Để giải quyết việc làm tăng thu nhập, giảm hộ
nghèo, phát triển sản xuất, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Duy Xuyên
đang tập trung một số hướng đi như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng hiệu quả
sản xuất; đồng thời tạo điều kiện tốt nhất về điện năng để các doanh nghiệp đầu
tư cơ sở sản xuất-kinh doanh tại các địa phương, thu hút tạo việc làm cho người
lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Điện lực Duy Xuyên đã
phối hợp với chính quyền địa phương đáp ứng kịp thời nhu cầu về điện năng.
Trụ sở Điện lực Duy Xuyên
Cánh đồng chuyên canh các loại cây trồng cạn rộng trên 60 ha ở thôn Lệ Bắc ở xã Duy Châu, qua nhiều năm
phát triển ổn định, giờ đây đã trở thành hình mẫu trong chuyển đổi cơ cấu cây
trồng, tăng giá trị thu nhập trên 1 đơn vị diện tích. Trước kia, trên cánh đồng
này bà con nông dân chỉ sản xuất duy nhất một vụ dựa vào nước trời, còn trên
chục năm nay đồng đất hầu như không được nghỉ. Đó là kết quả của việc thực hiện
chương trình “ Thủy lợi hóa đất màu” do UBND huyện khởi xướng và hỗ trợ kinh
phí để chính quyền xã Duy Châu dựng trụ, kéo điện lưới ra đồng, nhân dân đóng
giếng, lắp đặt máy bơm chủ động bơm tưới cho cây trồng, tăng hiệu quả sản xuất.
Gia đình anh Nguyễn Thân, ở thôn Lệ Bắc, với 5 sào đất, hết vụ ớt đông xuân,
rồi xoay sang vụ đậu xanh, xen canh gối vụ cây bắp... Mỗi năm sản xuất liên tục
từ 3-4 vụ.
Không riêng xã Duy Châu mà hầu như ở cả 14 xã, thị trấn trên địa bàn
huyện cũng đều phát triển đường điện ra đồng để thực hiện chủ trương thủy lợi
hóa đất màu. Tại những nơi này, thu nhập của nông dân cao hơn hẳn so với sản
xuất lúa. Điều quan trọng là để đáp ứng chương trình này, Công ty Điện lực
Quảng Nam, Điện lực Duy Xuyên chủ động giải quyết việc phát triển trạm biến áp
cấp điện, dành phụ tải cho đường điện "thủy lợi hóa" trên các cánh
đồng.
Cùng với việc thực hiện tốt tiêu chí số 4 ( điện nông thôn) của bộ tiêu
chí quốc gia về nông thôn mới, ngành điện lực cũng tăng cường cung cấp điện để
phát triển các ngành công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ ở các địa
phương. Điện lực Duy Xuyên chủ động kế hoạch đầu tư phát triển lưới điện cung
cấp cho nhà đầu tư thuận lợi trong sản xuất-kinh doanh, góp phần chuyển dịch
nhanh lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp và có thu nhập ổn định ngay
tại quê nhà. Cùng với cụm công nghiệp Tây An tại xã Duy Trung có hàng chục
doanh nghiệp đầu tư, thì tại các xã khác như Duy Trinh, Duy Vinh, Duy Phước,
Duy Thành, Duy Thu, Duy Phú... có nhiều doanh nghiệp may mặc, chăn nuôi, sản
xuất vật liệu xây dựng... đầu tư, giải quyết được hàng ngàn lao động của địa
phương vốn xuất thân từ nông thôn. Tất cả các nhà đầu tư đều an tâm về điện
phục vụ cho sản xuất.
Có thể thấy, ở huyện Duy Xuyên, điện đã thực sự đi
trước, đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đối với thực hiện tiêu
chí nông thôn mới số 4 về điện, hiện nay hệ thống điện tại Duy
Xuyên được quy hoạch, xây dựng ở 100% số xã, với 97 trạm biến áp, đạt công suất
gần 10.000 KVA, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân,
tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 99,2%./.
Quang Giác