Tết Nguyên đán Ất Mùi về với nhân dân
các xã vùng Đông Duy Xuyên, Thăng Bình, nhất là nhân dân 2 xã vùng cát Duy
Nghĩa và Duy Hải vui hưởng niềm vui nhân đôi.
Bởi, cùng với niềm vui mùa xuân
khoe áo mới, người dân nơi đây còn có thêm niềm vui lớn khi cây cầu Cửa Đại,
niềm mơ ước bao đời, được bắc qua vùng hạ du sông Thu Bồn trước khi đổ vào biển
lớn sẽ khánh thành, đưa vào sử dụng
trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền nam thống nhất đất nước 30/4/2015, nối liền giao thông đôi bờ.
Trở về quê hương Duy Nghĩa sau gần 20
năm làm ăn và lập nghiệp tại tại xứ người, tranh thủ những ngày đầu xuân đi
chúc tết bạn bè và bà con, anh Nguyễn Văn Tư dẫn vợ con đi ngắm cầu Cửa Đại,
cây cầu mơ ước của biết bao thế hệ người dân nơi đây đang dần hoàn thiện những
công đoạn cuối, anh rất hân hoan, vui sướng bởi từ hồi còn ở quê, anh chưa từng
nghĩ quê mình sẽ có một cây cầu quy mô lớn như thế này. Trong các giọng miền
nam ấm áp, anh Nguyễn Văn Tư cho biết, “Cây
cầu đẹp quá, to lớn quá. Đó là ước mơ của tụi tui hồi còn nhỏ. Hồi đó khổ lắm,
chúng tôi đi học phải qua sông lụy đò, làm ăn cũng khó khăn cách sông trở đò,
không có ngành nghề gì để làm, đến nổi chúng tôi phải rời bỏ cái nơi chôn nhau
cắt rún của mình để vào miền trong làm ăn. Bao năm xa quê, giờ thấy quê hương
mình thay đổi thiệt rồi, năm nay mới có dịp trở lại quê hương, tôi mừng lắm,
thế hệ con cháu của tôi sau này chắc sẽ không còn khổ nữa, bà con quê mình cũng
sẽ đổi đời thôi”
Đó
không chỉ là mong ước và niềm vui của nhiều người con xa quê hương như anh
Nguyễn Văn Tư mà còn là mong mỏi của hàng nghìn người dân hai xã Duy Nghĩa, Duy
Hải. Còn nhớ hơn 4 năm trước, Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng về động thổ khởi công xây dựng cầu Cửa Đại, hầu hết người dân 2
xã Duy Nghĩa, Duy Hải và các xã vùng Đông Thăng Bình nô nức đi dự lễ động thổ,
mà như sống trong mơ. Ai cũng mong chờ sớm có được cây cầu nối liền 2 bờ Nam -
Bắc sông Cửa Đại để thuận lợi giao thông. Bởi bao thế hệ qua, người dân bên bờ
Nam sống Cửa Đại nhìn về bờ Bắc, thấy phố xá Hội An nhà xây kiên cố san sát,
sầm uất, nhộn nhịp người buôn kẻ bán, đời sống kinh tế khá giả, trong khi quê
mình nghèo xơ xác mà ước mơ. Và niềm ước mơ tưởng chỉ có trong mơ nay đã dần
thành hiện thực.
Dự án Cầu Cửa Đại có tổng mức đầu tư
3.450 tỷ đồng, tổng chiều dài cầu và đường dẫn là 18,3km, trong đó phần cầu
chính dài là 1,48km bắc qua sông Thu Bồn, nối phố cổ Hội An với vùng đông huyện
Duy Xuyên, Thăng Bình, Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu kinh tế Dung Quất. Cầu Cửa
Đại là một trong những công trình có cầu dầm liên tục lớn nhất so với các công
trình cầu khác trong cả nước, có phần cầu dài 1,48km với 24 mố trụ, riêng phần
cầu chính với 7 nhịp liên tục dài 830m, khẩu độ nhịp dài 150m, bề rộng 25,2m.
Cuối tháng 9/2014, cầu đã chính thức hợp long nối nhịp đôi bờ và dự kiến sẽ
được thông xe kỹ thuật vào tháng 3.2015, chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày giải
phóng quê hương Quảng Nam.
Vào những ngày này, người dân hết sức
phấn khởi mong chờ từng ngày để được tận mắt nhìn ngắm cây cầu lịch sử mà hơn
ước mơ bao đời mới có được. Ông Nguyễn Ngọc Thông – cán bộ hưu trí xã Duy Nghĩa
sáng nào rủ đám bạn già ra cầu vừa tập thể dục vừa ngắm cầu, đếm ngược từng
ngày để đến ngày cây cầu được hoàn thành. “Đây
là cây cầu vĩnh cửu, tương lai hàng nghìn năm sau con cháu sau này sẽ có nhiều
điều kiện thuận lợi để làm ăn, học tập, làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất
quê hương – một nơi đã trải qua nhiều gian khỏ trong chiến tranh. Diện mạo quê
hương sẽ đổi thay từng ngày khi có cây cầy mới. Chỉ có Đảng và nhà nước mình
mới quan tâm đến bà con được như vậy thôi”- Ông Nguyễn Ngọc Thông nói.
Dự án cầu Cửa Đại có ý nghĩa đặc biệt
quan trọng đối với các xã bãi ngang ven biển Duy Xuyên. Có cầu, giao thông
thông suốt, vùng đông Duy Xuyên và Thăng Bình sẽ thông thương với thành phố Đà
Nẵng, thành phố Hội An. Khi cây cầu đưa vào sử dụng, các xã vùng đông Duy Xuyên
và Thăng Bình sẽ là điểm nối giữa hai thành phố lớn là Đà Nẵng, Hội An với Khu
kinh tế mở Chu Lai và Khu kinh tế Dung Quất tỉnh Quảng Ngãi thông qua đường
Thanh niên ven biển. Lúc đó sẽ mở ra cơ hội kinh tế lớn cho vùng đất cát quê
nghèo này. Đã có nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến tìm hiểu và đầu
tư dự án du lịch và khu đô thị sinh thái ở vùng đông Duy Xuyên và Thăng Bình,
kinh tế - văn hóa - xã hội sẽ phát triển, đời sống nhân dân sẽ được cải thiện.
Xuân
mới, chúng ta cũng tự hào đón sự “chào đời” của cây cầu mới, tô điểm cho vùng
cát ngày càng đẹp và giàu mạnh hơn trong tương lai. Trong tiết xuân đến sớm,
trên những nhịp cầu người xe tấp nập ngược xuôi mua sắm, bán buôn và trở về nhà
cùng xum họp. Phía xa, trên những công trình vẫn còn những người thợ đang ngày
đêm miệt mài lao động để nối đôi bờ bằng những nhịp cầu mang lại niềm vui chung
cho đất nước. Trong tôi nghe đâ đây lời bài hát “chiếc cầu là nơi hò hẹn của
đôi ta…nhịp cầu nối những bờ vui./.
Tuyết Mai