Những năm gần đây, ngành nông nghiệp và huyện Duy Xuyên hỗ trợ nông dân dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng để hình thành nhiều mô hình cánh đồng mẫu , đồng thời liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa, lúa thương phẩm chất lượng cao.
Ông Nguyễn Đồng ở thôn Trà Châu, xã Duy Sơn, cho biết, gia đình ông có 6 sào ruộng trên cánh đồng Cả. Trước đây, số diện tích này nằm rải rác khắp nơi, việc làm đất, gieo sạ, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch gặp nhiều trở ngại. Cách đây hơn 4 năm, chính quyền địa phương cùng Hợp tác xã Duy Sơn vận động dồn điền đổi thửa để xây dựng mô hình cánh đồng mẫu theo chủ trương của cấp trên. Sau khi hoàn tất việc cải tạo đồng ruộng, các đơn vị liên quan tiến hành tổ chức bốc thăm, phân chia lại đất cho nông dân sản xuất và 6 sào ruộng của ông Đồng được gom lại còn 2 thửa lớn nhưng vẫn giữ nguyên diện tích. Ngoài việc xóa bỏ tình trạng ruộng đất manh mún, xã Duy Sơn còn tranh thủ huy động nhiều nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng bài bản hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng. Cạnh đó, ngành nông nghiệp huyện và đội ngũ khuyến nông viên cơ sở cũng tích cực hỗ trợ nhà nông đưa nhiều loại giống lúa mới có chất lượng cao vào canh tác đại trà, đặc biệt là chuyển giao rộng rãi gói kỹ thuật IPM kết hợp với sử dụng công cụ sạ hàng. Ông Đồng nói: “Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều khâu, đến nay vụ nào cánh đồng Cả cũng rất được mùa. Nếu năm 2012 trở về trước, năng suất lúa bình quân chỉ đạt 250-270kg/sào thì bây giờ tăng lên 310-330kg/sào. Nhờ đồng ruộng không còn nhỏ lẻ nên rất nhiều hộ dân có điều kiện đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất nhằm giải phóng sức lao động và mỗi vụ 1 sào ruộng cũng giảm được 250 nghìn đồng chi phí cho khâu làm đất, thu hoạch”.
Ông Nguyễn Văn Tấn - Phó Giám đốc Hợp tác xã Duy Sơn cho hay, cánh đồng Cả có diện tích gần 100ha, nằm trên địa bàn 3 thôn Kiệu Châu, Trà Châu, Trà Kiệu Tây. Trước đây, mặt ruộng chỗ cao, chỗ thấp và đất canh tác của từng hộ dân chia thành những thửa nhỏ nằm phân tán nhiều nơi, ảnh hưởng lớn đến quá trình canh tác, nhất là vấn đề cung ứng nước tưới, đầu tư thâm canh tổng hợp cũng như việc vận chuyển vật tư, nông sản… Trong 2 năm 2013-2014, xã Duy Sơn triển khai công tác dồn điền đổi thửa trên xứ đồng Cả với mục đích hình thành cánh đồng mẫu sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung. Nhờ sự đồng thuận cao của người dân nên việc thực hiện diễn ra khá thuận lợi, nhanh chóng. Dồn điền đổi thửa xong, nhờ sự hỗ trợ từ nhiều phía, xã Duy Sơn đầu tư 4 tỷ đồng kiên cố hóa 6km kênh mương và giao thông nội đồng trên cánh đồng Cả. Ông Tấn nói: “Từ năm 2014 đến nay, Hợp tác xã Duy Sơn làm cầu nối cho nông dân địa phương liên kết với các doanh nghiệp tổ chức sản xuất một số loại giống lúa thuần theo phương thức hàng hóa, bao tiêu đầu ra sản phẩm với quy mô mỗi vụ 40-50ha. Mô hình liên kết sản xuất đó giúp nhà nông tăng thêm gần 9 triệu đồng/ha/vụ so với làm thóc thịt”.
Ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, năm 2017, ngành nông nghiệp huyện cùng các xã Duy Châu, Duy Hòa, Duy Trung và thị trấn Nam Phước tiến hành dồn điền đổi thửa thêm 130ha đất lúa, nâng tổng diện tích đã thực hiện khâu này lên 2.500ha. Bên cạnh đó, huyện Duy Xuyên cũng huy động nhiều nguồn lực tài chính xây dựng hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng để hình thành hàng loạt mô hình cánh đồng mẫu. “Bên cạnh việc tích cực hỗ trợ xây dựng mô hình cánh đồng mẫu, các cơ quan có trách nhiệm cũng đã giúp nhà nông liên kết với nhiều doanh nghiệp sản xuất giống lúa hàng hóa và lúa thương phẩm chất lượng cao theo phương thức bao tiêu toàn bộ đầu ra sản phẩm nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Thực tế cho thấy, việc canh tác theo hướng này giúp thu nhập của nông dân tăng 15-25% so với trước đây” - ông Năm chia sẻ.
NHÃ PHƯƠNG