Theo lịch thời vụ, bắt đầu từ ngày 20.12, nông dân trên địa bàn huyện chính thức triển khai gieo sạ 3750 ha lúa đông xuân 2016-2017 và việc xuống giống sẽ kết thúc vào 10.1.2017. Để vụ mùa mang lại thắng lợi lớn, trong quá trình sản xuất nhà nông cần áp dụng bài bản quy trình kỹ thuật và thực hiện tốt những khuyến cáo từ phía cơ quan chuyên môn. Theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, nông dân nên sạ cùng trà, cùng nhóm giống trên từng cánh đồng nhằm tạo thuận lợi cho việc làm đất, đổ ải, xuống giống, tưới tiêu, chăm sóc, phòng trừ các loại sâu bệnh gây hại và thu hoạch bằng cơ giới. Đặc biệt, cần ứng dụng rộng rãi gói kỹ thuật canh tác “1 phải, 5 giảm” (phải dùng những loại giống lúa cấp xác nhận có chất lượng cao và giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới, thất thoát khi thu hoạch). Trước lúc tiến hành ngâm ủ nông dân nên xử lý hạt giống bằng nước vôi trong 2% hoặc nước ấm “3 sôi, 2 lạnh”. Sau khi gieo sạ, nếu trời lạnh dưới 20 độ C thì hạn chế việc phun thuốc trừ cỏ và không sử dụng hỗn hợp nhiều loại thuốc.Việc bón thúc sớm sẽ quyết định rất lớn đến năng suất lúa, nhất là đối với những loại giống trung và ngắn ngày. Theo đó, nhà nông cần kịp thời bón phân lần 1 cho ruộng lúa non lúc 10 - 12 ngày sau sạ và khâu này nên thực hiện vào sáng sớm hoặc chiều mát, lúc ruộng có nước. Đồng thời kết hợp với tỉa dặm, làm cỏ sục bùn để vùi phân, hạn chế mất đạm và phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Đối với ruộng lúa thuộc dạng đất xám, cát pha thì tổng lượng phân urê, kali bón cho một sào cao hơn 1kg so với ruộng lúa thuộc dạng đất phù sa bồi. Còn đối với ruộng lúa có đất xấu, phèn nhiều, nên bón đầy đủ lượng phân lân nung chảy để cải tạo đất.
Theo dự báo, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trong thời gian tới, đặc biệt là từ giữa đến cuối vụ đông xuân 2016-2017, tình trạng nắng hạn và nhiễm mặn sẽ diễn ra gay gắt trên diện rộng. Để chủ động cung ứng nước tưới cho cây trồng, lãnh đạo ngành nông nghiệp huyện đề nghị những đơn vị liên quan cùng chính quyền các địa phương tập trung tối đa cho khâu thủy lợi. Trước mắt, ngay sau khi nước lũ rút, phải huy động nhân dân ra quân nạo vét hệ thống kênh mương chính, nội đồng và bể hút của các trạm bơm bị bồi lấp du lũ gây ra. Đồng thời, ưu tiên nguồn lực tài chính sớm đầu tư nâng cấp, gia cố, sửa chữa những công trình thủy lợi bị sạt lở, hư hỏng nặng do thiên tai gây ra. Bên cạnh đó, khẩn trương xây dựng bài bản phương án phòng chống hạn và xâm nhập mặn, đảm bảo phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng. Ngoài ra, cần tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân áp dụng triệt để các biện pháp sử dụng nước tưới tiết kiệm, nhất là thực hiện phương thức tưới ướt – khô xen kẽ. Theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn việc tưới ướt – khô xen kẽ sẽ giúp đất thông thoáng, rễ lúa ăn sâu, huy động tốt dưỡng chất, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Cách tưới là giữ đủ nước trên ruộng (2 - 3cm) từ khi hạt giống mọc mầm đến lúc bón thúc phân lần 1, sau đó để ruộng tự khô nước rồi tiến hành tưới lại trước khi bón thúc phân lần 2. Kế tiếp, để ruộng tự khô đến lúc đất nứt chân chim thì cho nước vào ruộng 3 - 5cm. Cứ làm như vậy cho tới khi lúa làm đòng. Bắt đầu từ thời điểm cây lúa làm đòng phải giữ nước thường xuyên trong ruộng, đến lúc bông lúa đóng hạt chắc thì rút nước ra với mục đích để ruộng khô cho dễ thu hoạch”.
Ngành chuyên môn cũng khuyến cáo thêm, từ đầu tới cuối vụ nhà nông phải thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện và triển khai hiệu quả các biện pháp phòng trừ sâu bệnh nhằm giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên, bà con nông dân cần lưu ý, trong khoảng thời gian từ khi xuống giống đến 40 ngày sau sạ nên hạn chế tối đa việc phun thuốc trừ sâu. Đối với các giống thường bị nhiễm bệnh đạo ôn, cần phun phòng trước hoặc sau khi ruộng lúa trổ đòng 5 - 7 ngày. Còn đối với ruộng lúa bị rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại thì chỉ tiến hành phun thuốc đặc hiệu khi kiểm tra thấy mật độ rầy xuất hiện hơn 2 nghìn con/mét vuông. Lúc phun thuốc trừ 2 loại rầy nguy hiểm này, ruộng phải có nước và phun kỹ vào phần gốc, phun bao vây từ ngoài vào trong.
Theo hướng dẫn của phòng nông nghiệp huyện, lượng vôi và phân cần bón cho 1 sào ruộng lúa trong vụ sản xuất là:
Vôi: 20 - 25kg; Phân chuồng: 400 - 500kg đối với lúa lai, 350 - 400kg đối với lúa thuần trung và ngắn ngày; Phân lân nung chảy: 20kg đối với lúa lai, 15kg đối với lúa thuần trung và ngắn ngày.Phân urê: 10 - 11kg đối với lúa lai, 8 - 9kg đối với lúa thuần trung và ngắn ngày. Phân kali: 5 - 6kg đối với lúa lai, 4 - 5kg đối với lúa thuần trung và ngắn ngày; Phân NPK: 7 - 8kg đối với lúa lai, 5 - 6kg đối với lúa thuần trung và ngắn ngày.
Cách bón phân như sau:
Vôi bón khi cày phơi ải đất; Bón lót: Trước khi làm đất lần cuối với toàn bộ lượng phân chuồng, phân lân nung chảy và 3 - 4kg phân NPK; Bón thúc lần 1 (sau sạ 10 - 12 ngày): 3 - 4kg phân urê cộng 2kg phân kali (đối với giống lúa thuần trung và ngắn ngày), 4kg phân urê cộng 2kg phân kali (đối với giống lúa lai); Bón thúc lần 2 (sau sạ 20 - 25 ngày): 3kg phân urê cộng 2kg phân NPK (đối với giống lúa thuần trung và ngắn ngày), 3kg phân urê cộng 4kg phân NPK (đối với giống lúa lai); Bón đòng: 2kg phân urê cộng 2 - 3kg phân kali (đối với giống lúa thuần trung và ngắn ngày), 2kg phân urê cộng 2kg phân kali (đối với giống lúa lai). Riêng đối với những giống lúa thuần dài ngày (thời gian sinh trưởng hơn 115 ngày) thì cần tăng thêm mỗi sào 2kg phân urê và 1 - 2kg phân kali để bón thúc lần 3 lúc sau sạ 35 - 40 ngày