Khu di tích Chiêm Sơn Tây
thuộc xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, cách Kinh đô Trà Kiệu (Simhapura) khoảng
4km về hướng đông và Thánh địa Mỹ Sơn (Bhadresvara) khoảng 10km về hướng tây.
Di tích này nằm gọn trong lòng một thung lũng hẹp, ba hướng bao bọc bởi núi đá,
hướng bắc mở về sông Thu Bồn.
Từ cuối thập niên 1980, chúng tôi đã phát hiện ra di
tích này và đã thông tin tại Hội nghị Thông báo Khảo cổ học do Viện Khảo cổ học
tổ chức tại Hà Nội năm 1990 (1).
Chiêm Sơn Tây là tổng thể di tích lớn bao gồm nhiều phế
tích như Chùa Vua, Triền Tranh, Gò Lồi được dựng theo trục đông - tây. Vào cuối
thập niên 1980, nhân dân sở tại đã phát hiện trong thung lũng này nhiều tác
phẩm điêu khắc bằng sa thạch. Trong đó đáng lưu ý là một đài thờ vuông có chạm
bốn con voi, tìm thấy tại Triền Tranh, có kích thước: cao 76cm, rộng 75cm, dày
63cm (ảnh 3). Đài thờ này được các nhà lịch sử nghệ thuật xác định niên đại
khoảng thế kỷ 11 - 12 đồng thời với kiệt tác Vũ nữ Trà Kiệu (2).
Ở đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến một bức tượng thần
Siva bị gãy thành hai phần: (1) Phần dưới, được phát hiện từ thời Pháp thuộc
hiện được bảo quản tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm - Đà Nẵng, phần này chạm hình
con bò Nandin nằm trên một cái đế vuông và một phần chân trái của thần Siva đặt
trên lưng bò; (2) Phần trên, được phát hiện khoảng cuối thập niên 1980, tại
Chùa Vua trong thung lũng Chiêm Sơn Tây, trước kia nó thuộc sưu tập của linh
mục Nguyễn Trường Thăng, nay thuộc sưu tập của nhà thờ Trà Kiệu, phần này chạm
hình thần Siva có hai tay cầm pháp khí là một cái đinh ba và một cái chùy tựa
vào hai vai, khuôn mặt của Siva đã bị sứt vỡ. Phía sau hai phần tượng này đều
có văn khắc bằng tiếng Chăm cổ (ảnh 1 và 2). Tấm minh văn này đã được Arlo
Griffiths, một chuyên gia về cổ tự Đông Nam Á của Trường Viễn Đông Bác Cổ tại
Paris, dịch ra tiếng Anh, xuất bản năm 2012. Nội dung của cả hai phần tấm văn
khắc này (ký hiệu C.161 và C.215) cho biết nó được tạo dưới triều vua
Virabhadravarmadeva vào năm 1443/4 Công nguyên. Cho đến nay, đây là tấm văn
khắc Chàm có niên đại muộn nhất phát hiện được tại vùng Quảng Nam (3).
Theo Việt sử, từ năm 1402, vùng Quảng Nam được gọi là
đất Chiêm Động và Quảng Ngãi là đất Cổ Lũy đã bị nhà Hồ đánh chiếm và đưa người
Việt ở Nghệ An vào lập nghiệp. Đến khi nhà Minh viện cớ tiêu diệt nhà Hồ xâm
chiếm Đại Việt vào năm 1406 thì Chiêm Thành nhân cơ hội đó mà đánh chiếm lại
đất Chiêm Động, Cổ Lũy và tạo mối bang giao thân thiết với nhà Minh (4).
