Bên “vệ đường Nam tiến” của dân tộc Việt, lịch sử đã đóng một cột mốc 1471. Và trên hành trình mở cõi ấy, tiền nhân cũng ném ra nhiều viên đá dò đường. Vì thế, có những câu chuyện về “đêm trước” của danh xưng Quảng Nam cần được kể lại...
Dự án hợp tác trùng tu nhóm tháp G Mỹ Sơn từ năm 2004 đã phát lộ nhiều hiện vật quý, trong đó có các tai lửa khắc chữ “Trần”.
Tản mạn sính lễ và vật biếu tặng
Thoắt đã ngót 17 năm kể từ ngày các nhà khảo cổ phát hiện mẩu vật có khắc chữ “Trần” (Hán tự) ở đền G1 khu đền tháp Chăm Mỹ Sơn. Chữ “Trần” viết trên chuôi của hiện vật trang trí góc (tai lửa), được tìm thấy trong quá trình thực hiện dự án hợp tác trùng tu giữa Ý và Việt Nam hồi năm 2004. Cũng từ ngày đó, trong phòng chuyên đề Bảo tàng Mỹ Sơn bên ngoài Khe Thẻ, có thêm 2 hiện vật đất nung được trưng bày trang trọng...
Một chuyên viên bảo tồn của Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn cho hay, có nhận định rằng tai lửa khắc chữ “Trần” là vật hiến tặng xây đền tháp của họ Trần bên Trung Quốc, thời điểm họ có quan hệ với vương triều Chămpa, khoảng thế kỷ 12 - 13. Lại có nhận định đấy như một dấu hiệu để chỉ vị trí của kết cấu tai lửa ở trên cao. Tất nhiên, những cách giải thích này cần được kiểm tra lại.
Bảng giới thiệu về họa tiết và điểm nhấn trang trí ở khu vực trưng bày hiện vật cũng có đoạn: “Những dòng chữ ngắn được chạm khắc bằng tiếng Chăm bản địa và chữ tượng hình Trung Hoa lên các thanh mộng trần để chỉ ra vị trí sắp đặt theo các vị thần phương hướng (bắc, nam…). Một vài dòng chạm khắc cũng là biểu tượng được dâng hiến lên thế giới thần linh”. Liệu đây có phải là cách hiểu thứ 2 vừa đề cập?
Nhưng một số nhà nghiên cứu khác dường như đặt ra thêm một giả thuyết nữa: chữ “Trần” ngụ ý về nhà Trần của Đại Việt. Thời nhà Trần, năm 1306, Huyền Trân công chúa về làm dâu xứ Chăm và Đại Việt tiếp nhận sính lễ châu Ô, châu Lý.
Trong cuốn “Chuyện phiếm sử học”, cụm 3 bài về nhà Trần (Hành trình khởi phát của một anh hùng – Trần Quốc Tuấn; “Nhà ta – người miền dưới”; Ả Trần, Mai Kiện, Hồi Hột – phía khuất của sử-được-ký), nhà nghiên cứu Tạ Chí Đại Trường đã đưa ra dự đoán thú vị.
Ông viết rằng, mối đe dọa của nhà Nguyên bên Trung Quốc giai đoạn đó còn khiến hai nước Chàm – Việt phải giữ thế liên kết mà dấu hiệu rõ rệt là cuộc hôn nhân Huyền Trân – Chế Mân. Hai chốt gạch có chữ “Trần” tìm thấy ở Mỹ Sơn có thể là dấu hiệu một công trình xây cất công quả của Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông khi thăm Chiêm tìm liên kết (năm 1301).
“Ông đã đi với tính cách một hòa thượng – “vân du” nên hẳn có vật biếu tặng Chiêm, và “quốc danh” Trần từng chỉ có trên các đồng tiền của vua (Nguyên Phong, Thiệu Phong…) không thể được sử dụng bừa bãi, trên đất lạ cũng phải là chỉ dấu của “quốc gia”/vua” (Sđd, NXB Tri Thức 2016, trang 275 - 276).
Hai hiện vật trang trí góc (tai lửa) khắc chữ “Trần” được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ Sơn.
Không mạnh dạn đoán định như nhà nghiên cứu Tạ Chí Đại Trường, nhưng tác giả Hồ Trung Tú trong cuốn sách “Có 500 năm như thế” cũng bày tỏ cảm xúc đặc biệt. Phần phụ lục, bài “Từ một chữ Trần trong tháp G1 ở Mỹ Sơn”, ông “xâu chuỗi” sự hiện diện của chữ “Trần” mờ nhạt chôn lút trong thân tháp Chăm với hình ảnh ngỗng thần Hamsa tìm thấy trong hiện vật đất nung thuộc lớp văn hóa thời Lý - Trần trong các hố khảo cổ Thăng Long, để rồi dự đoán: Thì ra Việt Nam ta từng có một thời gắn bó với văn hóa phương Nam sâu sắc đậm đà hơn phương Bắc.
