Nuôi chim trĩ vốn là một mô hình mới, chưa được
nhiều người nuôi, nhưng ở mảnh đất vùng cát Duy Hải có một thanh niên trẻ đã mạnh
dạn đưa mô hình hành này về thử nghiệm thành công, đó là anh Lê Văn Khuê, chàng
kỹ sư dầu khí hiện ở tại thôn Trung Phường.
Là một kỹ sư dầu khí, hiện đang giữ chân giám
sát nhà máy tại Công ty TNHH vàng Phước Sơn có thu nhập khá, nhưng lại có ước
mơ theo đuổi mô hình kinh tế trang trại, để làm giàu cho quê hương vùng cát Duy
Hải. Xuất thân từ gia đình nông dân
nghèo, thương bố mẹ quanh năm vất vả bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Vì thế,
Lê Văn Khuê luôn suy nghĩ tìm cách làm
ăn mới vừa phù hợp với điều kiện của địa phương lại vừa gần gũi với bà con nông
dân để bố mẹ và nông dân địa phương có thể làm được. Tình cờ một lần lên mạng,
Khuê đọc được một tài liệu liên quan đến nuôi chim trĩ. Thấy cách nuôi đơn giản,
phù hợp với khí hậu nóng ấm của miền Trung lại cho giá trị kinh tế cao, Khuê
không khỏi vui mừng vì biết rằng đây chính là mô hình chăn nuôi anh cần tìm.
Anh bắt đầu tìm tòi và tham quan các mô hình nuôi chim trĩ đã làm ăn có hiệu quả
tại các địa phương để từ đó đưa mô hình về với địa phương mình.
Từ số tiền tích góp và vay mượn thêm, tháng
3/ 2013, Lê Văn Khuê đầu tư 150 triệu đồng xây dựng 80m2 chuồng nuôi
và mua 50 cặp bố mẹ về nuôi đến nay, sau gần 1 năm, đàn chim trĩ của anh đã lên
trên 300 con. Anh Lê Văn khuê cho biết qua chưa đầy một năm, không chỉ thu hồi được tiền vốn và trừ chi
phí mà từ sau tết đến nay, anh cho ấp nở lứa đầu tiên bước đầu thu lãi hơn 20
triệu đồng từ việc bán con giống. Như thế so với nuôi gà và sản xuất nông nghiệp tại địa phương của anh
là rất cao.
Nuôi chim trĩ lợi
nhuận cao, nhưng công chăm sóc lại rất dễ,
gần giống như nuôi gà nhưng tỷ lệ hao hụt ít hơn nuôi gà nhiều. Anh Lê Văn Khuê
chia sẻ: “Nuôi chim trĩ không khác nuôi gà mấy,
nhưng chi phí thức ăn cho chim trĩ chỉ bằng 1/3 thức ăn của ăn, khi thành phẩm
cung cấp cho thị trường giá bán cũng gấp 3 lần gà. Hơn nữa về địa phương Duy Hải
có lợi thế gần biển, khí hậu thuận lợi nên ít dịch bệnh hơn và đặc biệt là vùng
cát nên có không gian để chim bay nhảy sinh hoạt rất thuận lợi để chim phát triển”.
Chim trĩ thương phẩm có thể bán với giá từ
250 nghìn đến 300 nghìn đồng/kg, mỗi con trĩ thương phẩm cũng đạt từ 1,2 đến
1,8kg. Là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao nên hiện tại anh Khuê đã nhận
được nhiều đơn đặt hàng kể cả trong và ngoài tỉnh. Theo anh Khuê, nếu được chăm
sóc tốt, một con chim trĩ mái có thể đẻ 120 trứng/năm. Cứ 4 ngày gia đình anh lại
thu một lứa con, mỗi lứa gần 60 con. Hiện gia đình anh đang ấp trên con giống,
mỗi con giống 10 ngày tuổi, anh xuất bán với giá 70 nghìn đồng/con.
Hiện nay, thấy anh Khuê nuôi chim trĩ thành
công, nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh tìm tới học hỏi kinh nghiệm. Với ai,
anh Khuê cũng sẵn lòng chia sẻ, tư vấn kỹ thuật, đồng thời còn hỗ trợ về con giống
cho những hộ nghèo khó khăn bằng việc chỉ lấy 70% tiền mua giống, phần còn lại
sẽ thu sau khi con giống phát triển. Anh tâm sự: “Tôi đã làm thành công, thấy nhiều người quan tâm nên cũng muốn nhân rộng
mô hình này đến nhiều hộ, nhất là các bạn thanh niên, nông dân. Trước là để bảo
tồn giống chim quý, hai là giúp người nông dân cải thiện đời sống, tăng thu nhập”.
Không chỉ có nuôi chim trĩ, Anh Lê Văn Khuê
còn kết hợp nuôi 100 cặp bồ câu Pháp lấy thịt.
Tuyết Mai