Qua hơn 6 năm xây dựng nông thôn mới, huyện Duy Xuyên đã tạo nhiều đột phá trên lĩnh vực phát triển kinh tế- xã hội, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày thêm khởi sắc.
Từ năm 2011 đến nay, huyện Duy Xuyên huy động 1.668 tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới, trong đó vốn trực tiếp từ Chương trình là 307 tỷ đồng, chiếm 18,41 %, còn lại chủ yếu là vốn lồng ghép các chương trình, dự án. Nhờ vậy, địa phương đầu tư xây dựng 91,5km đường xã, thôn, xóm, nâng số đường trục giao thông xã, liên xã được thảm nhựa hoặc bê tông lên 132,5km, đạt 89,8%, đường thôn đã bê tông 110km, đạt 94%, kiên cố hóa 265km đường trục chính nội đồng, 95,3km kênh mương loại 3, nâng tổng số kênh mương được kiên cố lên 144 km, đạt 65,7%. Đồng thời, kéo 24 km điện thủy lợi hóa đất màu, nâng tổng chiều dài lên 116,24km, đảm nhận tưới 1.066 ha đất màu. Đến nay 100% hộ dân được sử dụng điện, 33 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 91,66%. Tỷ lệ huy động trẻ vào mẫu giáo đạt 89,7%. Tỷ lệ phổ cập giáo dục tiêu học và trung học cơ sở đạt 98%, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 97,41%. Cơ sở vật chất văn hóa xã, thôn cơ bản đáp ứng cho yêu cầu dân sinh, xã hội. Đặc biệt, chương trình giảm nghèo thực hiện đạt kết quả tích cực, đến tháng 3.2017, toàn huyện còn 8,3% hộ nghèo, giảm 11,5% so với năm 2011. Hộ cận nghèo còn 4,16%, giảm 14,24% so với cách đây 5 năm. Đời sống nhân dân cũng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng lên. Nếu năm 2011 đạt 20 triệu đồng/người/năm thì đến đầu năm 2017 28 triệu đồng/người/năm. Các lĩnh vực văn hóa, y tế, xã hội, môi trường được chú trong đầu tư. Mạng lưới y tế được đầu tư phát triển cả về y tế ở cả tuyến huyện và xã. Trong 5 năm đã đầu tư xây dựng 6 trạm y tế tại các xã Duy Thu, Duy Trung, Duy Hòa, Duy Phước, Duy Tân và Duy Phú, đảm bảo 11/11 xã đều có trạm y tế và đa số đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng dịch bệnh và thực hiện các chương trình y tế quốc gia có chuyển biến tích cực. Các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao được chú trọng cả về hình thức, nội dung và phương thức hoạt động, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân. Đến nay, có 34/67 thôn của 11 xã đạt chuẩn thôn văn hóa. Công tác bảo vệ môi trường được triển khai thực hiện đến tận khu dân cư. Theo số liệu thống kê toàn huyện có 99% hộ gia đình có công trình nhà vệ sinh, 74,38% số hộ thực hiện xử lý, thu gom chất thải đúng quy định và 99,27% hộ gia đình sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. Việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở được các cấp quan tâm đào tạo bồi dưỡng. Hầu hết các Đảng bộ, chính quyền đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, các đoàn thể chính trị đạt danh hiệu xuất sắc, an ninh trật tự xã hội nông thôn giữ vững. Người dân phấn khởi, tin tưởng và tham gia tích cực xây dựng nông thôn mới.
Phát huy thành quả đạt được, trong giai đoạn 2016-2020, các địa phương trên địa bàn huyện tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng dần chất lượng các hoạt động văn hóa – xã hội, môi trường và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn và phấn đấu đến cuối năm 2020, huyện Duy Xuyên trở thành huyện nông thôn mới. Để đạt được mục tiêu trên thì cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình dự án, doanh nghiệp và nhân dân, cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh về xây dựng nông thôn mới. Mặt khác, tiếp tục thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng chuổi giá trị một số mặt hàng nông sản chủ lực của huyện như thịt bò, thịt lợn, gạo thơm, dưa xuất khẩu, ớt, gừng. Mỗi mặt hàng nông sản cần có sự liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân nằm nâng cao hiệu quả. Tiếp tục củng cố lĩnh vực kinh tế hợp tác và hợp tác xã, đa dạng hóa các loại hình hợp tác trên các lĩnh vực sản xuất dịch vụ. Lấy nguyên tắc tự nguyện và cùng có lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội. Đặc biệt, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất ở các khu công nghiệp của huyện và nhất thiết mỗi xã cần có vài cụm công nghiệp nhỏ và ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản với nguyên liệu tại chỗ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cũng như thu hút lao động tại địa phương. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, khuyến khích lao động nông nghiệp chuyển sang lao động công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp – thương mại dịch vụ theo hướng ly nông bất ly hương. Ngoài ra, đi đôi với đầu tư cơ sở hạ tầng, cần chú trọng hơn nữa việc nâng cao chất lượng hoạt động trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường. Mặt khác, tiếp tục tinh giảm biên chế, cải cách hành chính, kiện toàn bộ máy hành chính công, nhất là cấp cơ sở, tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ vừa đủ tầm vừa đủ tâm đảm đương nhiệm vụ được giao với chất lượng tốt nhất.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là chương trình tổng hợp trên mọi lĩnh vực. Không những có ý nghĩa kinh tế mà còn có ý nghĩa xã hội rộng khắp trên địa bàn nông thôn. Vì vậy, các cấp các ngành phải coi đây là nhiệm vụ chính trị của tổ chức, mỗi cán bộ, đảng viên để tạo thành sức mạnh tổng hợp, đưa Duy Xuyên trở thành huyện công nghiệp gắp với huyện nông thôn mới vào năm 2020.
Văn Bá Năm- Phi Thành