Qua 6 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Duy Xuyên đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 trở thành huyện NTM thì đòi hỏi địa phương phải có những giải pháp mang tính đột phá...
Chú trọng phát triển kinh tế
Ông Huỳnh Văn Ánh - chuyên viên Phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, những năm gần đây, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của từng vùng, huyện tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tích cực hỗ trợ cơ giới hóa và đặc biệt là đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp với nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất nông nghiệp. Mỗi vụ nông dân trên địa bàn canh tác 3.800ha lúa và 2.000ha cây trồng cạn, rau đậu các loại. Riêng năm 2016, Duy Xuyên chủ động liên kết với 7 doanh nghiệp theo hướng đầu tư sản xuất và bao tiêu toàn bộ đầu ra sản phẩm. Kết quả đã tiêu thụ được 1.700 tấn lúa giống, 300 tấn dưa leo Nhật Bản. Thời gian qua, lĩnh vực chăn nuôi của huyện cũng có bước phát triển khá mạnh. Tính đến giữa tháng 1.2017 Duy Xuyên đã xây dựng được ít nhất 190 mô hình chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại và bình quân hằng năm mỗi mô hình cho lãi ròng từ 60 - 450 triệu đồng. Mặt khác, nhờ chú trọng đầu tư đóng mới, cải hoán tàu thuyền và mua sắm nhiều ngư lưới cụ hiện đại nên trong năm 2016 ngư dân Duy Xuyên đánh bắt được hơn 11.000 tấn hải sản..., góp phần đưa tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp đạt 1.362 tỷ đồng, tăng 47 tỷ đồng so với năm 2015.
Những năm tới, Duy Xuyên sẽ tập trung xây dựng chuỗi giá trị cho một số mặt hàng nông sản chủ lực. Ảnh: HOÀI NHI
Cận Tết Đinh Dậu, tại các cụm công nghiệp của Duy Xuyên như Gò Mỹ, Đông Yên, Tây An, Gò Dỗi, từng tốp công nhân vẫn hối hả vào ca sản xuất để kịp cung ứng sản phẩm theo đơn đặt hàng. Năm năm qua địa phương này thu hút thêm 11 dự án vào đầu tư với tổng vốn đăng ký 850 tỷ đồng, trong đó có 4 dự án FDI với số vốn 39 triệu USD, góp phần đưa tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 9.233 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân hàng năm 22,7% và giải quyết việc làm ổn định cho hơn 8.000 lao động với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Điều đáng nói là hiện nay Duy Xuyên thiếu hụt trầm trọng nguồn lao động bởi một số doanh nghiệp đang mở rộng quy mô sản xuất nên cần tuyển dụng thêm 4.700 lao động có tay nghề…
Nhờ kinh tế phát triển mạnh nên hiện nay tỷ lệ hộ nghèo trên toàn huyện chỉ còn 6,9%, giảm 12,89% so với năm 2011. Nếu cách đây 5 năm thu nhập bình quân đầu người của Duy Xuyên chỉ đạt 20,07 triệu đồng thì đến năm 2016 tăng lên hơn 35 triệu đồng.
Xây dựng hạ tầng
Cuối tháng Chạp, về Duy Xuyên, đi trên các tuyến đường bê tông phẳng lỳ, đâu cũng thấy những ngôi nhà cao tầng, vườn tược khang trang cùng những khóm hoa đang chớm nở như bừng lên sắc xuân NTM. Người dân trên địa bàn huyện đang chuẩn bị đón tết cổ truyền của dân tộc trong niềm hân hoan khi quê hương ngày một phát triển. Ông Văn Bá Năm – Trưởng phòng NN&PTNT kiêm Phó ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Duy Xuyên cho hay, từ năm 2011 đến nay toàn huyện đầu tư gần 1.500 tỷ đồng xây dựng NTM, trong đó vốn trực tiếp từ chương trình là 233,5 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 136 tỷ đồng, còn lại huy động các kênh vốn khác. Nhờ vậy, cơ sở hạ tầng thiết yếu từng bước được hoàn thiện, phục vụ tốt hơn nhu cầu sản xuất và đời sống dân sinh. Theo ông Năm, 6 năm qua địa phương đổ bê tông thêm 85,5km đường liên xã, liên thôn, liên xóm, nâng tổng số đường giao thông nông thôn được thảm nhựa, bê tông hóa lên 127km, đạt hơn 92% và kiên cố hóa 28km trục chính giao thông nội đồng.