“…Cuộc hành trình nào của lịch sử để dấu vết phương Nam ở đầy trong lòng đất Thăng Long nhưng ở Mỹ Sơn chỉ có một chữ Trần mờ nhạt?” - tác giả Hồ Trung Tú đặt nghi vấn về một “sự hô ứng” nào đó của lịch sử để cả hai nơi - Thăng Long và Chiêm Thành cùng lên tiếng về một giai đoạn thân thiện, giao lưu về văn hóa.
Thật thú vị khi chỉ một chữ “Trần” thô mộc viết trên mẩu đất nung đã kích thích óc suy luận, phỏng đoán. Bởi hơn 100 năm kể từ khi các nhà nghiên cứu người Pháp phát hiện, khu đền tháp Mỹ Sơn thường chỉ được biết đến như một “khối văn hóa Chămpa thuần nhất” (chữ dùng của tác giả Hồ Trung Tú), không có bất cứ dấu vết ngoại lai nào, kể cả Việt và Trung Hoa. Để rồi bất ngờ phát hiện một chữ “Trần”, như một chứng nhân dấy lên nhiều nghi vấn…
“Đêm trước” bình Chiêm
“Đại Việt sử ký toàn thư” chép sự kiện năm 1471 có đoạn: “Tháng 6, lấy đất Chiêm Thành đặt làm thừa tuyên Quảng Nam và vệ Thăng Hoa”. Sách không nói rõ phạm vi, nhưng theo nhà sử học Phan Khoang (Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 - 1777), đạo thừa tuyên này thống lãnh 3 phủ (Thăng Hoa, Tư Nghĩa, Hoài Nhân) và danh từ “Quảng Nam” bắt đầu từ đấy.
Danh xưng Quảng Nam, dù chỉ xuất hiện kể từ niên hiệu Hồng Đức năm thứ 2 sau công cuộc bình Chiêm của vua Lê Thánh Tông, dù sau đó tên gọi khác nhau (từ đạo thừa tuyên sau đổi thành xứ, trấn, doanh/dinh), dù địa giới có “xê dịch”… nhưng tinh thần mở-rộng-về-phương-Nam của tiền nhân vốn dĩ định hình rất sớm và tiếp nối không ngừng.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, hành trình mở cõi khởi sự từ năm 1069 dưới thời nhà Lý (khi vua Chiêm dâng 3 châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính) và kết thúc vào năm 1757 dưới thời các chúa Nguyễn (khi vua Cao Miên cắt đất 5 phủ Vụng Thơm, Cần Bột, Châu Sân, Sài Mạt, Linh Quỳnh để tạ ơn). Tính ra, công cuộc ấy kéo dài ngót 7 thế kỷ.
Nhưng rồi, hiện vật có khắc chữ “Trần” và những câu chuyện xảy đến từ trước đó ngót 1,5 thế kỷ như một dấu mốc kỳ lạ trên dòng lịch sử mở-rộng-về-phương-Nam (Quảng Nam). Cuộc hôn nhân Chăm – Việt 1306 không bền chặt (chính sử đã chép) và chịu nhiều lời đàm tiếu (dân gian từng chê cười “Tiếc thay cây quế giữa rừng…”). Mặc dầu vậy, hành trình Nam tiến đã thấy ghi tên vùng đất kéo dài từ nam Quảng Trị đến bờ bắc Thu Bồn.
Thoạt xem có vẻ lạc lõng với cột mốc 1471 khi kể lại tình sử Huyền Trân nhân câu chuyện mở cõi về phương Nam. Không hẳn như vậy. Nhớ trong cuốn “Thấy Phật” của GS.Cao Huy Thuần, đoạn viết về chùa Từ Đàm và nhắc đến xứ Huế “nhỏ nhắn, hiền lành”, tác giả bất ngờ phóng bút: “…nhưng khi quật khởi thì cả cái đèo Hải Vân cũng chỉ là chiếc cầu rửa chân của một cô công chúa”. Tác giả không nói rõ “cô công chúa” ấy là ai, nhưng chúng tôi ngờ rằng ông đang nhắc đến Huyền Trân. Vòi vọi thế kia mà con đèo có danh xưng “thiên hạ đệ nhất hùng quan” cũng chỉ là một chốn nghỉ ngơi chốc lát trên cung đường Nam tiến, cũng chỉ là một nhịp cầu bình dị…, hỏi sao không hứng thú?
Nhà văn Sơn Nam từng ví, “Mỹ Sơn nhỏ bé mà cao vút trời và sâu lắng tận lòng đất”. Với sự trở lại của những mẩu đất nung trang trí góc tháp Chăm tưởng chừng vô tri giác, chúng tôi mạo muội viết nối thêm: Mỹ Sơn nhỏ bé mà cất giấu nhiều chứng nhân trong dòng thời gian bát ngát…
HỨA XUYÊN HUỲNH