Thành quả đạt được sau 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đem lại nhiều gam màu sáng cho các vùng quê đất Quảng. Tuy nhiên, để việc xây dựng NTM phát triển có tính bền vững thì cần nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt.
Tỷ lệ hộ nghèo cao
Giá cả nông sản bấp bênh khiến nhiều nơi lo ngại tiêu chí về thu nhập không bền vững. Ảnh: HOÀI NHI
Giờ đây, đi khắp vùng quê của xứ Quảng, đâu cũng nhận ra nét đổi thay từ những ngôi nhà, con đường, trường học…, thành quả này có được chủ yếu nhờ vào chương trình xây dựng NTM. Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số địa phương vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thiện và giữ vững 19 tiêu chí đã đạt. Năm 2011, xã Quế Trung được huyện Nông Sơn chọn làm mô hình điểm tổ chức lễ phát động xây dựng NTM. Theo lộ trình, cuối năm 2015 địa phương này sẽ về đích nhưng đến nay mới chỉ thực hiện hoàn thành 12 tiêu chí. Theo lãnh đạo địa phương, khó khăn lớn nhất là tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn quá cao với 46,6% và thu nhập bình quân đầu người hiện chỉ đạt hơn 12 triệu đồng/năm.
Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua Nhà nước đã quan tâm đầu tư nguồn kinh phí không nhỏ để xây dựng kết cấu hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng và thực hiện những khâu quan trọng khác nhằm góp phần giúp người dân nông thôn phát triển mạnh trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Tuy nhiên, hiện có không ít mô hình hiệu quả còn quá khiêm tốn, chưa đáp ứng được sự kỳ vọng trong vấn đề xóa đói giảm nghèo. Vì thế, muốn cải thiện đời sống nhân dân, giảm nghèo nhanh và bền vững thì cần sớm có những chủ trương, chính sách, cơ chế thông thoáng để tạo “bệ đỡ” cho người dân và đưa ra các giải pháp mang tính đồng bộ, phù hợp với từng vùng miền. Trong đó, nhất thiết phải chú trọng đến việc chọn lọc, xây dựng và nhân rộng các mô hình có giá trị kinh tế cao nhằm tạo bước chuyển trong tư duy sản xuất.
Chưa bền vững
Hầu hết xã được chọn làm mô hình điểm hoàn thành chương trình xây dựng NTM trong năm 2014 - 2015 ở khu vực đồng bằng đều đã về đích, nhưng cái khó ở đây là làm thế nào để giữ vững và nâng tầm các tiêu chí đã đạt được. Ông Lê Đào – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Phước (Duy Xuyên) nói: “Vấn đề đáng lo nhất là thị trường luôn biến động, điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa cứ liên tục lặp lại khiến nhà nông gặp khó khăn. Điều này đồng nghĩa với việc xã rất khó giữ vững tiêu chí về thu nhập. Đặc biệt, tiêu chí về văn hóa lại càng khó đảm bảo hơn, bởi địa phương có dân số đông, địa bàn rộng đến 8 thôn, chỉ cần tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vượt quá mức cho phép hoặc bị rơi vào điểm liệt do án hình sự xảy ra trên địa bàn là mất ngay”. Cùng quan điểm, ông Hà Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Quang (thị xã Điện Bàn) cho rằng, việc đạt được tiêu chí văn hóa đã khó song giữ vững lại càng khó hơn. “Vấn đề này vẫn phụ thuộc vào nhận thức của người dân, nhất là việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Cạnh đó, tiêu chí về an ninh trật tự cũng bất an. Ví như trên địa bàn xã xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây rối trật tự xã hội hay buôn bán, tàng trữ trái phép chất ma túy là mất tiêu chí này” - ông Minh chia sẻ.
Nhiều ý kiến cho rằng để hoàn thành và giữ vững danh hiệu NTM đòi hỏi các địa phương phải chú trọng công tác quy hoạch, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để phát huy tối đa mọi nguồn lực to lớn trong nhân dân. Mặt khác, phải có cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và nguyện vọng chính đáng của người dân. Thực hiện đúng phương châm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, “Dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra”. Đồng thời biết phát huy nguồn lực tại chỗ, linh hoạt lồng ghép các chương trình, dự án, lấy nhóm kinh tế làm đòn bẩy nhằm tạo đà cho các tiêu chí khác phát triển bền vững…
HOÀI NHI