Trong những năm gần đây, nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và phát huy vai trò chủ thể của người dân, 11 xã xây dựng nông thôn mới ở huyện Duy Xuyên đạt nhiều thành tựu quan trọng, trong đó 4 xã điểm là Duy hòa, Duy Trinh, Duy Sơn và Duy Phước đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 2015, đang tiếp tục nâng chuẩn xã nông thôn mới, tạo nên bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Đường vào trung tâm xã Duy Trinh
Những ngày đầu tháng 11, chúng tôi có dịp về xã Duy Sơn. Xe ô tô bon bon trên những con đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, nhà cửa hai bên đường đều khang trang, thấp thoáng những ngôi nhà mái ngói, căn biệt thự, ai nấy đều cảm nhận được sự đổi thay nhanh chóng của làng quê. Từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo 16,56%, thu nhập bình quân đầu người là 13,5 triệu đồng vào năm 2011 thì đến nay, tỷ lệ hộ nghèo còn 4,8% và thu nhập bình quân đầu người là 25,19 triệu đồng /người / năm.
Nhân dân Duy Sơn làm giao thông nội đồng
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Mai, ở xã Duy Sơn, phấn khởi nói: “Từ hồi Đảng và nhà nước có chủ trương xây dựng nông thôn mới thì quê hương tôi có nhiều đổi mới. Người dân đi lại dễ dàng. Đường làng ngõ xóm không còn như ngày xưa nữa không còn sình lầy mà đi xe về tận ngõ. Điện đường sáng choang. Ai cũng lấy làm phấn khởi”.
Theo lãnh đạo xã Duy Sơn thì thành công trong xây dựng nông thôn mới đầu tiên phải kể đến sự đoàn kết, chung sức của đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn xã, đưa xây dựng nông thôn mới thành một phong trào thi đua lớn đẩy phấn khởi của mọi tầng lớp nhân dân. Xã tổ chức thực hiện từng nội dung, phần việc theo từng tiêu chí quốc gia nông thôn mới; người dân tin tưởng vào chủ trương lớn của địa phương phát động, không ngần ngại góp công, góp của, hiến đất vườn, hiến ruộng để chính quyền triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng. Mỗi công trình mới được xây dựng phục vụ tốt nhu cầu phát triển của người người dân hoàn thành là thêm một điểm sáng khẳng định nông thôn mới Duy Sơn ngày một hoàn thiện hơn.
Ông Ngô Phi Thâm, Chủ tịch UBND xã Duy Sơn cho biết: “Đến nay, cơ sở hạ tầng được đầu tư khá toàn diện, phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất và đời sống. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên đáng kể. Từ năm 2016-2020, chúng tôi nhận thức rằng việc đạt chuẩn xã nông thôn mới rất khó khăn nhưng việc giữ chuẩn và nâng chuẩn thì đây lại là thách thức lớn của địa phương. Chúng tôi đã có giải pháp để tiếp tục phát huy thành quả đạt được”.
Còn ở xã Duy Trinh, địa phương mới được bổ sung vào tốp 4 xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện và tốp 50 xã điểm xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh, đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 2015.
Ông Lưu Công Cả - Bí thư Đảng ủy xã Duy Trinh, thổ lộ: “19 tiêu chí đạt được chưa phải là kết quả cao nhất nhưng đã thể hiện được sự nỗ lực hết mình, hết sức của bà con nhân dân. Ngoài sự hỗ trợ đầu tư của nhà nước cấp trên thì đã huy động các nguồn lực trong nhân dân để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí hơn 52 tỷ, trong đó nhân dân góp 20 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công lao động. Có thể nói đạt được xã nông thôn mới là điều hết sức cố gắng nhưng giữ vững và nâng cao các tiêu chí là điều hết sức khó khăn. Chính điều này, Đảng bộ có nghị quyết đề ra làm thế nào có giải pháp hữu hiệu giữ vững các tiêu chí này và phát triển một cách bền vững”
Đến thời điểm nầy toàn huyện đã đầu tư trên 1.200 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó vốn đầu tư trực tiếp từ Chương trình quóc gia nông thôn mới gần 234 tỷ đồng chiếm 19,46 %, còn lại chủ yếu là vốn lồng ghép các chương trình, dự án. Qua 5 năm, toàn huyện đã đầu tư xây dựng 73 km đường giao thông nông thôn, nâng số đường trục giao thông xã, liên xã được thảm nhựa hoặc bê tông lên 114 km, đạt 90%; đường thôn đã bê tông 110 km, đạt 94%; xây dựng 265 km đường trục chính nội đồng, trong đó 28 km đường bê tông; kiên cố 66 km kênh mương loại 3, nâng tổng số kênh mương được kiên cố là 115 km đạt 52 %, xây dựng 23 km đường dây điện, phục vụ thủy lợi hóa đất màu.
Theo kế hoạch từ nay đến năm 2018, huyện Duy Xuyên phấn đấu sẽ có thêm 4 xã cán đích nông thôn mới gồm: Duy Châu, Duy Trung, Duy Thành, Duy Vinh. Ba xã còn lại là Duy Phú, Duy Tân và Duy Thu sẽ về đích vào cuối năm 2020.
Có thể nói, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới như luồng gió mát lành thổi vào tâm hồn mỗi con người, khơi dậy và tạo nên sự chuyển biến, đầy khởi sắc không ngờ ở một vùng quê mà vài năm trước đây còn nghèo khó. Từ nguồn vốn của Chương trình được vận dụng đầu tư, lồng ghép linh hoạt để nâng cấp, chỉnh trang cơ sở hạ tầng và huy động sức dân chung tay đóng góp cho nông nghiệp, nông thôn góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao./.
Phi Thành