A+ A A-

Vạn Buồng không còn buồn!

       Mùa mưa bão năm nay, hình ảnh người dân xóm Vạn Buồng (thôn Phú Bông, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) ngồi trên chiếc đò mong manh hay đơn độc lội qua sông sâu, nước siết, đánh cược mạng sống của mình cho “Hà bá” đã được thay bằng một chiếc cầu kiên cố. Niềm vui của lão nông Nguyễn Tráng (85 tuổi), người có công đầu trong việc vận động nguồn kinh phí xây cầu để hiện thực ước mơ cháy bỏng của bà con quê mình suốt nhiều năm, giờ đã thành hiện thực.

 

  Bản thiết kế ban đầu của cây cầu được ông Tráng giữ gìn cẩn thận. Ảnh: Hữu Long     

  Quá khứ… nghèo

        Đêm trước ngày 24.8.2012, người dân xóm Vạn Buồng không ngủ. Càng về khuya, đi đâu cũng nghe tiếng cười nói rôm rả của những người lớn tuổi bên ấm chè nóng, mọi chuyện hầu như xoay quanh cây cầu mới xây. Không vui sao được, ngày mai dân Vạn Buồng được khoác một diện mạo khác hẳn, vứt bỏ cái tên đượm buồn “xóm ốc đảo”, “xóm biệt lập” của một thời gian khó để vươn lên thoát nghèo và con đường đến trường của lũ trẻ không còn chông gai trắc trở.

        Câu chuyện về những cây cầu thô sơ trước đây được bà Nguyễn Thị Vấn (80 tuổi) vẫn nhớ như in. Miệng móm mém nhai trầu đỏ hoe, thỉnh thoảng bà lại têm thêm vài miếng trầu cánh phượng cho khách, quá khứ ùa về với bà Vấn: Cái tên xóm Vạn Buồng chẳng biết có từ bao giờ, chỉ nghe ngày xưa khi chưa có cầu, người dân di chuyển bằng đò qua sông và phía dưới sông mỗi ngày hàng vạn chiếc thuyền ra vào tấp nập trao đổi, mua bán hàng hóa. Nơi bến sông, những cô thiếu nữ tuổi đôi mươi ngày ngày ươm tơ dệt lụa. Đất phù sa, mát mẻ nên nghề chăn tằm phát triển, dọc bờ sông ngày đó những buồng tằm được người dân làm kéo dài khuất tầm mắt.

     Người đàn bà hiền hậu giải thích cái tên xóm cũng rất giản dị và hợp lý: “Trên bờ là những buồng tằm, dưới sông hàng vạn tàu thuyền qua lại có lẽ vì thế khách phương xa đến gọi làng với cái tên xóm Vạn Buồng, lâu ngày thành quen.

    Những con đò nối kết đôi bờ sông dần dà không đáp ứng được nhu cầu đi lại của bà con khi mùa nước lũ dâng cao dữ dội. Nghe đâu khi ông Nguyễn Tráng lúc còn thanh niên trai tráng, đi nhiều hiểu nhiều. Về quê hương, thương tình cảnh bà con vất vả chuyện qua sông. Ông vận động, gom góp tiền của khắp nơi rồi cũng “dựng tạm” một chiếc cầu sắt để... bước ra với thiên hạ. Niềm vui chưa đầy gang tay, mùa bão đầu tiên. Cầu sắt bị nước lũ cuốn phăng một phần, dân chưa biết chuyện, đêm hôm trời mưa gió đì đùng, kẻ gian dùng thuyền, bè lẻn đến cầu, “nhặt” toàn bộ số sắt còn lại đem bán phế liệu.

      Làm cầu tre chẳng tốn nguồn kinh phí lớn, xóm Vạn Buồng có hàng chục km đường bờ sông được che chắn bởi những bụi tre già thì cái đáng suy nghĩ lại là khả năng “trụ vững” của cầu tre sau khi cầu sắt đã bị bão đánh tan nát. Ngày cầu tre hoàn thành, trẻ em trong xóm tung tăng đến trường đâu được mấy tháng mùa hè oi ả. Mùa mưa, cầu gẫy đôi, cha mẹ đành gác chuyện đồng áng, chân lội bùn đen cõng con đến trường ngày bốn lượt.

      Năm 2002, ông Tráng lặn lội đến một số tỉnh, nhìn thấy hình ảnh cây cầu phao tiện lợi. Đem những điều “mắt thấy tai nghe” về quê kể lại, bà con xóm nghèo ai cũng ủng hộ ý kiến “phải làm cầu phao để không còn người chết oan uổng vì lội qua sông đuối nước.” Mãi đến mùa bão năm 2006, cầu phao rồi cũng bị trôi trong ánh mắt bất lực của ông Tráng.

      Công trình thế kỷ

     Cuối năm 2011, khi bước qua tuổi 81, nhưng ông Tráng vẫn luôn đau đáu ước mong xây dựng một cây cầu kiên cố lâu dài nơi thôn quê. Niềm tin càng được thắp lên nhờ sự động viên, hưởng ứng từ bà con xóm Vạn Buồng, các đóng góp của nhiều kiều bào ở nước ngoài và một phần lớn nguồn kinh phí đóng góp của Ban liên lạc Hội đồng hương xóm Vạn Buồng tại TP.Hồ Chí Minh để xây cầu.

     “Khỏi phải nói, cầu được xây xong, bà con vui như thế nào. Buổi sáng ngày khánh thành cầu, tui nhìn xe ô tô chạy bon bon trên cầu mà thấy bao nhiều công sức của mình và dân làng thật không uổng phí ” – ông Tráng nhớ lại. Thời gian xây dựng cây cầu bắt đầu từ tháng 2.2012 đến tháng 8.2012, cầu gồm 10 nhịp, có tổng chiều dài 145 mét, đạt tiêu chuẩn xe ô tô 24 chỗ ngồi lưu thông với tổng số tiền đầu tư hơn 1, 3 tỷ đồng.

Ông Tráng nở nụ cười mãn nguyện bên chiếc cầu nối nhịp bờ vui. Ảnh: Hữu Long     

Con đường bê tông dài gần 4 km chạy men theo xóm nghèo đổ thẳng ra cầu được ông Tráng hạ quyết tâm xây dựng trong thời gian rất ngắn. Và để chống tình trạng xói lở đất canh tác cũng như chỗ ở của người dân, nhiều năm nay ông âm thầm trồng thêm những bụi tre ven bờ sông. Thấy việc làm đầy ý nghĩa của ông, người dân không ai bảo ai, chung tay trồng dâu, làm bờ kè, trồng rừng men theo bờ sông chống mất đất trong mùa bão.

 

 

Theo: Báo Lao động

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19810341
Hôm nay
Hôm qua
5714
8748