A+ A A-

Việc hàng ngày của những người không chuyên trách

alt
Thật khó mà gọi những người làm công tác truyền thanh ở cơ sở một chức danh rõ ràng. Nếu gọi là “cán bộ truyền thanh” thì cũng không đúng và nghe gượng gạo làm sao, còn gọi là công chức thì những người làm công tác truyền thanh không nằm trong diện chức danh công chức xã, phường theo qui định của Chính phủ.
Thôi thì xếp những người làm công tác truyền thanh ở cơ sở là những người không chuyên trách ở xã, phường. Không chuyên trách cho nên chế độ thì không ngạch bậc, không bảo hiểm xã hội, không bảo hiểm y tế, chỉ có phụ cấp hàng tháng với hệ số 1,3 mức lương tối thiểu. Chấm hết.

Những người không chuyên trách,(sau đây cho phép gọi là cán bộ truyền thanh cho tiện), nhưng công việc hàng ngày thường xuyên phải làm, những “ 4 trong 1”: phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên, kỹ thuật viên”, và cán bộ truyền thanh truyền thanh còn có thêm một việc nữa là “leo trụ viên”. Theo qui định, nhiệm vụ của đài truyền thanh cơ sở những 5 nhiệm vụ: Tiếp âm, tiếp sóng đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện; Sản xuất và phát sóng chương trình truyền thanh; Phối hợp, cộng tác tin, bài với Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện; Lưu trữ các chương trình truyền thanh tự sản xuất; Thực hiện các nhiệm vụ khác do UBND xã, thị trấn giao. Chừng đó nhiệm vụ thì biết bao nhiêu việc, mà hàng ngày những người không chuyên trách phụ trách truyền thanh phải làm. Trực máy, tiếp âm, phát đài; xuống thôn, dự hội họp ở xã để nắm tư liệu viết tin, bài; lên vỏ chương trình; tự trình bày và tự thu, phát chương trình. Công đoạn từ A đến Z sản xuất một chương trình địa phương đều do những người không chuyên trách “ tự biên, tự diễn”. Không những thế, mà còn phải lắng nghe tiếng loa, dán mắt vào từng dao động của cây kim máy phát sóng, máy tăng âm, nếu có trục trặc, sự cố xảy ra thì người vận hành máy phải tức thời thắt dây an toàn, cấp tốc leo trụ xử lý loa, dây chập chạm.

alt
Huyện Duy Xuyên hiện tồn tại hai hệ thống truyền thanh: hữu tuyến và vô tuyến. Hệ thống hữu tuyến với 130 Km dây dẫn, 18 máy tăng âm, tổng công suất hơn 17.000W. Hệ thống vô tuyến với 160 cụm loa không dây với 450 loa công cộng. 11 máy phát sóng FM và cụm loa không dây được cài đặt số ( điều khiển từ xa) rất thuận tiện cho việc vận hành, xử lý toàn bộ hệ thống. Mười ba trạm truyền thanh: Duy Hải, Duy Nghĩa, Duy Vinh, Duy Phước, Duy Thành, Thị trấn Nam Phước, Duy Trung, Duy Sơn, Duy Trinh, Duy Tân, Duy Châu, Duy Thu và Duy Phú được trang bị vi tính có cài đặt phần mềm thu, phát chương trình, nâng cao chất lượng thu, phát chương trình và nâng cao kỹ năng tác nghiệp cho cán bộ truyền thanh. Các trạm truyền thanh còn được trang bị đường truyền Internet thuận lợi cho việc khai thác mạng phục vụ cho công tác tuyên truyền và cộng tác tin bài với đài cấp trên.

Từ ngày đất nước thống nhất đến nay, hệ thống truyền thanh ở Duy Xuyên đã góp phần quan trọng đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước, địa phương và thông báo về công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở đến với đông đảo người dân; góp phần trang bị thêm kiến thức, nâng cao dân trí, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi công cuộc bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước.

