Lối dẫn vào
khu di tích cỏ cây mọc chằng chịt. Cánh cổng chính mở cửa đón du khách đã bị gỉ
sét. Bức tường cạnh cổng được lắp khung gạch hoa văn đã bị đục phá thành những
lỗ thủng khá to đủ để một người lớn chui vào.
Cổng phụ vẫn
có khóa nhưng chốt gắn vào trụ bêtông thì không còn. Khu vực di tích không có
người trông coi thường xuyên nên người dân ngang nhiên thả trâu bò vào ăn cỏ và
vô tình biến không gian di tích trở thành một nơi chăn thả trâu bò.
Khuôn viên
di tích rộng lớn nhưng phần mộ chôn cất Hiếu Chiêu hoàng hậu lại rất khiêm tốn.
Hương đèn, bình hoa, các vật dụng thờ cúng nằm lăn lóc khắp nơi.
Phần đế khu
lăng mộ bị sụp móng và trơ trọi những hòn đá. Khu di tích nằm cách xa khu dân
cư nên ngày càng vắng vẻ và hoang tàn.
Ông Lưu Công
Năm - phó chủ tịch UBND xã Duy Trinh, cho biết: “Nguồn
kinh phí của xã còn hạn chế nên không có điều kiện cử người thường xuyên trông
coi tại khu lăng mộ. Về khoản này, tỉnh, huyện cũng chưa có nguồn kinh phí để hỗ trợ. Do đó,
việc giữ gìn và bảo vệ khu di tích chủ yếu phụ thuộc vào ý thức của người dân”.
Lăng mộ Hiếu
Chiêu hoàng hậu Đoàn Quý Phi là lăng mộ cổ xưa nhất thời các chúa Nguyễn còn
lại trên đất Quảng Nam, được xây dựng vào khoảng thế kỷ 16, 17.
Lăng mộ
hoàng hậu Đoàn Quý Phi được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch công nhận là
di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào tháng 8-2011.
Mỹ Ánh( Báo Tuổi trẻ)