Quá khứ vẫn luôn hiện về như nhắc nhớ thương binh
Trần Văn Long sinh năm 1946, trú thôn Nhơn Bồi, xã Duy Thành về ý chí, nghị lực
kiên cường của người chiến sĩ để ông vượt qua thương tật và nỗi đau, tiếp tục
sống có ích cho gia đình, xã hội.
Về
quãng thời gian trong quá khứ, ông Long không thể nào quên bởi nó đã gắn liền
với cuộc đời, với những mảnh đạn còn găm trên thân thể. Năm 18 tuổi, ông tham
gia du kích thôn, đến 19 tuổi vào lực lượng vũ trang xã và trở thành Xã đội
trưởng xã Xuyên Tân cũ, được kết nạp vào Đảng khi mới tròn 20 tuổi. Trên cương
vị người chỉ huy, ông đã cùng lực lượng du kích tham gia rất nhiều trận đánh,
nhưng nhớ nhất là trận cùng đồng đội tiêu diệt gọn trung đội Nam Triều Tiên tại
khu vực Bà Rén - Nam Phước. Trung đội này thường xuyên đi tuần ở khu vực và hay
rà bom mìn trước khi đi để không bị dính “bẫy mìn” của du kích, bộ đội ta. Biết
thế nên du kích thường xuyên đi rải mảnh đạn, đinh dọc tuyến đường chúng hay đi
rà, cả tháng chúng không phát hiện ra bom mìn nên quyết định đi càn trận lớn.
Lần này, kế hoạch của ông Long được thực hiện. Loại bom, đạn cối của địch bị
thối không nổ, ông Long cùng đồng đội cưa lấy thuốc, cải tạo thành bom rồi đặt
ở lề đường đoạn trũng hơn đường cái. Khi trung đội Nam Triều Tiên gồm 30 tên đi
qua đoạn đã được gài bom, quân ta chờ sẵn bắn xối xả, buộc lòng chúng phải rút
xuống lề đường nấp. Cách đó 500m, du kích chỉ cần đốt dây cháy chậm đã được
giấu sẵn, quả bom nổ đùng và tiêu diệt gọn 30 tên lính.
Trong
một trận càn của Mỹ năm 1969, ông Long và một số đồng đội bị thương và bị bắt
về Sài Gòn, bị đánh đập, tra tấn nhưng kiên quyết không khai báo. Sau đó địch
đưa ông ra nhà tù Phú Quốc. Thời gian bị giam giữ ở nhà tù Phú Quốc cũng là lúc
ông và các đồng đội đã anh dũng, gan dạ, mưu trí để đấu tranh với kẻ thù. Ban
đầu, khi tù nhân mới được đưa ra đảo, để triệt tiêu khả năng chống đối, đấu
tranh của những người tù cộng sản, địch đã dùng dùi cui, gậy gộc đánh cho 2
chân của những người tù quỵ xuống, đến mức không đi được mới thôi. Không dừng
lại ở đó, trong nhà lao, địch chỉ cho những người tù ăn cá ươn, chỉ mặc một bộ
đồ nên chấy rận cắn suốt ngày, mỗi ngày chỉ cho 5 lít nước vừa để uống, tắm
giặt… Không cam chịu, những người tù cộng sản đấu tranh với địch bằng phong
trào tuyệt thực đòi thức ăn, nước uống, đòi tự do, dân chủ, chống khổ sai, tạp
dịch, chống chào cờ ngụy... Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là đấu tranh với bọn
chiêu hồi ở trong tù, vì rất khó nhận biết được người nào là cộng sản người nào
là bọn chiêu hồi trà trộn vào.
Ông Long
kể, có lần đi ngang qua một tên lính Mỹ nhưng ông không chào đã bị nó bắt lại
và treo ngược lên hàng rào thép gai, đập đầu vào cây to 30 cái, máu chảy ngược
xuống đất đến khi ngất lịm, anh em trong tù phản đối thì nó mới chịu thôi. Cảm
động và thiêng liêng nhất đối với những người tù cộng sản ở Phú Quốc lúc bấy
giờ là thời điểm Bác Hồ qua đời. Khi biết tin Bác mất, những người tù cộng sản
ở nhà lao Phú Quốc như chết đứng, nghẹn ngào không nói thành lời. Đêm đến,
những người tù nắm tay nhau, đứng thành vòng tròn làm lễ truy điệu Bác Hồ.
“Phút giây đó mỗi người trong chúng tôi sẽ không bao giờ quên được. Vừa nghẹn
ngào tiếc thương vì sự ra đi đột ngột của Bác, chúng tôi tự hứa với lòng mình
sẽ nỗ lực, cố gắng, kiên cường đấu tranh với giặc đến cùng để giành lấy hòa
bình, tự do cho đất nước” - ông Long chia sẻ.
Năm
1973, ông Long được trả tự do. Đến năm 1974, ông được phân công làm nhiệm vụ ở
đơn vị pháo cối, Trung đoàn 96, Mặt trận 4, tham gia cùng đoàn quân giải phóng
Quảng Nam - Đà Nẵng năm 1975. Ông kể, trong lần hành quân từ Đại Lộc xuống Điện
Bàn, Duy Xuyên để giải phóng quê hương, mỗi người lính đều vác trên mình gần
70kg đạn dược và lương thực. Sau ngày quê hương giải phóng, trở về quê, ông
Long tích cực tham gia các hoạt động xã hội, làm ruộng vườn để lo cho cuộc sống
gia đình. Điều đáng buồn là vợ chồng ông không thể sinh con vì di chứng của
chất độc da cam. Cuộc đời ông càng thêm vất vả khi vợ là bà Võ Thị Nha bị bệnh
tâm thần. Ông phải ngày đêm chăm sóc vợ mà không một lời kêu ca oán thán. Ông
Long tâm sự: “Nhưng trời không phụ lòng
người, niềm vui cũng đã đến với vợ chồng tôi khi chúng tôi quyết định nhận con
nuôi, nó tên Trần Văn Tuấn. Bây giờ con tôi đã có vợ và sinh cho tôi đứa cháu
nội kháu khỉnh, sớm hôm vui vầy. Thế là mãn nguyện rồi, ở tuổi gần đất xa trời
mà có con, có cháu bên cạnh, căn nhà lại ngập tràn tiếng cười, bệnh tình của vợ
tôi cũng nhờ thế mà thuyên giảm. Bây giờ không mong gì hơn, chỉ mong con cháu
khỏe mạnh, sống hạnh phúc là niềm an ủi lớn nhất với vợ chồng tôi rồi”.
Chiến tranh qua đi, biết bao người con đất
Quảng mãi mãi nằm xuống trong lòng đất mẹ, biết bao người con trở về với thân
thể không lành lặn. Cơ thể có thể bị khiếm khuyết, nhưng trong họ vẫn vẹn
nguyên ý chí kiên cường để vượt qua đau thương mất mát và những khó khăn trong
cuộc sống, vươn lên giúp ích cho gia đình, cống hiến cho xã hội. Trong thời
chiến cũng như thời bình, họ đã sống như thế - bằng tinh thần của người chiến
sĩ cộng sản.
D.LỆ-V.ANH