Theo văn khắc Chàm trong nửa đầu thế kỷ 15, chúng ta
biết được vào thời kỳ này vương quốc Chăm-pa được cai trị bởi vương triều
Virabhadravarmadeva. Vương triều này có hai vị vua, người đầu là Srivrsu
Visnujati Virabhadravarmadeva (Đệ Nhất); và người sau là Sridra Visnukirti
Virabhadravarmadeva (Đệ Nhị). Người đầu là con và người sau là cháu của đấng
tiên vương lừng lẫy Jayasimhavarmadeva. Có thể Virabhadravarmadeva (Đệ Nhất) là
người đã tái chiếm đất Chiêm Động và Cổ Lũy từ tay nhà Hồ (?), vì, một minh văn
của ông đã đề cập sự kiện này. Đó là bi ký Drang Lai (C.43; hiện bảo quản tại
Bảo tàng Điêu khắc Chăm - Đà Nẵng) tìm thấy tại Cheo Reo, nay là thị xã Ayun
Pa, tỉnh Gia Lai, khắc bằng tiếng Chăm cổ vào đầu thế kỷ 15, được lập bởi vu Virabhadravarmadeva (Đệ Nhất) là con và là người kế vị
của vua Jayasimhavarman, ông lên ngôi năm 1415, đóng đô tại Vijayapura (tỉnh
Bình Định ngày nay), nhiều lần giao tranh với Đại Việt và chiếm được nhiều
chiến lợi phẩm gồm một công chúa người Việt, nhiều nô lệ, gia súc, và các tài
sản quý giá khác… Vào năm 1435 ông cho dựng một pho tượng thần Kiratesvara
(Siva), vị thần đã bảo trợ ông tạo được mối liên kết chặt chẽ với những người
miền Thượng (5).
Trở lại với hai tấm văn khắc trên bức tượng Sivacarya
(Siva - đạo sư) có niên đại 1443/4 tìm thấy tại Chiêm Sơn Tây, trong đó, nội
dung của phần văn khắc thứ nhất (C.215) ở phần trên của tượng, nêu rõ gia phả
của vua Virabhadravarmadeva (Đệ Nhị), theo đó, ông được sinh ra trong dòng dõi
quý tộc tại Vijaya, là cháu của vua Jayasimhavamadeva, cháu của hoàng hậu
Paramesvari, cháu (kêu bằng cậu?) của Indravarmadeva. Ông là tín đồ thuần thành
của thần Siva, đã bảo vệ đạo pháp và cúng dường nhiều báu vật cho đạo pháp; còn
minh văn (C.161) ở phần dưới của bức tượng nhấn mạnh đến việc nhà vua cho dựng
các pho tượng thần Siva trong hình dạng một bậc đạo sư (Sivacarya) và thiết lập
nhiều cơ sở tôn giáo khác trong khắp lãnh thổ của ông; đồng thời đề cao vai trò
lãnh đạo của giai cấp võ sĩ quý tộc (ksatriyaja) trong tương lai. Ông cũng kêu
gọi thần dân bảo vệ đạo pháp và các cơ sở tôn giáo này (6).
Vương triều Virabhadra-varmadeva là một vương triều
hùng mạnh, vị vua đầu đã thống nhất các miền của vương quốc và tôn xưng là “vua
của các vua/rajadhirajas”. Vương triều này để lại nhiều bi ký được tìm thấy
trong khắp vương quốc từ phía Nam (Biên Hòa) trong vùng Thượng du (Ayun Pa, Gia
Lai) cho đến phía Bắc (Chiêm Sơn Tây, Quảng Nam) nhưng tập trung nhiều nhất là
ở kinh đô đương thời của vương quốc tại Vijayapura trong tỉnh Bình Định ngày
nay (7).
Bên cạnh số lượng lớn văn khắc, vương triều
Virabhadranarmadeva đã cho tạc nhiều pho tượng thần Siva trong hình dạng đạo sư
(Sivacarya) để cổ xúy tín ngưỡng Siva trong khắp vương quốc. Những pho tượng
Siva mang những yếu tố tiếu tượng học thống nhất. Đó là Siva trong tư thế ngồi
trên lưng bò thần Nandin, hai tay cầm pháp khí là đinh ba (trisula) và cái chùy
(gada) hoặc cầm một xâu chuỗi hạt (akmasala), mang đồ trang sức bằng kim loại
quý chạm trổ tinh vi và đeo một con rắn trên ngực. Những pho tượng Siva - đạo
sư này đã được tìm thấy tại Yang Mum/Ayun Pa (Gia Lai), Nhơn Hậu (Bình Định),
Chùa Vua/Chiêm Sơn Tây, Phú Hưng (Quảng Nam), Linh Thái (Thừa Thiên Huế) …
Tấm văn khắc Chiêm Sơn Tây là một chứng cứ lịch sử
quan trọng để tìm hiểu về giai đoạn xảy ra nhiều biến cố giữa Chăm-pa và Đại
Việt. Nó là bằng chứng cho thấy vùng đất Quảng Nam hay Chiêm Động trong nửa đầu
thế kỷ 15 là nơi đã gánh chịu nhiều xung đột vì đây là vùng đất chiến lược cho
nên cả Chăm-pa lẫn Đại Việt đều quyết tâm chiếm hữu.
