Trong số 23 Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vừa được Bộ VH-TT&DL công bố, Quảng Nam có thêm 2 di sản gồm Lễ hội Bà Thu Bồn (xã Duy Tân, Duy Xuyên và xã Quế Trung, Nông Sơn) và Lễ hội Bà Phường Chào (xã Đại Cường, Đại Lộc).
Lễ rước trong Lễ hội Bà Thu Bồn. Ảnh: L.T.K
Đây là 2 lễ hội dân gian truyền thống có nguồn gốc từ lâu đời. Theo thông tin từ Sở VH-TT&DL, Lễ hội Bà Phường Chào và Lễ hội Bà Thu Bồn đều là tín ngưỡng thờ Mẫu, trong hành trình về phía Nam, người Việt ở vùng Bắc Bộ đã mang theo tín ngưỡng thờ Mẫu vào vùng đất mới được khai phá. Đến vùng từ đèo Ngang trở vào, tín ngưỡng thờ Mẫu đã giao thoa với sắc thái văn hóa Chămpa trong tục thờ nữ thần rất rõ nét và nổi tiếng là tín ngưỡng thờ Mẫu ở điện Hòn Chén (TP.Huế).
Ở Quảng Nam, xưa có kinh đô Trà Kiệu, khu đền tháp Mỹ Sơn, Phật viện Đồng Dương nên cũng ảnh hưởng nhiều sắc thái Chămpa. Cách khu đền tháp Mỹ Sơn không xa là lăng Bà Thu Bồn ở huyện Duy Xuyên và dinh thờ Bà ở Phường Rạnh (Nông Sơn), được các vua nhà Nguyễn sắc phong là “Thượng đẳng thần”; hoặc đến xã Bình Triều (Thăng Bình) có lăng Bà Chợ Được. Các nơi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu này hằng năm tổ chức lễ hội tưởng nhớ Bà vào mùa xuân với các nghi thức, nghi lễ rước sắc, rước nước, lễ đại tế và các hoạt động văn hóa mang tính truyền thống của cư dân bản địa.
Người dân tham dự Lễ hội Bà Thu Bồn tại Duy Xuyên. Ảnh: L.T.K
Lễ hội Bà Phường Chào được tổ chức 3 dịp: 25.2 âm lịch (lễ vía sanh), 19.11 âm lịch (Bà quy tiên), 10.1 âm lịch (Bà được triều đình phong sắc) thì dân làng tổ chức lễ tế Bà. Trong đó định lệ, mùng 10 tháng Giêng có hát bội để hát chầu cúng Bà. Phần lễ chính được tiến hành vào sáng 25.2 âm lịch. Theo như sự chuẩn bị và dặn dò từ trước, đúng vào sáng 25.2, mọi người dân trong làng đều tập trung đông đảo trước dinh Bà để tiến hành làm lễ. Không chỉ có người dân trong làng, còn có rất đông người dân của các vùng lân cận về dự lễ.
Lễ hội Bà Phường Chào không chỉ có phần lễ tế trang trọng và linh thiêng mà ở cả phần hội cũng được tổ chức với nhiều hình thức phong phú và đa dạng phù hợp với nhiều lứa tuổi, được mọi tầng lớp nhân dân trong làng nô nức đợi chờ và hưởng ứng các trò chơi, hoạt động thể thao, hô hát bài chòi, hát bội, thả hoa đăng và chương trình văn nghệ do chính làng tổ chức. Lễ hội Bà Thu Bồn diễn ra đồng thời tại xã Duy Tân, xã Quế Trung và được tổ chức từ ngày 11 đến 12.2 âm lịch hằng năm.
Lễ cúng tế tại Lăng mộ Bà Phường Chào. Ảnh: H.L
Sau lễ chánh tế, theo nghi lễ truyền thống của làng Thu Bồn, mọi hoạt động hội hè, vui chơi giải trí dân gian ở khu vực sân bãi xung quanh lăng Bà, trên bến dưới thuyền, đặc biệt là hội đua ghe truyền thống mới chính thức bắt đầu. Mọi người dân trong làng, khách thập phương nô nức đến dự lệ Bà đều khao khát được dự phần “lộc Bà” với bao khát vọng phồn thực: cầu mùa, cầu tài lộc, khang ninh cho mỗi cá nhân, gia đình cũng như cho cả cộng đồng.
XUÂN HIỀN