A+ A A-

Xây dựng nông thôn mới ở Duy Xuyên: Gấp rút vào chặng mới

       Sau khi 4 xã điểm gồm Duy Hòa, Duy Trinh, Duy Sơn, Duy Phước đã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) thì huyện Duy Xuyên tiếp tục chọn các xã khác là Duy Châu, Duy Trung, Duy Thành, Duy Vinh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia này trong giai đoạn 2015-2018. Dù đối diện với không ít thách thức nhưng những thành quả đã đạt được đang tạo tiền đề rất lớn để các địa phương cán đích đúng hẹn.

       Phát huy thế mạnh

     Với 200ha đất màu nằm dọc bãi bồi ven sông Thu Bồn, xã Duy Châu có nhiều tiềm năng phát triển ngành trồng trọt theo hướng hàng hóa. Thực tế cho thấy, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc kéo điện ra các cánh đồng, nông dân nơi đây mạnh dạn luân canh, xen canh, gối vụ nhiều loại cây trồng cạn nên bình quân mỗi năm 1ha đất mang lại nguồn thu nhập 100 - 150 triệu đồng. Cùng với trồng trọt, Duy Châu cũng tập trung phát triển mạnh lĩnh vực chăn nuôi. Hiện nay, tổng đàn gia súc trên địa bàn xã khoảng 2.000 con, trong đó đàn bò chiếm gần 80%, chủ yếu là bò lai. Đặc biệt, mô hình trồng cỏ nuôi bò ở thôn Lệ Bắc thời gian qua luôn cho hiệu quả kinh tế cao với mức lãi ròng hàng năm 20 - 40 triệu đồng/hộ và được nhiều địa phương bạn đến học hỏi kinh nghiệm.

    Nhiều địa phương đang nỗ lực hình thành vùng chuyên canh cây trồng cạn tập trung. Ảnh: V.S 

Nhiều địa phương đang nỗ lực hình thành vùng chuyên canh cây trồng cạn tập trung. Ảnh: V.S     

     Ông Nguyễn Tám – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, mấy năm gần đây sản xuất nông nghiệp ở Duy Châu chuyển biến mạnh mẽ cả về chất và lượng, nhiều mô hình phát triển kinh tế ra đời, tạo điều kiện giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững, đóng góp không nhỏ vào tiến trình xây dựng NTM. “Qua thống kê, hiện giờ thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 27 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5,4%. Hệ thống điện, đường, trường, trạm cơ bản khang trang. Môi trường nông thôn ngày càng xanh, sạch, đẹp. Đây là tiền đề quan trọng để Duy Châu về đích NTM vào cuối năm 2018, trước 2 năm so với lộ trình ban đầu đặt ra” - ông Tám nói.

      Trong khi đó, xã Duy Trung thì lại chú trọng phát triển mạnh ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp. Ông Nguyễn Năm – Chủ tịch UBND xã cho biết, thời gian qua chính quyền địa phương luôn quan tâm đến công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn gắn với đảm bảo an ninh trật tự. Bởi, trên địa bàn hiện có 2 cụm công nghiệp lớn là Tây An và Gò Dỗi, thu hút 17 doanh nghiệp đến đầu tư, hợp tác phát triển sản xuất, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động trong và ngoài xã với mức thu nhập bình quân 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp cũng hoạt động ổn định, chủ yếu là mộc, cơ khí, mây tre đan. Dự kiến, năm 2015 này giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của Duy Trung đạt khoảng 90 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 46,3% trong cơ cấu toàn ngành kinh tế, tăng gấp 4 lần so với năm 2011.

     Đầu tư hạ tầng

     Không còn ổ voi, ổ gà, không còn lo sợ bờ sông khoét sâu vào nhà là những điều chúng tôi cảm nhận được ở thôn Vĩnh Nam (xã Duy Vinh) khi tuyến đê biển kết hợp giao thông nông thôn từ ngã ba Miếu Đỏ đến giáp cầu bara Duy Thành vừa thi công xong. Công trình có chiều dài 700m, rộng 5m với tổng vốn đầu tư hơn 15 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách nhà nước. Ông Nguyễn Sáu - Chủ tịch UBND xã Duy Vinh chia sẻ: “Tuyến đê này hình thành sẽ giúp địa phương ngăn nước mặn xâm nhập đồng ruộng. Đồng thời việc giao lưu, buôn bán, vận chuyển hàng hóa tại các xã vùng đông đến những địa phương lân cận cũng thuận lợi hơn, tạo động lực lớn cho việc phát triển kinh tế - xã hội”. Theo ông Sáu, ngoài công trình đó thì 5 năm qua bằng nhiều nguồn vốn huy động Duy Vinh cũng đã đầu tư gần 100 tỷ đồng xây dựng đường giao thông, hệ thống thủy lợi, chợ, trường học. Còn tại xã Duy Thành, nhờ thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền nên nhân dân tích cực hưởng ứng việc xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Từ năm 2011 đến nay, địa phương đã huy động hơn 20 tỷ đồng để bê tông hóa 16km đường giao thông, kênh mương nội đồng cùng nhiều công trình thiết yếu khác. Trong đó, nhân dân đóng góp 4 tỷ đồng và hiến 1.700m2 đất ở.

