Những năm gần đây, mô hình trồng cỏ nuôi bò thâm canh đã giúp nhiều hộ dân ở xã Duy Châu (huyện Duy Xuyên) vươn lên thoát nghèo bền vững.
Mấy ngày qua, gia đình ông Phan Quáng ở thôn Lệ Bắc, xã Duy Châu tập trung cải tạo 2 sào đất màu để tiến hành gieo trồng bắp. Khác với những vụ trước, mùa này bắp được trồng không phải chờ thu hoạch trái mà dùng làm thức ăn cho đàn bò. Bên cạnh đó, ông Quáng cũng triển khai trồng thêm 3 sào cỏ sả, nâng tổng diện tích chuyên canh loại cỏ nguyên liệu này lên 8 sào. Nghỉ tay trong chốc lát, ông Quáng cho biết, thời điểm năm 2000 ông đã bắt tay vào việc làm chuồng và tìm mua 2 con bò nái sinh sản có chất lượng tốt về nuôi. Thấy hiệu quả kinh tế mang lại khá cao nên ông tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại, tăng số lượng thả nuôi và đến nay đã phát triển đàn bò lên 7 con. “Tôi vừa nuôi bò sinh sản, bò thịt và bò phối giống. Cứ sau 1 hoặc 2 năm là xuất bán, rồi đi mua lại thả nuôi. Quay vòng như vậy, bình quân mỗi năm tôi kiếm hơn 70 triệu đồng. Riêng đợt vừa rồi, tôi bán 3 con bò lai, thu về 120 triệu đồng. Có được thành công này, đơn giản là tôi cung cấp vừa đủ cỏ, vừa đủ chất dinh dưỡng để đàn bò tăng trọng nhanh, sinh sản đều. Đồng thời đặc biệt chú ý đến khâu tiêm phòng vắc xin, vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng nhằm hạn chế các loại dịch bệnh nguy hiểm bùng phát” – ông Quáng chia sẻ.
Chăn nuôi bò thâm canh giúp nhiều hộ dân ở xã Duy Châu nhanh chóng làm giàu. Ảnh: T.N
Không riêng ông Quáng, nhiều hộ dân khác ở Lệ Bắc cũng có đời sống khá giả nhờ chăn nuôi bò thâm canh. Ông Nguyễn Phê - Trưởng ban Dân chính thôn Lệ Bắc cho biết, toàn thôn hiện có 256 hộ dân với 1.226 nhân khẩu, đại bộ phận người dân sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, ngoài việc phát huy thế mạnh về điều kiện thổ nhưỡng, xây dựng các vùng chuyên canh cây trồng cạn mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhân dân nơi đây cũng tập trung đầu tư phát triển mạnh mô hình trồng cỏ nuôi bò. Theo ông Phê, tính đến đầu tháng 12.2015, tổng đàn bò của thôn khoảng gần 600 con, trong đó bò lai chiếm 97%. Nhằm đảm bảo chủ động cung cấp nguồn thức ăn cho số lượng bò này, thời gian qua người dân địa phương đã tiến hành cải tạo đất để trồng ít nhất 40ha cỏ voi nguyên liệu. Ông Phê nói: “Nhờ mô hình trồng cỏ nuôi bò thâm canh mà nhiều hộ dân có tiền đầu tư xây dựng nhà cửa kiên cố, nuôi con cái học hành. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn chỉ còn 3,1%, giảm 8,8% so với năm 2013. Hơn 97% gia đình có nhà ở kiên cố, 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia và có phương tiện nghe nhìn”.
Từ thành công của mô hình trồng cỏ nuôi bò ở thôn Lệ Bắc, những năm qua chính quyền xã Duy Châu đã tập trung hỗ trợ nhân rộng ra 7 thôn còn lại trên địa bàn. Trao đổi với chúng tôi, bà Văn Thị Thời – Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, mấy năm gần đây, đơn vị thường xuyên phối hợp với ngành liên quan tổ chức các khóa tập huấn về phòng chống dịch bệnh và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hội viên được vay những kênh vốn ưu đãi để đầu tư phát triển mạnh lĩnh vực chăn nuôi bò. Đồng thời chú trọng thực hiện việc chuyển giao các tiến bộ của khoa học kỹ thuật nhằm giúp người dân nâng cao hiệu quả chăn nuôi, nhất là chất lượng con giống, trồng cỏ nguyên liệu. Theo bà Thời, hiện giờ tổng đàn bò của Duy Châu hơn 1.400 con, trong đó giống bò lai sind chiếm tỷ lệ hơn 90%. Qua kết quả thống kê mới nhất, tính đến đầu tháng 12.2015 này toàn xã có 170 mô hình chăn nuôi bò với quy mô mỗi mô hình từ 5 con trở lên. Bình quân hàng năm, 1 mô hình cho mức thu nhập khoảng 35 - 65 triệu đồng. Bà Thời nói: “Duy Châu xác định phát triển chăn nuôi bò theo phương thức hàng hóa, an toàn dịch bệnh là hướng đi chủ lực, mở ra cơ hội cho nhà nông vươn lên thoát nghèo và làm giàu một cách bền vững. Có thể khẳng định, cũng nhờ tập trung phát triển mạnh mô hình chăn nuôi bò thâm canh mà đến cuối năm 2015 thu nhập bình quân đầu người ở địa phương đạt gần 27 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm xuống còn 5,4%. Đây được xem là tiền đề quan trọng để Duy Châu cán đích nông thôn mới vào năm 2018, trước 2 năm so với lộ trình ban đầu vạch ra”.
THÀNH NHI