A+ A A-

Đưa di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn vào trường học: Gìn giữ cho đời sau

alt
Năm học 2013 - 2014 kết thúc, đánh dấu 10 năm ngành giáo dục huyện Duy Xuyên thực hiện chương trình “Đưa giáo dục Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn vào trường học”. Qua 10 năm, chương trình đã tạo “cú hích” mạnh mẽ, giúp các thế hệ hôm nay biết nâng niu, quý trọng di sản trên mảnh đất quê hương...
 Ông Lê Trung Thiêng - Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Duy Xuyên nhớ lại, năm 2003 Phòng GD-ĐT huyện được mời tham dự hội thảo với chủ đề “Đưa giáo dục di sản văn hóa thế giới vào nhà trường phổ thông”, do Ủy ban UNESCO Việt Nam phối hợp Bộ GD-ĐT tổ chức. Hội thảo gửi đi thông điệp “Tương lai của các di sản văn hóa và thiên nhiên - một phần tài sản vô giá không gì thay thế được của nhân loại - nằm trong tay thế hệ trẻ hôm nay và mai sau”... Ý tưởng về việc xây dựng chương trình “Đưa giáo dục Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn vào trường học” nảy sinh và dần được ngành giáo dục huyện thực hiện. “Trước tiên chúng tôi phối hợp với Ban quản lý Di tích và du lịch Mỹ Sơn tổ chức biên soạn, ban hành chương trình, tài liệu về giáo dục Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn trong nhà trường phổ thông. Tài liệu này cung cấp những kiến thức cơ bản, cô đọng nhất, để trên cơ sở đó giáo viên thiết kế giáo án và các phương án hoạt động giáo dục về di sản Mỹ Sơn phù hợp” - ông Thiêng kể.

Bộ tài liệu được biên soạn dựa trên những công trình của các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về Mỹ Sơn, đặc biệt là từ nguồn tư liệu “Di sản thế giới trong tay thế hệ trẻ” của Ủy ban UNESCO Việt Nam. Bộ tài liệu gồm 2 tập: “Giáo dục về Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn trong nhà trường”, “Thiết kế hoạt động dạy học, hoạt động tập thể trong chương trình giáo dục về Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn”; đối tượng hướng đến chủ yếu là học sinh bậc tiểu học và THCS. Tùy từng cấp học và môn học mà giáo viên có thể soạn giáo án phù hợp như, nguồn gốc ra đời của di sản; giá trị lịch sử văn hóa của di sản; giá trị nghệ thuật; giá trị du lịch và tiềm năng kinh tế của di sản; những kiến thức khoa học về môi trường bảo vệ di sản… Tất cả được lồng ghép trong các môn học Lịch sử, Tiếng Việt/Ngữ văn, Địa lý, nhằm giúp học sinh có cái nhìn đúng đắn và nhận thức được vẻ đẹp của giá trị di sản. Đồng thời trang bị những kỹ năng cần thiết về bảo vệ môi trường di sản, nhất là các kỹ năng sưu tầm tranh ảnh, mẫu vật về di sản; kỹ năng viết, vẽ, sáng tác, tuyên truyền giới thiệu di sản. Ông Thiêng cho biết: “Với bộ tài liệu trên, khi học xong chương trình THCS, học sinh sẽ có được sự hiểu biết tương đối cơ bản và chính xác về di sản cũng như đủ khả năng quảng bá, tuyên truyền giá trị di sản đến mọi người”.

Qua 10 năm thực hiện, chương trình đã được triển khai lồng ghép với tổng cộng 14.123 tiết ở khối tiểu học và 8.530 tiết trong khối THCS. Ngoài ra, các chương trình ngoại khóa cũng được tổ chức sôi nổi thu hút sự hưởng ứng của 36 trường tiểu học, THCS trên địa bàn huyện, với nhiều hoạt động như: hội thi, tuyên truyền dưới cờ; tham quan, tìm hiểu Mỹ Sơn… Nếu những năm đầu thực hiện, chỉ một số ít trường trên địa bàn các xã quanh khu di tích như Duy Phú, Duy Hòa, Duy Tân, Duy Thu hưởng ứng, thì trong 5 năm trở lại đây, hầu hết trường tiểu học, THCS thường xuyên tổ chức đưa học sinh đến Mỹ Sơn tham quan, vẽ tranh, nặn tượng, nghe hướng dẫn tìm hiểu giá trị của di tích...

Theo thầy Bùi Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Duy Phú (xã Duy Phú), đưa giáo dục di sản vào trường học là chương trình bổ ích, trang bị cho học sinh những kiến thức nhất định về di sản trên mảnh đất Duy Xuyên. Trong 10 năm qua, Trường Tiểu học Duy Phú là một trong số những trường thực hiện tốt chương trình này. Từ các nguồn tài liệu, nhà trường đã lập kế hoạch, lồng ghép nội dung giáo dục Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn vào một số tiết Giáo dục địa phương trong chương trình chính khóa (mỗi học kỳ bố trí từ 2 đến 3 tiết/lớp). Nội dung lồng ghép được thực hiện nhẹ nhàng, hiệu quả, giúp học sinh có những hiểu biết nhất định về Mỹ Sơn, thông qua đó có những việc làm góp phần gìn giữ và bảo vệ di sản. “Trường đã lồng ghép thực hiện hơn 850 tiết học về di sản. Ngoài ra, hằng năm còn tổ chức cho học sinh tham quan, kết hợp dọn vệ sinh khu đền tháp” - Hiệu trưởng Bùi Văn Dũng cho biết.

Ông Lê Trung Thiêng - Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Duy Xuyên khẳng định, thành công lớn nhất của chương trình là đã thay đổi nhận thức của giáo viên và học sinh về giá trị di sản Mỹ Sơn. Thông qua việc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu di sản, đã khơi gợi trong mỗi học sinh ý thức trách nhiệm về việc gìn giữ bảo tồn Mỹ Sơn cũng như hệ thống các di tích tại địa phương nói chung. Ông Thiêng nhấn mạnh: “Giáo dục di sản sẽ là một công việc thường xuyên và hữu ích giúp thế hệ trẻ trên địa bàn huyện trở thành chủ nhân đích thực, góp phần bảo vệ, phát huy giá trị lịch sử, nghệ thuật, quảng bá hình ảnh Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn đến với công chúng”.

Vĩnh Lộc( Báo Quảng Nam)

 

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19796377
Hôm nay
Hôm qua
498
10160