Cùng với đó, hệ thống kênh mương được quan tâm xây dựng với gần 141km, đưa dòng nước từ các hồ, đập về tưới mát những cánh đồng. Ngoài ra, huyện còn đầu tư kéo 37km đường dây điện thủy lợi hóa đất màu, nâng tổng chiều dài lên hơn 116km, đảm nhận tưới cho 1.200ha đất sản xuất các loại hoa màu. Mặt khác, rất nhiều trường học được xây dựng khang trang, mạng lưới y tế phát triển mạnh ở cả tuyến huyện lẫn tuyến xã. Đến nay, tất cả 11 xã tham gia thực hiện chương trình NTM của huyện đều có trạm y tế đạt chuẩn. Không chỉ vậy, cơ sở vật chất văn hóa ở cấp xã và thôn cũng đảm bảo phục vụ tốt việc sinh hoạt, hội họp của nhân dân. Những năm gần đây, các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao cũng được huyện chú trọng cả về hình thức, nội dung và phương cách hoạt động, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về đời sống tinh thần của người dân. Công tác bảo vệ môi trường được triển khai đến tận khu dân cư với 99% số hộ có công trình nhà vệ sinh, 74,38% số hộ thực hiện dịch vụ thu gom, xử lý rác thải và 99,27% số hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh… Ông Văn Bá Năm nói: “Ngay từ khi bắt tay vào thực hiện chương trình NTM, Duy Xuyên xác định tập trung phát triển kinh tế gắn với đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để thay đổi diện mạo nông thôn và từng bước nâng cao đời sống cho người dân. Đến nay, toàn huyện đã có 4 xã về đích gồm Duy Hòa, Duy Trinh, Duy Sơn, Duy Phước. Các xã Duy Châu, Duy Trung, Duy Thành, Duy Vinh phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2018; còn lại 3 xã Duy Thu, Duy Tân, Duy Phú thì đến năm 2020 sẽ cán đích. Đây là yếu tố hết sức quan trọng để đưa Duy Xuyên trở thành huyện NTM”.
Nâng cao hiệu quả sản xuất
Có thể nói, sự khởi sắc của Duy Xuyên hôm nay là thành quả của cả một quá trình phấn đấu, nỗ lực của đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được thì vẫn còn rất nhiều tồn tại, hạn chế. Vì vậy, để đạt mục tiêu đến năm 2020 trở thành huyện NTM thì cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở.
Theo ông Văn Bá Năm, những năm tới địa phương sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, tạo dựng chuỗi giá trị một số mặt hàng nông sản chủ lực như thịt bò, thịt heo, gạo thơm, dưa xuất khẩu, ớt, đậu phụng, gừng… Mỗi mặt hàng có sự liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân nhằm đảm bảo ổn định đầu ra. Đồng thời kiện toàn, củng cố đội ngũ khuyến nông từ huyện đến cơ sở và tiếp tục đổi mới nội dung hoạt động. “Thời gian đến địa phương không chỉ thực hiện công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân mà cần phải chú trọng khâu xúc tiến thương mại, củng cố mô hình kinh tế hợp tác và hợp tác xã, đa dạng hóa các loại hình hợp tác trên các lĩnh vực sản xuất - dịch vụ. Lấy nguyên tắc tự nguyện và cùng có lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất ở các cụm công nghiệp của huyện, ưu tiên những doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản với nguyên liệu tại chỗ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cũng như giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương” - ông Năm nhấn mạnh.
Trong khi đó, nhiều ý kiến khác cho rằng, Duy Xuyên cần phải chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng đẩy mạnh chương trình cơ giới hóa trong nông nghiệp gắn với đào tạo nghề cho người dân. Khuyến khích lao động nông nghiệp chuyển sang lao động công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - thương mại - dịch vụ theo cách ly nông nhưng bất ly hương. Không chỉ vậy, linh hoạt huy động các nguồn lực tài chính để đầu tư thi công đồng bộ kết cấu hạ tầng nông thôn như giao thông, thủy lợi, trường học, y tế, cơ sở vật chất văn hóa. Đi đôi với đó là giảm thiểu tối đa tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ sở hạ tầng. Đồng thời quan tâm hơn nữa đến việc nâng cao chất lượng hoạt động trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường…
Trong số 9 tiêu chí xây dựng huyện NTM thì đến nay Duy Xuyên đã đạt 6 tiêu chí, gồm: quy hoạch, điện, sản xuất, môi trường, an ninh trật tự xã hội, chỉ đạo xây dựng NTM; 3 tiêu chí chưa đạt là giao thông, thủy lợi, giáo dục - y tế - văn hóa. Để đến năm 2020 trở thành huyện NTM, ngoài việc 11/11 xã phải về đích, không có nợ đọng thì Duy Xuyên cần phải đầu tư thêm 673 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong đó, ngân sách nhà nước các cấp chi 460 tỷ đồng, huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp gần 141 tỷ đồng, còn lại là tranh thủ những nguồn vốn khác. Theo kế hoạch, 4 năm tới huyện sẽ ưu tiên bố trí kinh phí nâng cấp ít nhất 18,5km đường giao thông trên 10 đoạn tuyến với tiêu chuẩn nền đường rộng 9,5 - 13,5m, mặt đường 5,5 - 7,5m. Cùng với đó, gia cố, nâng cấp các hồ thủy lợi lớn như Vĩnh Trinh, Phú Lộc, Thạch Bàn và kiên cố hóa thêm 78km kênh mương các loại nhằm chủ động cung ứng nước tưới cho cây trồng. Ngoài ra, địa phương cũng đầu tư mua sắm thêm một số trang thiết bị y tế và xây dựng nhiều phòng học…
HOÀI NHI