        Những ngày này, nhân dân thôn Cẩm An (xã Duy Trung) có thêm niềm vui mới khi vừa xây dựng hoàn thành nhà sinh hoạt cộng đồng. Công trình có diện tích 1.000m2, bao gồm hội trường, tường rào, cổng ngõ. Tổng giá trị đầu tư gần 200 triệu đồng, trong đó người dân đóng góp 50 triệu đồng, công lao động cùng sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, bà con xa quê. Không chỉ vậy, trong 5 năm qua, từ nguồn kinh phí do cấp trên hỗ trợ, xã Duy Trung đã đầu tư gần 8 tỷ đồng nâng cấp, xây mới nhà sinh hoạt văn hóa ở 6 thôn khác trên địa bàn. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng cơ sở vật chất trường lớp khang trang, sạch sẽ và thi công mới trạm y tế xã gồm 11 phòng chức năng cùng các hạng mục phụ trợ nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trong vùng, hạn chế tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên.

      Còn nhiều trở lực

     Bây giờ, diện mạo nông thôn ở xã Duy Trung đã khởi sắc, đời sống người dân cũng được nâng cao. Tuy nhiên, để cán đích vào cuối năm 2018, địa phương đang vấp phải nhiều khó khăn. Theo lãnh đạo xã, tiêu chí trường học hiện đã đạt so với quy định nhưng chưa mang tính bền vững. Bởi, 6 điểm trường mẫu giáo đang tiến hành sáp nhập lại còn 3. Vậy nhưng, do thiếu kinh phí nên việc nâng cấp, mở rộng các điểm trường mới sáp nhập sẽ không thể triển khai cùng lúc nhiều hạng mục mà phải chia ra nhiều giai đoạn đầu tư. Ngoài ra, đối với Duy Trung thì tiêu chí thu nhập và nhất là môi trường rất khó đạt. Theo tìm hiểu, nhu cầu sử dụng nguồn nước sạch đang trở thành vấn đề bức thiết đối với người dân nơi đây, vì hầu hết nước dùng cho sinh hoạt đều từ các giếng khoan, giếng đào bị nhiễm phèn nặng.

       Ông Lê Trung Xuân – Chủ tịch UBND xã Duy Thành cho biết, đến cuối tháng 10.2015 toàn xã có 60 trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc với quy mô mỗi mô hình từ 50 con trở lên. Thời gian qua, ngành chăn nuôi phát triển mạnh khiến môi trường khu dân cư bị ô nhiễm nặng nề. Cạnh đó, việc thực hiện đề án thu gom rác thải trong nhân dân chưa mang lại kết quả như mong đợi, bởi vẫn còn một số hộ dân chây ì trong việc nộp phí rác thải. Trong khi đó, tại 2 xã Duy Vinh và Duy Châu, hầu hết tiêu chí chưa đạt đều cần nguồn kinh phí rất lớn, nhất là giao thông, thủy lợi. Để giải quyết khó khăn trên, mỗi xã cần tìm ra các giải pháp mang tính đột phá, phù hợp với điều kiện thực tế ở từng nơi. Ông Nguyễn Năm – Chủ tịch UBND xã Duy Trung cho biết, địa phương vạch ra lộ trình cụ thể thực hiện từng tiêu chí theo phương châm dễ làm trước, khó làm sau. Đặc biệt, linh hoạt lồng ghép các nguồn vốn và phát huy tối đa nội lực để thực hiện các tiêu chí chưa đạt, củng cố và nâng tầm những tiêu chí đã đạt.

      Theo đánh giá, đến nay xã Duy Châu và Duy Thành cùng hoàn thành 11 tiêu chí, Duy Trung 12 tiêu chí, Duy Vinh 14 tiêu chí, các tiêu chí còn lại đạt hơn 50%. Những năm qua, 4 xã này đã đầu tư hơn 175 tỷ đồng cho chương trình xây dựng NTM, trong đó nhân dân đóng góp khoảng 10 tỷ đồng. Theo kế hoạch, năm 2016 các địa phương vừa nêu tập trung huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa và phấn đấu hoàn thành toàn bộ 19 tiêu chí vào cuối năm 2018.

HOÀI NHI

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19807582
Hôm nay
Hôm qua
2955
8748