Đồng hành với quá trình thăng trầm của hệ thống truyền thanh ở cơ sở là những người ngày đêm miệt mài gắn bó. Ở Duy Xuyên, những người làm truyền thanh từ thời phong trào hợp tác hóa nông nghiệp vào những năm 1977, 1978 “ nặng nợ” cho đến như bây giờ phải kể đến: Đinh Linh (Duy Phú); Hà Hòa( Duy Trinh); Nguyễn Tùng và Trương Thị Thanh( Duy Trung); Nguyễn Văn Bổn( Thị trấn Nam Phước); Trần Liêm( Duy Thành). Hơn một nửa cán bộ truyền thanh ở Duy Xuyên hiện nay đã có thâm niên hai thập niên. Anh Hà Hòa(Đài truyền thanh Duy Trinh) năm nay 58 tuổi, 38 năm trong nghề tâm sự: “ Xin nghỉ thì lãnh đạo địa phương không cho, vì không có ai thay thế. Các bạn trẻ thì không mặn mà chi với truyền thanh, với chế độ phụ cấp ba đồng ba cọc, khó xử thiệt, bỏ thì thương mà vương thì nợ”.

Những người không chuyên trách mà phải làm công việc đặc thù, sớm, trưa, chiều, tối phải trực máy mở đài. Lúc người khác nghỉ ngơi, vui chơi thì “cán bộ” truyền thanh phải đi làm. Lễ tết, hội hè thì thiên hạ vui chơi náo nhiệt, còn “cán bộ” truyền thanh phải thi hành “công vụ”. Chưa hết, thiên tai bão lụt là lúc truyền thanh phải trực để thông tin về bão lũ, chuyển tải sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương cho nhân dân biết để phòng, tránh giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Ở Duy Xuyên có 14 xã, thị trấn thì trong đó có đến 9 xã, thị trấn nằm ở vùng thấp lụt, phòng máy truyền thanh đặt ở gác hai, khi xảy ra lũ lụt thì “cán bộ” truyền thanh chủ động “bốn tại chỗ”, độc lập tác chiến. Cán bộ truyền thanh một số nơi còn kiêm nhiệm nhiều việc: phó bí thư đoàn xã; phó bí thư chi bộ thôn; dân quân thường trực; cộng tác viên dân số; trang trí băng cờ khẩu hiệu mỗi khi có lễ lạt…v…v..

Việc thường ngày của những người không chuyên trách phụ trách truyền thanh cơ sở là như vậy đó. Nỗi niềm của những người làm truyền thanh chắc chắn các cấp, các ngành, nhiều người thấu hiểu, nhưng mà có sớm được chia sẻ?!. Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định 1649 phê duyệt Đề án Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống đài truyền thanh cơ sở đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Trong đó đề ra mục tiêu đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam: 100% số đài truyền thanh có tối thiểu 1 cán bộ phụ trách nội dung và kỹ thuật. 100% số đài có tối thiểu 1 cán bộ phụ trách nội dung và kỹ thuật. 100% cán bộ làm việc tại đài truyền thanh cơ sở được đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ. Với những giải pháp khả dĩ: Xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách đảm bảo ổn định cho hoạt động của đài và cho đội ngũ cán bộ công tác tại đài truyền thanh cơ sở: Xây dựng các quy định về quản lý hệ thống đài truyền thanh cơ sở; Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chế kỹ thuật phục vụ công tác quản lý, đặc biệt là truyền thanh không dây nhằm nâng cao chất lượng truyền thanh, chất lượng hoạt động tại các đài truyền thanh cơ sở;Xây dựng và hoàn thiện tổ chức bộ máy của các đài truyền thanh cơ sở theo chức năng và nhiệm vụ được giao. Đào tạo tin học cho cán bộ đài truyền thanh cơ sở.

Những người không chuyên trách phụ trách truyền thanh ở xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn hy vọng một ngày nào đó, rất gần, họ sẽ có một chức danh hẳn hoi; có chế độ, chính sách thỏa đáng để hàng ngày tiếng loa truyền thanh vẫn vang vang khắp đường thôn nẻo xóm đến tận vùng sâu, vùng xa.

Hoàng Thơ

 

 

 

 

 

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19823027
Hôm nay
Hôm qua
5589
12811