ chức chương trình sân khấu học đường, các lớp tập huấn, tập hát, xây dựng các tổ, đội, câu lạc bộ tuồng, dân ca, sắc bùa, bả trạo… thu hút đông đảo người trẻ tuổi tham gia tập luyện, biểu diễn. Họ chính là hạt giống để ươm mầm, từng bước gắn bó và cống hiến cả cuộc đời với nghệ thuật tuồng - dân ca”.
Liên hoan nghệ thuật tuồng - dân ca huyện Duy Xuyên năm 2020 có sự tham dự của 13 đơn vị xã trên địa bàn, trừ thị trấn Nam Phước. Các tiết mục phản ánh khá phong phú mọi mặt đời sống xã hội, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, con người, chung tay xây dựng nông thôn mới và cả nỗi đau thương, mất mát do thiên tai gây ra, gắn với truyền thống đoàn kết, sẻ chia vượt qua khó khăn, thử thách của dân tộc ta như “lá lành đùm lá rách”. Kết quả chung cuộc, ban tổ chức trao giải Nhất toàn đoàn cho đơn vị xã Duy Sơn, 2 xã Duy Trung và Duy Trinh đoạt giải Nhì.
NHÃ PHƯƠNG - PHI THÀNH