Chúng ta chưa biết được gì về những hoạt động kinh tế
- xã hội của vương quốc Chăm pa/Chiêm Thành trong khoảng 27 năm, từ 1443/4 đến
1471, là năm vua Lê Thánh Tông thân chinh cử binh đánh chiếm lại đất Chiêm
Động. Sau khi chiến thắng Chiêm Thành nhà vua đã lập một thủ lĩnh người Chiêm
tên là Ba Thái cùng với một vị tướng người Việt là Đỗ Tử Quy cùng cai trị vùng
đất mới tái chiếm. Chức vị mới này trong sử ghi là “Đại Chiêm Đồng Tri
Châu” để chia sẻ quyền lực mà ổn định vùng đất giàu có này; và cũng là để
kế thừa hệ thống kinh tế của cư dân Chăm-pa, là những người đã kiến tạo một mô
hình kinh kế đặc thù thích nghi với địa hình đặc biệt của miền Trung Việt Nam,
trong đó nổi bật là “mạng lưới trao đổi hàng hóa miền ngược - miền xuôi” để kết
nối với hệ thống hải thương quốc tế trên biển Đông qua cảng - thị Đại Chiêm Hải
Khẩu (Hội An) (8).
Với số lượng phong phú tác phẩm điêu khắc và các di
tích đền - tháp tìm thấy tại thung lũng Chiêm Sơn Tây, thuộc nhiều giai đoạn
lịch sử từ thế kỷ 11/12 cho đến thế kỷ 15 (1471?), chúng ta có thể nhận thức
rằng thung lũng này là một vùng phế tích rất quan trọng ẩn chứa nhiều tư liệu
quý giá để tìm hiểu quá khứ sinh động của đất Quảng. Tấm văn khắc của vua
Virabhadravarmadeva (Đệ Nhị) là một chứng cứ để làm sáng tỏ thêm những tri thức
về cái mốc lớn của lịch sử Đại Việt, năm 1471, khi người Việt khởi đầu công
cuộc mở rộng bờ cõi về phương Nam cũng như góp phần tìm hiểu về sự hình thành
của cảng-thị sầm uất Hội An trong thế kỷ 16-17.
(1) Trần Kỳ Phương & Nguyễn Văn Phúc, 1991, “Những di
tích Chăm mới phát hiện tại thung lũng Chiêm Sơn Tây (Quảng Nam- Đà Nẵng)”.
Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 1990, tr 219-221, Nxb. Khoa học Xã hội,
Hà Nôi.
(2) Đài thờ bốn con voi hiện trưng bày tại Bảo tàng Sa
Huỳnh-Champa, Trà Kiệu. Đài thờ Vũ nữ Trà Kiệu hiện trưng bày tại Bảo tàng Điêu
khắc Chăm-Đà Nẵng.
(3) Griffiths, Arlo (và cộng sự), 2012, Văn khắc Chămpa tại Bảo tàng
Điêu khắc Chăm-Đà Nẵng, tr 241-243, Nxb. Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh.
(4) Phan Khoang, 1969, Việt Sử: Xứ Đàng Trong, 1558-1777, tr 88-92, Nxb.
Khai Trí, Sài Gòn.
(5) Griffiths, đã dẫn, tr 205-218.
(6) Griffiths, đã dẫn, tr 243.
(7) Griffiths, Arlo, 2014, ‘Epigraphical texts and sculptural stelae produced
under the Virabhadravarmadevas of fifteenth-century’ [Những văn khắc và bi ký
điêu khắc sản xuất dưới vương triều Virabhadravarmadevas của thế kỷ 15], Etudes
du Corpus des Inscriptions du Campa VI, EFEO, Paris.
(8) Lê Quý Đôn, 2007, Phủ Biên Tạp Lục, tr 52-53, Viện Sử học (biên tập), Nxb. Văn hóa-Thông tin, Hà Nội.
TRẦN KỲ PHƯƠNG